Nhà nghiên cứu tại London cho biết các vấn đề về nguồn cung sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng và khiến giá cả tăng. Điều này có thể khiến GDP toàn cầu giảm 1% vào năm 2023, theo Bloomberg.
Châu Âu được dự đoán là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi mối liên kết kinh tế chặt chẽ của họ với Nga và Ukraine.
Cuộc xung đột này cũng sẽ buộc các chính phủ châu Âu phải vay nhiều hơn để chi trả cho dòng người di cư và củng cố quân đội của họ, NIESR nói thêm.
“Xung đột ở Ukraine gây thêm căng thẳng kinh tế cho một hệ thống đã phải căng mình chống chọi với Covid-19”, Jagjit Chadha, Giám đốc NIESR, cho biết.
GDP toàn cầu có thể giảm 1.000 tỷ USD vì xung đột Ukraine. Ảnh: AP. |
"Các chuỗi cung ứng sẽ tiếp tục bị phá vỡ, đồng thời các chính sách tài khóa và tiền tệ đang bị kiểm tra gắt gao”, ông cho biết thêm.
Nga sẽ tránh được suy thoái vì ảnh hưởng kinh tế từ các lệnh trừng phạt sẽ “một phần được bù đắp bởi giá xuất khẩu khí đốt và dầu cao hơn”. Tuy nhiên, GDP của nước này sẽ thấp hơn 2,6% so với dự báo trước đó tính đến cuối năm 2023, với sự sụt giảm của đồng rúp có thể đẩy lạm phát lên tới 20%.
Theo nhà nghiên cứu, GDP của khu vực đồng euro và Vương quốc Anh được dự đoán sẽ tăng trưởng thấp hơn dự đoán 1,5%. NIESR cảnh báo khi tốc độ tăng trưởng chậm lại, cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt sẽ ngày càng leo thang.
Nếu các biện pháp trừng phạt tiếp tục leo thang và khiến dòng vận chuyển dầu khí của Nga bị đứt gãy, tác động đối với Moscow sẽ rất "nghiêm trọng". Tuy nhiên, điều đó cũng làm tăng khả năng dẫn đến suy thoái và khiến lạm phát ở EU tăng mạnh. Hiện EU nhập khẩu 40% khí đốt từ Nga.