Trong bối cảnh đồng USD trên thị trường thế giới đang ghi nhận dấu hiệu hạ nhiệt sau chuỗi tăng kéo dài nhiều tháng, giá bán USD tại thị trường trong nước vẫn duy trì ở mức cao tại hầu hết nhà băng.
Trong phiên giao dịch 25/5, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.103 đồng/USD, không thay đổi so với phiên liền trước nhưng đã giảm 14 đồng so với đầu tuần.
Với biên độ dao động +/-3% theo tỷ giá trung tâm, tỷ giá sàn/trần USD trên thị trường phiên 25/5 được phép dao động quanh mức 22.410/23.796 đồng/USD.
Cũng trong hôm nay, giá giao dịch USD tham khảo tại Sở giao dịch NHNN ở mức 22.500 - 23.250 đồng/USD (mua vào - bán ra), không thay đổi so với một tuần trước đó. Tuy nhiên, trên kênh ngân hàng thương mại, giá bán ngoại tệ này tại hầu hết nhà băng đã tăng lên mức cao nhất 2 năm.
Cụ thể, Vietcombank hiện chấp nhận mua vào đồng bạc xanh ở mức 23.070 đồng/USD, không đổi so với phiên hôm qua, nhưng đã tăng 35 đồng so với đầu tuần. Tương tự, giá bán ra tại nhà băng này hiện cố định ở mức 23.350 đồng/USD, cũng tăng 35 đồng so với ngày 23/5.
DIỄN BIẾN TỶ GIÁ USD/VNĐ TỪ ĐẦU NĂM 2022 | |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Số liệu tại Vietcombank | |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Nhãn | Ngày 2/1 | 5/1 | 9/1 | 12/1 | 16/1 | 19/1 | 23/1 | 26/1 | 30/1 | Ngày 2/2 | 6/2 | 9/2 | 13/2 | 16/2 | 20/2 | 23/2 | 27/2 | Ngày 2/3 | 6/3 | 9/3 | 13/3 | 16/3 | 20/3 | 23/3 | 27/3 | 30/3 | Ngày 3/4 | 6/4 | 10/4 | 13/4 | 17/4 | 20/4 | 24/4 | 27/4 | Ngày 1/5 | 4/5 | 8/5 | 11/5 | 15/5 | 18/5 | 22/5 | 25/5 | |
Mua vào | đồng/USD | 22640 | 22620 | 22570 | 22560 | 22570 | 22560 | 22480 | 22490 | 22500 | 22500 | 22500 | 22550 | 22550 | 22620 | 22700 | 22680 | 22680 | 22700 | 22700 | 22710 | 22730 | 22740 | 22720 | 22740 | 22730 | 22720 | 22700 | 22730 | 22720 | 22740 | 22760 | 22825 | 22830 | 22825 | 22815 | 22830 | 22810 | 22920 | 22950 | 23000 | 23030 | 23070 |
Bán ra | 22920 | 22900 | 22850 | 22840 | 22850 | 22840 | 22760 | 22770 | 22780 | 22780 | 22780 | 22830 | 22830 | 22900 | 22980 | 22960 | 22960 | 22980 | 22980 | 22990 | 23010 | 23020 | 23000 | 23020 | 23010 | 23000 | 22980 | 23010 | 23000 | 23020 | 23040 | 23105 | 23110 | 23105 | 23095 | 23110 | 23090 | 23200 | 23230 | 23280 | 23310 | 23350 |
Đáng chú ý, đây là giá bán USD cao nhất mà Vietcombank đưa ra kể từ tháng 4/2020 đến nay. Trước đó, nhà băng này từng nâng giá bán đồng bạc xanh lên mức kỷ lục hơn 23.650 đồng vào đầu tháng 4/2020.
Nếu so với một tháng trước, tỷ giá ngoại tệ USD/VNĐ tại Vietcombank đã tăng xấp xỉ 300 đồng/USD.
Tương tự, BIDV hiện cũng chấp nhận mua - bán USD ở mức 23.070 - 23.350 đồng/USD như Vietcombank. So với phiên liền trước, giá bán tại đây giảm 10 đồng nhưng so với đầu tuần thì vẫn cao hơn 35 đồng/USD.
Tại VietinBank, nhà băng này niêm yết giá giao dịch USD ở mức 23.058 - 23.338 đồng/USD (mua vào - bán ra). So với phiên liền trước, giá bán tại đây đã giảm 97 đồng. Tuy nhiên, tính từ đầu năm, tỷ giá quy đổi ngoại tệ tại nhà băng này vẫn giữ xu hướng tăng.
Với nhóm ngân hàng thương mại tư nhân, giá bán USD hiện phổ biến dao động quanh vùng 23.300 đồng/USD. Trong đó, Techcombank là ngân hàng có giá bán cao nhất ở 23.350 đồng/USD, trong khi hầu hết ngân hàng còn lại như HDBank, Eximbank, ACB chấp nhận bán ra ở 23.300 đồng.
Giá bán USD tại nhiều ngân hàng thương mại đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2020. Ảnh: Nam Khánh. |
Trên thị trường tự do, sau khi tăng vượt mốc 24.000 đồng/USD vào ngày hôm qua (24/5), tỷ giá ngoại tệ này đã có xu hướng hạ nhiệt trong hôm nay, hiện phổ biến giao dịch ở 23.880 đồng/USD (mua) và 23.960 đồng/USD (bán), giảm 40 đồng.
Với tỷ giá hiện tại, giá bán USD tự do vẫn cao hơn gần 700 đồng so với kênh ngân hàng thương mại.
Ghi nhận trong báo cáo thị trường trái phiếu tiền tệ tuần gần nhất, các chuyên gia phân tích tại SSI Research cho biết bất chấp đồng USD trên thị trường thế giới có diễn biến hạ nhiệt, tiền VNĐ vẫn tiếp tục mất giá so với đồng bạc xanh.
Tính từ đầu năm, tiền Đồng đã mất giá khoảng 1,5%. Theo SSI Research, diễn biến này đến một phần từ áp lực vĩ mô, bao gồm áp lực lạm phát tăng trong khi lãi suất được Ngân hàng Nhà nước duy trì ổn định để hỗ trợ nền kinh tế.
Tuy nhiên, mức mất giá của tiền Đồng thời gian qua vẫn thấp hơn mức đỉnh vào tháng 3/2020 và thấp hơn so với các đồng tiền khác trong khu vực như CNY mất giá 5,3%; TWD giảm 7,1%; KRW giảm 6,7%; INR giảm 4,3%; THB giảm 2,6%..
Về dài hạn, yếu tố hỗ trợ chính cho VNĐ vẫn đến từ nguồn cung USD tích cực từ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân, thặng dư cán cân thương mại và nguồn kiều hối ngày càng tăng.