Dự án Ba kể con nghe ra đời với sứ mệnh kêu gọi cộng đồng cùng chung tay ủng hộ sách miễn phí, hướng dẫn trẻ em học được cách tôn trọng và bảo vệ cơ thể mình trước vấn nạn xâm hại tình dục.
Dự án mong muốn đóng góp vào việc bảo vệ trẻ em không bị xâm hại tình dục - một vấn đề đang nóng và gây lo ngại tại Việt Nam. Các hoạt động khác của dự án bao gồm: vận động nâng cao nhận thức bảo vệ trẻ em của cộng đồng, hướng tới thay đổi chính sách pháp luật liên quan tới bảo vệ trẻ em.
Xâm hại trẻ em đang có nguy cơ trở thành một đại dịch bùng phát khó lường. Dự án Ba kể con nghe hy vọng sẽ trở thành một người dẫn đường đúng đắn giúp các bậc phụ huynh có cái nhìn rõ ràng hơn về vấn đề nhạy cảm này, đồng thời hướng đến trẻ em, những đối tượng luôn nằm trong nguy cơ cao bị xâm hại.
Cuốn sách Tôn trọng cơ thể mình nằm trong bộ sách Tưởng là chuyện nhỏ phù hợp cho trẻ từ 3-9 tuổi. Các cuốn sách bao gồm những kỹ năng sống cơ bản cho trẻ nhỏ, giúp trẻ hiểu và giải quyết được nhiều vấn đề về tâm lý, chăm sóc sức khỏe cũng như bảo vệ bản thân. Cách thức thể hiện của sách rất đơn giản, mộc mạc, gần gũi, dễ hiểu với nội dung cụ thể, sâu sắc.
Cuốn sách Tôn trọng cơ thể mình đang được gây quỹ để dành tặng tới 5 triệu trẻ em trên khắp lãnh thổ Việt Nam. |
Bà Hoàng Thị Phượng người đại diện đơn vị khởi đầu chiến dịch chia sẻ đầy về cuốn sách: “Tôn trọng cơ thể mình sẽ xuất bản dưới hình thức phi lợi nhuận, gây quỹ cộng đồng để có thể cung cấp sách miễn phí cho tất cả trẻ em ở Việt Nam với số lượng là 5 triệu cuốn. Trước mắt sẽ ưu tiên cho các trẻ em vùng cao. Chính vì vậy chúng tôi phát động chiến dịch này để mọi người chung tay giúp hoạt động thành công”.
Buổi tọa đàm với chủ đề Ba kể con nghe. |
Khách mời nhà báo Trương Anh Ngọc cũng có những quan điểm rất thẳng thắn trước vấn nạn xâm hại trẻ em, anh cho rằng, đã đến lúc các bậc phụ huynh nên lo sợ. Lo sợ là một liều thuốc cần thiết, nhưng không nên hoảng sợ. Ta nghe để biết có thể xử lý và hành động sáng suốt hơn. Trước mắt các bậc phụ huynh phải hiểu được bản chất vấn đề ở đâu, không phải tất cả những cử chỉ thân mật là xấu.
Những hành vi xâm hại đến từ những hành động rất đơn giản và được suy nghĩ vô tình. Về lâu về dài sẽ đưa trẻ thành một thói quen xấu. Xâm hại tình dục hầu hết bắt nguồn từ những thói quen vô tình người thân tạo nên, tạo cho trẻ một sự tin tưởng. Vì thế phải đặt vấn đề ngược lại, các ông bố bà mẹ nên xem xét lại hành động của mình trước.
Anh cũng chia sẻ thêm về kinh nghiệm của mình: “Tạo mối liên kết với trẻ, bằng với đối thoại với trẻ. Thông qua việc đối thoại hằng ngày, hằng giờ, đứa trẻ sẽ kể cho chúng ta những điều chúng nghĩ, điều chúng lo lắng. Nếu chúng ta không làm nữa đứa trẻ tin tưởng thì sao chúng ta có thể bảo vệ được chúng khỏi những vấn nạn nguy hiểm.Hãy tạo cho con cái thói quen tự bảo vệ mình, nói rộng chúng sẽ biết bảo vệ bản thân trong xã hội.”