Ghế nóng ở công ty chứng khoán
Hôm nay làm tổng giám đốc (CEO) của công ty chứng khoán này, mai lại sang chỗ khác. Các sếp chứng khoán dường như quá quen với điệp khúc “hội ngộ rồi chia ly”.
Dứt “mối tình” thập kỷ
Cuối năm 2012, nghe tin ông Lê Đình Ngọc trở thành Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Quản lý quỹ Tín Phát, phóng viên nhắn tin chúc mừng và ngỏ ý muốn ông có mấy lời trên báo chí. Ông Ngọc nhắn lại: “Ông ơi, tha cho tôi, để tôi còn… thở tý đã”.
Không phải ông Ngọc khó khăn hay e ngại gì, nhưng có lẽ, với tốc độ “thay vua, đổi tướng” chóng mặt của ngành chứng khoán, thì không ít vị đúng là thở cũng không kịp. Thông tin về việc công ty chứng khoán nào đó thay tướng giờ chẳng gây ồn ã, khiến dân tình chú ý như trước nữa, bởi đó đã là chuyện thường ngày ở huyện!
Thực ra, chuyện ông Ngọc trở thành người đứng đầu Quỹ Tín Phát không có gì bất ngờ, vì hồi giữa năm 2012, ông cũng đã ngồi ghế Chủ tịch công ty Chứng khoán Maritime Bank (MSBS), mà MSBS lại là cổ đông lớn nhất của Quỹ Tín Phát. Tuy nhiên, nhắc đến ông Ngọc trong bài viết này, vì ông từng là nhân vật được chú ý khá nhiều khi chia tay công ty Chứng khoán Thăng Long cách đây chừng một năm.
Thời kỳ đó, rất nhiều người đã tỏ ra khá bất ngờ, bởi ông Ngọc từng là Phó tổng giám đốc và Tổng giám đốc của công ty Chứng khoán Thăng Long trong ngót một thập kỷ, đã cùng công ty này trải qua nhiều thăng trầm của thị trường. Báo chí đã từng tốn khá nhiều giấy mực tìm căn cớ dẫn đến cuộc chia tay sau cả chục năm mặn nồng giữa ông Ngọc và Chứng khoán Thăng Long. Nhưng cũng chẳng có nghĩa lý gì, vì quan trọng là vì, đã đến lúc duyên tình nó phải thế!
Sau khi ông Ngọc chia tay với Chứng khoán Thăng Long, một lần tình cờ, gặp ông ở Làng Quốc tế Thăng Long, phóng viên hỏi: “Thế đã có dự án mới gì chưa?”, ông Ngọc chỉ nói một cách khôi hài: “Ở nhà, thay vợ sáng đưa con đi học, chiều đón con thôi”. Tuy vậy, không bao lâu sau đó, ông Ngọc đã trở thành ủy viên HĐQT và bước lên ghế Chủ tịch MBBS vào giữa năm 2012 vừa qua.
Trong làng chứng khoán, người ta còn nhắc đến một nhân vật từng vang bóng một thời - ông Nguyễn Quang Vinh. Sau khi ông Nguyễn Thế Minh rời ghế nóng tại công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) thì người tiếp quản vị trí CEO tại SHS chính là ông Vinh. Đây cũng là một sự kiện khá “nổi” trong giới chứng khoán thời kỳ đó, bởi để đến với SHS, ông Vinh đã chia tay công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), nơi ông là Tổng giám đốc đến ngọt chục năm và cũng là một người có vị trí rất quan trọng đối với công ty này ngay từ những ngày đầu.
BVSC là công ty chứng khoán đầu tiên được thành lập và luôn nằm trong top những công ty mạnh nhất thị trường. Ngay từ ngày đầu thành lập BVSC, ông Vinh đã là Phó tổng giám đốc BVSC và đã có vai trò quan trọng trong việc tham gia các vấn đề lớn của công ty. Đồng thời, mối quan hệ rộng rãi đã giúp ông Vinh đưa về BVSC nguồn khách hàng không nhỏ trong cả mảng tư vấn và mảng môi giới.
Sau khi làm phó dưới 2 thời tổng giám đốc, việc ông Vinh bước lên vị trí Tổng giám đốc BVSC, cũng như ngồi trên cương vị này trong nhiều năm như một điều đương nhiên.
Vì thế, việc ông Vinh rời BVSC sau nhiều năm gắn bó tại đây để sang cầm quân tại SHS là một sự kiện gây ra khá nhiều bất ngờ trong giới chứng khoán thời kỳ đó. Đáng nói là, tại SHS, ông Vinh không gắn bó được lâu như ở BVSC và hai bên đã đường ai nấy đi.
