Sáng 29/9, Tổng cục Thống kê tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm. Theo đó, GDP 9 tháng ước tăng 6,41%, tính riêng quý I, GDP cả nước tăng 5,15%, quý II tăng 6,28% và ước tính quý III tăng 7,46%.
Đóng góp quan trọng của sản xuất công nghiệp
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết mức tăng GDP này cao nhất kể từ năm 2011.
Động lực chính của tăng trưởng GDP quý III, theo ông Lâm, là ngành thủy sản, và công nghiệp chế biến, chế tạo, và ngành thép.
Cụ thể, ngành thủy sản đạt mức tăng cao nhất, với 5,42% so với cùng kỳ năm 2016, đóng góp 0,17 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Việc chuyển đổi sản xuất nông nghiệp từ trồng lúa sang thủy sản giúp cải thiện mức đóng góp của nông nghiệp. Giá trị một ha trồng lúa 2 vụ chuyển sang nuôi trồng thủy sản cao gấp 5 lần.
Mức tăng trưởng một số khu vực kinh tế 9 tháng đầu năm. Đồ họa: Hiếu Công. |
Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP quý III có sự đóng góp quan trọng của chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp, ước tính tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng cao ở mức 19,5%.
Công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp thép là điểm sáng của ngành. Trong các ngành công nghiệp, ngành chế biến, chế tạo tăng 12,8%, đây là mức tăng cao nhất của ngành này trong nhiều năm qua.
Sản xuất điện thoại, linh kiện điện tử tăng 45,5%
Mức tăng trưởng 25,1% của ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học chủ yếu ở sản xuất điện thoại di động thông minh giá trị cao và linh kiện điện tử xuất khẩu toàn cầu. Riêng phần sản xuất điện thoại và linh kiện điện tử tăng 45,5% trong quý III, cao hơn hẳn mức tăng 5,9% của quý I và 23,5% của quý II.
Ông Lâm lý giải tăng trưởng trong lĩnh vực này chủ yếu do Tập đoàn Samsung đầu tư mở rộng sản xuất các mặt hàng điện tử có giá trị cao. Doanh thu dự kiến ngành điện tử cả năm 2017 đạt 1.188,5 nghìn tỷ đồng, tăng 17,7% so với năm 2016.
Quý I và quý II, do ảnh hưởng của sự cố Samsung Note 7, tăng trưởng GDP bị tác động không nhỏ. Đến quý III, cùng với Samsung Note 8 và việc mở rộng sản xuất, ngành này có sự tăng trưởng ấn tượng.
Theo Vụ Thống kê thương mại, Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng đầu năm, lượng nhập khẩu máy móc thiết bị của Samsung tăng 100% so với 2016. Ngoài ra, lượng linh kiện tăng hơn 40%.
Việc này cũng tác động trực tiếp đến việc Hàn Quốc vượt qua Trung Quốc, trở thành nước mà Việt Nam nhập siêu lớn nhất. Tổng nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường Hàn Quốc là hơn 23 tỷ USD, trong đó hơn 91% là nhập khẩu máy móc, linh kiện điện tử.
Một điểm sáng khác được ông Lâm nêu ra là ngành sản xuất kim loại, với tăng trưởng 21,4% và đặc biệt là công nghiệp thép.