Khi Tổng thống Trump bổ nhiệm ông Wray làm giám đốc FBI, đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự khác biệt với nhiệm kỳ của cựu giám đốc James Comey, người mà ông Trump ngày càng mất lòng tin và thậm chí sa thải.
Ông Wray (bên phải) lắng nghe Tổng thống Trump phát biểu trong buổi lễ tốt nghiệp của Học viện Quốc gia FBI ở Virginia hồi tuần trước. Ảnh: AP. |
Vì Wray do chính ông Trump chọn nên những tưởng vị tân giám đốc sẽ hoạt động trơn tru và “dễ thở”. “Tôi chắc chắn rằng Wray sẽ tiếp tục phụng sự đất nước với tư cách một người bảo vệ pháp luật quyết liệt”, Trump nói hồi tháng 6.
Tuy nhiên, sau 5 tháng kể từ khi Wray nhận nhiệm vụ mới, Trump thực tế chẳng khiến công việc của vị giám đốc FBI dễ dàng hơn. Trong khi đó, ông Wray phải chật vật phục hồi niềm tin công chúng với FBI.
Sự công kích nhiều phía
Những lời công kích liên tiếp từ tổng thống khiến ông Wray và đội ngũ lãnh đạo ở FBI rơi vào thế khó khăn. Vị tân giám đốc cố gắng không đi vào vết xe đổ của người tiền nhiệm, tránh rơi vào vòng xoáy chính trị và phải luôn giữ sự trung lập. Nhưng tổng thống và các đồng minh của ông ở quốc hội khiến nhiệm vụ này trở nên khó khăn hơn.
Trong một cuộc điều trần ở quốc hội hồi tháng trước, Hạ nghị sĩ Louie Gohmert (bang Texas, đảng Cộng hoà) chất vấn ông Wray về quan điểm chính trị của một số đặc vụ cấp cao FBI. Các quan chức FBI khi đó vô cùng kinh ngạc khi ông Gohmert nêu ra một nhóm đặc vụ ngẫu nhiên, mà nhiều người thậm chí chẳng liên quan đến cuộc điều tra bê bối email của bà Hillary Clinton hay cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ.
Khi ông Wray nhận lời đề nghị để trở thành giám đốc FBI, ông biết rõ đây không phải công việc dễ dàng. Một mặt, ông phải tỏ ra khéo léo đối chất với tổng thống mà không gây ra sự đối đầu rõ rệt với vị tổng tư lệnh. Mặt khác, ông phải kín tiếng để chắc chắn các phát ngôn, dù nội bộ hay công khai, sẽ không khiến Nhà Trắng tức giận.
Tổng thống Trump chỉ trích FBI kịch liệt hồi đầu tháng 12. |
Vào đầu tháng 12, sau khi tin tức bị lộ ra rằng một đặc vụ FBI cấp cao và một luật sư phản gián đã có lời lẽ chống đối ông Trump (hai người này đều tham gia vào cuộc điều tra bà Clinton hay sự can thiệp của Nga), Tổng thống Trump ngay lập tức lên Twitter chỉ trích rằng “danh tiếng của FBI đã rách nát”.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders giải thích lời của ông Trump rằng “tổng thống muốn nói đến những lãnh đạo thể hiện quan điểm chính trị ở FBI, đặc biệt là những người trong nhóm điều tra bà Clinton”.
Raj Shah, Phó thư ký báo chí Nhà Trắng, giải thích rõ hơn trong thông báo: “Tổng thống dành sự kính trọng to lớn với các đặc vụ FBI. Tuy nhiên, ông tin rằng những lãnh đạo cấp cao dính líu vào chính trị, bao gồm cựu giám đốc Comey và những thân tín được ông ta cất nhắc, đã làm hoen ố thanh danh của cơ quan này là theo đuổi công lý một cách không thiên vị”.
Thế khó khăn của giám đốc FBI
Các quan chức cho biết ông Wray không thể thay đổi đội ngũ quản lý hiện tại chỉ vì lý do là tổng thống không hài lòng. Bởi vì động thái này có thể được suy diễn là mang động cơ chính trị, từ đó ảnh hưởng đến vị thế của giám đốc FBI.
Phó giám đốc FBI hiện tại, ông McCabe, bị Trump ghét do là người được cựu giám đốc FBI cất nhắc. Ảnh: AP. |
Nhiều quan chức cấp cao tại FBI vốn được bổ nhiệm dưới thời ông Comey, bao gồm Andrew G. McCabe là phó giám đốc. Ông Wray sẽ sớm phải quyết định số phận của McCabe do ông này đã bị chính Tổng thống Trump nhắm tới, một phần do những hoạt động chính trị của vợ ông ta.
Năm 2015, vợ của McCabe là bà Jill McCabe ra ứng cử chức thượng nghị sĩ bang Virginia và nhận gần 500.000 USD quyên góp từ tổ chức chính trị của Thống đốc Terry McAuliffe, một người bạn lâu năm của gia đình Clinton.
Hiện ông McCabe được xem như “bao cát” của Tổng thống Trump và các nghị sĩ Cộng hoà cố gắng biến ông thành điển hình của sự thiên vị chính trị trong FBI. Trong một số cuộc trao đổi riêng tư, Tổng thống Trump tỏ ra tức tối vì ông Wray không nhanh chóng loại bỏ McCabe và những người được cho là trung thành với cựu giám đốc Comey.
Ngay cả một số đặc vụ cho rằng McCabe bị đối xử bất công, họ đồng tình rằng nếu Wray muốn thành công trong nhiệm kỳ của ông thì ông phải chọn một phó tướng mới.
Đến nay, ông Wray cố gắng tránh xa những rủi ro đối đầu công khai với tổng thống, nên việc phản biện và biện hộ vai trò của FBI bây giờ lại do những cựu quan chức của cục này lên tiếng. Hồi tháng 12, khi điều trần ở Uỷ ban Tư pháp Hạ viện, ông Wray cố gắng phản biện một số bình luận của tổng thống nhưng với giọng điệu ôn hoà.
Tuy nhiên, nếu ông Trump tiếp tục chỉ trích và xem nhẹ vai trò của FBI, một ngày nào đó ông Wray sẽ buộc phải thay đổi cách tiếp cận và phải thể hiện quan điểm mạnh mẽ hơn. “Ông ấy đang làm rất tốt công việc trong một bối cảnh vô cùng khó khăn và khác thường. Các đặc vụ cần biết và phải hiểu rằng ông Wray vẫn luôn tính toán đến lợi ích của họ”, James F. Yacone, cựu lãnh đạo FBI đã nghỉ hưu năm 2015, nói.