Những ngày qua, Ấn Độ chìm trong các cuộc biểu tình bạo lực khi hàng trăm nghìn người xuống đường phản đối luật quốc tịch mới, cũng như thể hiện giận dữ trước sự bất lực của chính phủ trong việc ngăn chặn những vụ hiếp dâm và sát hại nạn nhân dã man, mới đây nhất là tại thành phố Hyderabad.
Để đối phó với các cuộc biểu tình bạo lực, cảnh sát Ấn Độ đã sử dụng tới gậy "lathi", những cây gậy dài một thời được chính quyền thực dân Anh sử dụng để tấn công, ngăn chặn và đàn áp các phong trào chống đối trong quá khứ tại quốc gia này, với hậu quả gây ra đôi khi là chết người.
Gậy lathi được tận dụng triệt để
Theo luật quốc tịch mới được Quốc hội Ấn Độ thông qua, công dân ba nước Afghanistan, Bangladesh và Pakistan theo Ấn Độ giáo, đạo Sikh, đạo Phật, đạo Thiên Chúa hay Hỏa Giáo có thể được nhập quốc tịch Ấn Độ nếu sống tại Ấn Độ từ 6 năm trở lên.
Đạo luật trên bị các đảng đối lập, các tổ chức xã hội dân sự và cộng đồng người Hồi giáo phản đối dữ dội vì cho rằng đi ngược lại các nguyên tắc thế tục được ghi nhận trong hiến pháp, đồng thời tạo ra sự bất bình đẳng, phân biệt đối xử với người Hồi giáo. Đạo luật bị chỉ trích là một nỗ lực mới của chính quyền Thủ tướng Modi nhằm gạt cộng đồng người Hồi giáo sang bên lề xã hội.
Cảnh sát Ấn Độ dùng gậy lathi để trấn áp người biểu tình. Ảnh: AFP. |
Sự phẫn nộ dành cho đạo luật quốc tịch nhanh chóng biến thành bạo lực. Các cuộc biểu tình diễn ra gay gắt ở một số bang phía Đông như Assam, Tripura và Tây Bengal, nơi nỗi oán giận của người dân địa phương với những người nhập cư Bangladesh đã kéo dài nhiều thập kỷ qua. Các nhà chức trách đã cắt mạng internet ở nhiều khu vực của các bang bị ảnh hưởng nhằm duy trì trật tự và luật pháp.
Để đối phó với các cuộc biểu tình dâng cao, nhà chức trách Ấn Độ đã triển khai hàng nghìn cảnh sát chống bạo động được trang bị vũ khí sát thương, trong đó hình ảnh gậy lathi hiện lên nổi bật.
Trong 2 tuần vừa qua, ít nhất 27 người đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình, chủ yếu là do bị đạn bắn. Tuy nhiên, theo ghi nhận, hàng trăm người đã bị thương sau khi nhận đòn tấn công từ cảnh sát được trang bị các loại gậy kim loại và gậy tre.
Hình ảnh từ hiện trường các vụ đụng độ cho thấy cảnh sát dùng gậy lathis đối phó với người biểu tình, trong một số trường hợp tấn công bừa bãi vào những người có mặt tại hiện trường, nạn nhân thậm chí có cả trẻ nhỏ.
Những người từng có kinh nghiệm "ăn đòn" từ gậy lathi cho biết những chiếc gậy có thể dài tới hơn 1 m, làm từ tre, nhựa tổng hợp cứng, hay thậm chí kim loại. Những vết thương do gậy lathi gây ra có thể sưng và đau buốt trong nhiều ngày. Một số trường hợp bị gãy xương, bại liệt hay thậm chí mất mạng vì vết thương của gậy lathi.
Sự phẫn nộ từ người dân
"Từ việc ổn định trật tự và quản lý đám đông, gậy lathi đã bị biến thành một loại vũ khí chết người", V. Suresh, tổng thư ký Liên minh nhân dân vì tự do dân sự (PUCL), một tổ chức nhân quyền phi lợi nhuận, chỉ trích.
Ông Suresh cho rằng cảnh sát Ấn Độ lạm dụng gậy lathi rộng rãi và thường xuyên tới mức người dân đã phải chấp nhận sống chung với loại vũ khí này. "Nhìn bề ngoài thì nó có vẻ chỉ là một cây gậy bình thường, nhưng Lathi là một loại vũ khí tàn bạo. Không gì có thể hợp pháp hóa cho việc sử dụng nó một cách tàn bạo như vậy", ông Suresh nói.
Nhiều người cho rằng gậy lathi xuất phát từ một vũ khí sử dụng trong võ thuật ở vùng Nam Á. Gậy lathi từng được sử dụng rộng rãi bởi các lãnh chúa nhằm chống lại sự nổi dậy của dân nghèo, xuất hiện như biểu tượng của quyền lực không thể thách thức.
"Lathi không phải là một cây gậy thông thường. Gỗ sẽ trải qua một quy trình xử lý đặc biệt để trở thành một thứ vũ khí chết chóc. Người ta cũng thường bọc thép hoặc kim loại vào hai đầu của nó. Lathi có thể đâm thủng da thịt và giết người", ông Suresh nói.
Cảnh sát Ấn Độ được trang bị gậy lathi. Ảnh: AFP. |
Tại Ấn Độ, gậy lathi bắt đầu reo rắc sự sợ hãi khi chính quyền thực dân Anh sử dụng nó một cách không khoan nhượng nhằm trấn áp các cuộc tuần hành bất tuân dân sự cũng như các phong trào đòi hỏi độc lập phi bạo động vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.
Chính quyền Anh khi đó còn có một số bài hướng dẫn sử dụng gậy lathi, với một số đòn như "jabbing" tức đánh vào bụng, hay "cutting" là một cú đánh vào cổ và đầu của đối phương.
"Gậy lathi là di sản của chế độ thực dân Anh. Có những bằng chứng lịch sử hiển nhiên cho thấy chiến binh tự do Lala Lajpat Rai (một anh hùng trong phong trào giải phóng dân tộc của Ấn Độ) đã hy sinh vì cú đánh bằng gậy lathi vào đầu trong một cuộc biểu tình chống thực dân", Syed Ali Kazim, phó giáo sư từ Đại học Hồi giáo Aligarh, cho biết.
Người Anh trao trả độc lập cho Ấn Độ từ năm 1947, nhưng gậy lathi, một thời là biểu tượng của sự trấn áp, vẫn ở lại và được người Ấn Độ tiếp tục sử dụng, thậm chí không chỉ trong lực lượng an ninh chính quy.
Rashtriya Swayamsevak Sangh (RSS) là một tổ chức bán quân sự của Ấn Độ, được coi là tổ chức mẹ đã khai sinh ra đảng Bharatiya Janata đang cầm quyền. RSS thường xuyên sử dụng gậy lathi trong các cuộc diễn tập vào sáng sớm. Tuần trước, khi các cuộc biểu tình chống nạn cưỡng bức dâng cao ở Hyderabad, một hàng dài các thành viên của RSS tuần hành dọc các con đường ở thành phố này, trong tay cầm những chiếc gậy lathi dài.