“Lang thang" cùng chức CEO
Thực ra, việc các CEO chứng khoán hội ngộ hay chia ly đâu đó cũng có rất nhiều lý do. Nhưng có thể nhận thấy trong trùng trùng sóng gió ấy, có những CEO nhận lời đến công ty nào đó với mục đích khá rõ ràng. Đó là khi họ được tín nhiệm và trông đợi sẽ vực dậy hay giúp công ty đạt những mục tiêu cụ thể nào đó.
Cũng liên quan đến MSBS, một nhân vật đã từng bôn ba qua vị trí CEO của nhiều công ty chứng khoán là ông Nguyễn Thế Minh. Việc ông Minh rời chiếc ghế Tổng giám đốc MSBS hồi tháng 5/2012 cũng là một điều khá bất ngờ. Vai trò của ông Minh trong hơn một năm làm Tổng giám đốc MSBS thể hiện khá rõ nét, khi ông góp phần không nhỏ đưa MSBS từ một công ty chứng khoán gần như vô danh trở thành một tên tuổi được biết đến ít nhiều trong giới chứng khoán.
Tuy nhiên, việc chia tay của ông Minh cũng có mục đích rõ ràng, đó là chiếc ghế nóng tại một công ty chứng khoán thuộc ngân hàng sắp bị sáp nhập - công ty cổ phần Chứng khoán Habubank (HBBS). Sau khi Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội - Habubank sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB), HBBS được đổi tên thành công ty cổ phần Chứng khoán SHB (SHBS).
HBBS trước thời ông Minh tiếp quản không có tổng giám đốc trong cả một thời gian dài đến 2 năm. Hôm tôi gặp ông ngay sau khi HBBS vừa chuyển đổi thành SHBS, ông Minh tâm sự, chính việc HBBS không có tổng giám đốc dẫn đến hậu quả công ty không có định hướng rõ ràng trong hoạt động. Ông tiếp quản HBBS là để thực hiện nhiệm vụ tiến hành tái cơ cấu toàn diện.
Như vậy, sau một số năm “bôn tẩu giang hồ”, ông Minh lại trở về làm việc dưới trướng của bầu Hiển (ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT SHB). Trước đó, ông Minh cũng đã từng là cánh tay phải của ông Hiển trong lĩnh vực chứng khoán, đó là thời ông Minh là Tổng giám đốc của công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS). Từ một công ty chứng khoán sinh sau đẻ muộn, ông Minh cũng đã dẫn dắt SHS đi lên để có một vị trí thuộc hàng “kha khá” trong giới chứng khoán. Tuy nhiên, sau đó, ông này lại rong ruổi vó ngựa về miền đất cảng để tiếp quản một công ty chứng khoán đang trong thời kỳ “trọng bệnh” là công ty Chứng khoán Hải Phòng (Haseco).
Việc ông về miền đất cảng để tiếp sức cho Haseco diễn ra khá nhanh chóng, thậm chí không nhiều người biết về cuộc “Đông tiến” này. Thực chất, đó chỉ là một cuộc hội ngộ có tính tốc hành, với mục đích dẫn dắt công ty này ra khỏi khó khăn tạm thời. Khi đó, Haseco đứng trước nguy cơ phải rời sàn niêm yết vì thua lỗ một khoảng thời gian dài. Ngay sau khi đưa Haseco từ thua lỗ đến ổn định và có lãi trở lại, ông Minh lại chia tay Haseco, trở lại Thủ đô đầu quân cho công ty Chứng khoán Maritime Bank.
Câu chuyện của ông Ngọc và ông Vinh cũng để gợi nên một sự liên tưởng về bức tranh nhân sự cao cấp tại các công ty chứng khoán: một sự ổn định diễn ra trong một thời gian rất dài, nhưng bức tranh đã đảo ngược gam màu khi làn sóng thay vua đổi tướng trở nên phổ biến trong ngành này chỉ trong vòng 2 năm qua.
Dù vậy, không phải tất cả những cuộc hội, chia ly của CEO chứng khoán đều đầy xúc cảm, vương vấn. Đây đó là những cuộc rời bỏ vị trí cao nhất gắn với scandal, thậm chí khiến những người nắm quyền hành phải đối diện với pháp luật. Âu cũng là bài học đáng suy ngẫm cho mỗi người khi tham gia thị trường chứng khoán vốn không ít “sóng”.
Theo Đầu tư