Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TƯ VẤN

Ghi âm, ghi hình trái phép tại phiên tòa bị phạt đến 15 triệu đồng

Nhà báo và người tham dự phiên tòa ghi âm, ghi hình nhưng không được chủ tọa hay nhân vật liên quan cho phép có thể bị phạt tối đa 15 triệu đồng.

Trong phiên họp chuyên đề pháp luật ngày 18/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Pháp lệnh này gồm 4 chương, 48 điều và có hiệu lực từ ngày 1/9.

Điều 23 thuộc Mục 3 của Chương 2, Pháp lệnh nêu chi tiết 4 quy định cùng chế tài xử phạt những người có hành vi vi phạm nội quy phiên tòa, phiên họp và hành vi khác gây cản trở hoạt động tố tụng.

Thứ nhất, cơ quan chức năng phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 100.000-500.000 đồng đối với người dùng điện thoại, tạo các tạp âm hoặc gây mất trật tự; không để thiết bị điện tử ở trạng thái tắt camera hoặc tắt âm thanh dù chủ tọa nhắc nhở; không đứng dậy khi HĐXX vào phòng xử án hoặc khi tuyên án.

Mức phạt trên cũng được áp dụng nếu bị cáo không đứng dậy khi kiểm sát viên đọc cáo trạng hoặc quyết định truy tố; hút thuốc, ăn uống trong phòng xử án; trang phục không nghiêm túc, đội mũ, nón, đeo kính màu không có lý do chính đáng và không được chủ tọa đồng ý; bị cáo đang bị tạm giam tiếp xúc với người khác không phải là người bào chữa mà không được chủ tọa cho phép; người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đã được nhắc nhở nhưng vẫn vào phòng xử án, trừ khi được tòa triệu tập.

Noi quy phien toa anh 1

Quang cảnh một phiên tòa hình sự. Ảnh: A.L.

Thứ hai, phạt tiền từ 500.000 đồng đến một triệu đồng đối với một trong các hành vi: Không chấp hành việc kiểm tra an ninh của lực lượng bảo vệ; hỏi, trình bày ý kiến khi chưa được chủ tọa đồng ý; gây rối tại phòng xử án; không chấp hành sự điều khiển của chủ tọa.

Bên cạnh đó, người có thái độ không tôn trọng HĐXX; người tham gia phiên tòa không xuất trình giấy triệu tập, giấy mời hay giấy tờ có liên quan; người tham gia phiên tòa không ngồi đúng vị trí; người tham gia phiên tòa tự ý rời phòng xử án khi phiên tòa đang diễn ra.

Thứ ba, người có một trong các hành vi sau sẽ bị phạt tiền từ 1-7 triệu đồng: Lôi kéo, xúi giục, kích động người khác gây mất trật tự, gây rối tại phòng xử án; mang đồ vật cấm lưu hành, truyền đơn, khẩu hiệu hoặc tài liệu, đồ vật khác vào phòng xử án, trừ vật chứng của vụ án hoặc vũ khí, công cụ hỗ trợ được phép mang theo; cố ý ngắt hệ thống chiếu sáng, âm thanh, ghi âm, ghi hình tại tòa.

Thứ tư, nhà chức trách áp dụng chế tài phạt tiền từ 7-15 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Đổ, ném chất thải, chất bẩn, hóa chất, gạch... vào phòng xử án; mang vũ khí, hung khí, chất nổ, chất cháy hoặc chất độc vào phòng xử án, trừ vật chứng của vụ án.

Ngoài những nội quy trên, Pháp lệnh vừa được thông qua còn đề ra 2 quy định đối với nhà báo tác nghiệp tại phiên tòa. Theo đó, nhà báo không thực hiện yêu cầu của tòa về việc xuất trình thẻ nhà báo để hoạt động nghiệp vụ báo chí, thì bị phạt từ 500.000 đồng đến một triệu đồng.

Nhà báo và người dự phiên tòa ghi âm, ghi hình HĐXX mà không được sự đồng ý của chủ tọa; ghi âm, ghi hình người tham gia tố tụng (tại phiên tòa dân sự, hành chính) mà không được họ đồng ý; hoặc không tuân thủ sự điều hành của chủ tọa trong phiên tòa hình sự sẽ bị phạt 7-15 triệu đồng.

Đề xuất 4 tình huống cảnh sát cơ động được kiểm tra người, phương tiện

Bộ Công an đề xuất CSCĐ được kiểm soát khi phát hiện người phạm tội quả tang, người bị truy nã hay phát hiện người, phương tiện, đồ vật, tài liệu, tài sản có thông báo truy tìm.

Hồng Đăng

Bạn có thể quan tâm