Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giá ăn uống ở vùng pháo hoa đêm giao thừa không tăng

Taxi không đi theo đồng hồ, gửi xe máy có thể mất tới 60.000 đồng... là những điều dễ dàng bắt gặp tại khu vực trung tâm Hà Nội đêm giao thừa.

Đêm 18/2 (30 Tết Âm lịch), các hộ kinh doanh ăn uống tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội có một ngày làm việc như bao ngày khác trong năm. Vốn là địa điểm đông vui bậc nhất Thủ đô, khu vực phố Tạ Hiện, Lương Ngọc Quyến, Hàng Bạc vào đêm giao thừa tràn ngập người dân đi chơi Tết.

Tại các quán vỉa hè trên đoạn phố Tạ Hiện cắt với Lương Ngọc Quyến, giá cả không có sự thay đổi so với hàng ngày. Với 20.000 đồng/chai bia, từ 50.000 đến 250.000 đồng cho 1 con mực nướng, khách hàng cả Tây lẫn Việt có thể ung dung thưởng thức và chờ đến thời điểm bắn pháo hoa.

Anh Tùng, một khách hàng trẻ thường xuyên ngồi uống bia Tạ Hiện cho biết, anh thực sự cảm thấy bất ngờ khi vật giá đêm giao thừa tại khu vực không hề có sự thay đổi, trong bối cảnh hầu hết các mặt hàng hay dịch vụ khác đều tăng. 

Một người kinh doanh tại khu vực cho biết, giá cả tại khu vực đêm giao thừa không tăng là bởi hầu hết các hộ đều cảm thấy không cảm thấy cần thiết phải làm vậy. So với các ngày nghỉ khác trong năm, hầu như lượng khách đến với phố cổ đêm giao thừa không có sự khác biệt và đối với nhiều hộ thì họ cũng coi đây là một ngày làm việc bình thường. 

Mực nướng bán không chạy trong thời khắc chuyển giao năm mới. Ảnh: Quang Tùng

Theo ghi nhận, trong khi bia và các mặt hàng như khoai tây chiên, nem chua rán, bánh đa vẫn được nhiều khách hàng ưa chuộng thì một món ăn khác vốn quen thuộc với giới trẻ Hà thành là mực nướng lại nhận được ít sự quan tâm.



Một chủ quán nước kiêm kinh doanh mực nướng trên phố Lê Thái Tổ cho biết, mực nướng trước giao thừa vốn bán không chạy được như ngày thường, sau giao thừa mặc dù vẫn bày bán thì lượng khách ăn món này là không có. Cũng theo như người này, vẫn sẽ có những người không kiêng kị ăn mực vào mùng 1 nhưng số này không nhiều.

Nếu như giá cả các dịch vụ ăn uống hầu như không biến động, thì các mặt hàng khác như cành lộc, muối hay dịch vụ taxi đều có mức giá khác xa so với ngày bình thường. Theo ghi nhận của phóng viên, năm nay con số 20.000 đồng là mức giá phổ biến cho các mặt hàng bán dạo quanh khu vực Hồ Gươm như muối may mắn, bóng bay hình dê hay cành lộc.

Gửi xe tại phố cổ, ngày thường dao động từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng thì tối giao thừa, mức giá thấp nhất ghi nhận là 30.000 đồng và thậm chí có điểm lên đến 60.000 đồng. 

Các hộ kinh doanh ẩm thực tất bật thời điểm sáng sớm mùng 1 Tết. Ảnh: Quang Tùng

Đặc biệt, lái xe taxi đêm giao thừa không chạy theo giá đồng hồ mà sẽ thoả thuận với khách hàng. Theo chia sẻ từ một lái xe taxi, anh cũng như các tài xế khác nhận khoán mỗi ca phải trả lại cho tổng đài 1,2 triệu đồng nên đêm 30, hầu hết các lái xe sẽ chạy theo giá thoả thuận, cao hơn giá đồng hồ để có thêm thu nhập cũng như lấy may cho năm mới. 

Thời điểm 2h sáng ngày mùng 1, các quán ăn đêm tại phố lẩu Phùng Hưng cũng như tại phố ẩm thực Tống Duy Tân trở nên đông đúc hơn bình thường. Đây là thời điểm người dân tụ tập ăn uống sau khi bắn pháo hoa, và cũng là cơ hội để các hộ kinh doanh ẩm thực kiếm lộc đầu năm. Tuy nhiên, giá tại 2 khu vực này cũng không có sự khác biệt so với mọi ngày.

Phố cổ Hà Nội ế khách sắm Tết vì mưa rét

Sáng thứ 7 cuối cùng năm Giáp Ngọ, phố cổ Hà Nội không đông khách như mọi ngày dù đây luôn được coi là tuyến phố buôn bán sầm uất của nhất thủ đô, nhất là những ngày cận Tết.

Tô Đức

Bạn có thể quan tâm