Theo People, Gemma Arterton cảm thấy chán ghét mỗi lần có ai đó nhắc đến vai của cô trong Quantum of Solace (2008). Minh tinh thừa nhận cô nhận đóng phim này để có tiền trả khoản nợ thời sinh viên.
Mở lòng về câu chuyện diễn xuất ở bộ phim, cô thừa nhận: "Khi bắt đầu sự nghiệp, tôi nghèo như một con chuột nhà thờ và hạnh phúc khi có thể làm việc kiếm sống".
Gemma Arterton cảm thấy hối hận vì tham gia loạt phim 007. Ảnh: Daily Mail. |
Năm 2008, khi vừa tốt nghiệp Học viện nghệ thuật Hoàng Gia Anh, Gemma Arterton đánh bại 1.500 diễn viên nữ khác để trở thành Bond girl trong bộ phim thứ 22 về điệp viên huyền thoại. Với gương mặt vừa chân ướt chân ráo gia nhập showbiz như Arterton, đây là bệ phóng hoàn hảo cho sự nghiệp.
Tuy nhiên, Arterton nhận ra cơ hội này là một sự sai lầm. Cô cảm thấy "quá sai" với các nhân vật nữ của dòng phim 007 - khi mà định kiến phân biệt giới tính tồn tại như một quy luật khó bỏ qua từng bộ phim.
"Lớn lên, tôi nhận ra có quá nhiều điều sai trái với các phụ nữ của James", Arterton khẳng định.
Tại các buổi phỏng vấn gần đây, Arterton cũng lặp đi lặp lại câu nói: "Tôi hối hận khi đóng Quantum of Solace. Ước gì tôi đủ mạnh mẽ để nói không thời điểm đó".
Hồi tháng 9, cô trả lời phỏng vấn tờ Telegraph: "Nhân vật của tôi - Strawberry Fields, thật sự lu mờ, không đóng góp gì cho màn ảnh rộng. Cô ấy duyên dáng đấy, nhưng nhạt nhòa và không mang câu chuyện riêng biệt".
Minh tinh cũng tự viết lại truyện ngắn với lựa chọn và kết thúc khác cho nhân vật Strawberry Fields. Thay vì cái chết tức tưởi, Bond girl kiểu mới lại lạnh lùng từ chối chàng điệp viên trăng hoa, mọi thứ chỉ dừng lại ở công việc.
Nhan sắc xinh đẹp của minh tinh nước Anh. Ảnh: Standard. |
Gemma Arterton sịnh năm 1986 ở Anh, nổi tiếng với các phim Quantum of Solace, Clash of the Titans, Prince of Persia: The Sands of Time, Hansel and Gretel: Witch Hunters...
Ngoài diễn xuất, cô còn đấu tranh cho nữ quyền. Bông hồng nước Anh chia sẻ cô muốn gói gọn hành trình nữ quyền của bản thân từ đóng vai Bond girl đến trở thành người đấu tranh vì bình đẳng. Arterton nói: “Chúng ta đều đang đấu tranh cho một điều hiển nhiên là sự bình đẳng, đáng ra không nên như vậy”.