Trong 2 ngày (2 - 3/12), khi tiếp xúc cử tri ở Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Thanh - Trưởng ban Nội chính TƯ - nhận được phản ánh nhiều nhất là vấn đề thủy điện. Theo người dân vùng hạ du huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), từ khi các nhà máy thủy điện ra đời trên vùng thượng nguồn Quảng Nam, cứ đến mùa nắng là vùng hạ du khô cằn nứt nẻ.
Nhưng vào mùa mưa thì các nhà máy thủy điện xả lũ, nhấn chìm nhà cửa, ruộng vườn khiến hàng trăm người vĩnh viễn nằm lại vùng nước lạnh. Thế nhưng, đến nay “ông” thủy điện vẫn vô can và đổ lỗi cho thiên tai.
Ông Nguyễn Bá Thanh tiếp xúc cử tri TP.Đà Nẵng. |
Cử tri Nguyễn Thanh (huyện Hòa Vang) bức xúc: “Quốc hội có nghị quyết rất quan trọng là dừng 400 dự án thủy điện là tốt rồi, nhưng tôi đề nghị cần phải rà soát lại cả những dự án đã và đang sử dụng. Người dân miền Trung đau khổ nhất vì rất nhiều thủy điện trên địa bàn. Người dân vùng ngập lũ đã phải chịu thiệt để phát triển thủy điện, tích điện thì họ phải được đền bù xứng đáng”.
Ông Nguyễn Bá Thanh trả lời: "Cái này tôi cũng đã nói với lãnh đạo quận Hải Châu, Sơn Trà hôm qua rồi. Mấy anh cũng nên nghiên cứu rồi cùng với dân "lôi" mấy "ông thủy điện" ra tòa. Về nguyên tắc, thủy điện gây thiệt hại là phải đền bù, không nói vòng vo tam quốc gì hết. Anh ấy tham lam tích cho đầy nước để phát điện nhiều, khi mưa đầy đập thì xả ào ào vì sợ vỡ đập. Ở nước khác như thế này là người ta kiện ra tòa rồi. Ở nước ta, cấp phép xây dựng thủy điện tràn lan nhưng chế tài để quản lý, xử lý thì chưa nghiêm. Khổ thế đấy!”
Nhiều cử tri cũng đặt câu hỏi với ông Thanh về dự án sân golf Hòa Phong - Hòa Phú nghe nói đã lâu nhưng vì sao nay vẫn chưa thấy triển khai. "Vậy nó có triển khai không để dân còn biết chứ thấy quy hoạch treo rồi để đó khiến người dân không dám xây mới, cải tạo nhà cửa để an cư lạc nghiệp. Thậm chí, khi chúng tôi muốn xây cái chuồng gà, chuồng lợn cũng sợ bị phạt”, ông Đỗ Gia (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) hỏi.
Người dân miền Trung chịu nhiều thiệt hại do thủy điện gây ra. |
Nhận được câu hỏi này của cư tri, ông Thanh kể một câu chuyện: "Trước đây, Bà Nà chỉ là một ngọn núi hoang vu, cả năm chỉ lèo tèo vài chục người đến. Nhưng họ đến rồi phải leo bộ đến mấy nghìn mét mới lên đến nơi nên cũng chán. Thế là lãnh đạo TP quyết định mời nhà đầu tư làm cáp treo giai đoạn 1. Khách nườm nượp kéo đến, TP có khoản thu, dân có việc làm. Rồi tiếp tục đầu tư giai đoạn 2. Bây giờ mỗi năm có hơn 1 triệu khách đến Bà Nà. Tiền cả đấy chứ đâu phải chuyện chơi".
Theo ông Thanh, khách đến Bà Nà ngày càng khó tính: “Họ đến Bà Nà vì nó đẹp, nó hoang vu nhưng lên mãi rồi cũng ngán. Nên mình phải tính để du khách không bao giờ ngán. Chỉ có cách là xây sân golf. Họ đi dạo rồi đến sân golf để chơi. Thế mình mới có tiền”.
Tiếp đó ông đưa ra dẫn chứng về sân golf Phoenix Golf Resort ở Lương Sơn (Hòa Bình): "Vùng Lương Sơn này ngày xưa cũng hoang vu như Hòa Phong - Hòa Phú của mình vậy. Người dân chỉ trồng lèo tèo vài ba cây ăn trái với tổng doanh thu mà địa phương thu được chưa đến 50 tỷ/năm. Nhưng từ khi có sân golf, doanh thu của địa phương này lên đến gần 60 tỷ/năm và giải quyết gần 70% lạo động cho người dân địa phương”.
Ông Thanh nói với lãnh đạo UBND huyện Hòa Vang: “Các đồng chí không nên bỏ quy hoạch dự án sân golf Hòa Phong - Hòa Phú vì kinh nghiệm từ Bà Nà cho thấy hiệu quả của dự án. Lúc này còn khó khăn, chưa xây được thì quy hoạch lại, để đất đó năm bảy năm sau sẽ xây”.
Tuy nhiên, Trưởng ban Nội chính TW cũng yêu cầu lãnh đạo huyện nên chú ý đến đời sống người dân vùng dự án: “Nếu nhà dân nằm trong vùng dự án thì cũng nên linh động cho họ xây dựng chuồng heo, chuồng gà để làm ăn. Nhà xuống cấp thì cũng nên tạo điều kiện cho dân sửa chữa chứ không nên cứng nhắc quá”.