Thị trường chứng khoán phiên giao dịch cuối tháng 5 diễn biến khá phân hóa ở các nhóm ngành quan trọng. Các chỉ số chứng khoán có sự biến thiên rộng xoay quanh mốc tham chiếu và kết thúc đối lập nhau.
Đóng cửa phiên giao dịch 31/5, VN-Index giảm nhẹ 1,24 điểm (-0,1%) về 1.292,68 điểm và gãy chuỗi tăng trong 5 phiên trước đó. Trong khi HNX-Index kết phiên tăng 2,99 điểm (0,96%) đạt 315,76 điểm.
Diễn biến VN-Index trong phiên cuối tháng 5. Đồ thị: TradingView. |
Sự phân hóa diễn ra khá rõ nét khi cổ phiếu dầu khí, phân bón dẫn dắt xu hướng đi lên thì cổ phiếu ngân hàng, thép lại dẫn đầu nhóm gây áp lực. Rổ VN30 với sự xuất hiện nhiều của khối ngân hàng ghi nhận mức giảm 10,28 điểm (-0,77%) với 20/30 mã giảm giá.
Tuy nhiên, điều nổi bật nhất trong nhóm VN30 lại đến từ cổ phiếu dầu khí GAS của PV Gas khi tăng trần lên 117.700 đồng, trở thành mã có đóng góp lớn nhất cho thị trường chung. Ngoài ra còn phải kể đến sự góp sức từ mã PLX của Petrolimex khi tăng giá 1,4% lên 44.000 đồng.
Dòng tiền chạy rất mạnh vào nhóm cổ phiếu dầu khí giúp hàng loạt mã có mức tăng ấn tượng, chỉ tính riêng thanh khoản PVS đã đạt hơn 500 tỷ đồng (chiếm đến 1/4 giá trị giao dịch tại sàn HNX). Về thị giá thì mã PXI tăng trần 13,2%, BSR tăng 6,8% lên 26.700 đồng, PVS bứt phá 5,9% đạt 30.700 đồng, PVC có thêm 4,5% lên 25.300 đồng....
Một nhóm khác cũng tham gia kéo chỉ số đáng kể đến từ phân bón, hóa chất. Trong đó DCM của Đạm Cà Mau tăng trần lên 37.250 đồng, DPM của Đạm Phú Mỹ có thêm 5,5% đạt 59.600 đồng, DGC của Hóa chất Đức Giang tiến 4% lên 223.600 đồng.
Cổ phiếu GAS gồng gánh cho chỉ số duy trì ở mức ổn định. Nguồn: Vietstock Finance. |
Trong khi đó cổ phiếu ngân hàng phần lớn chìm trong sắc đỏ sau thông tin Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng đã thanh tra đột xuất hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng tại 8 ngân hàng thương mại cổ phần.
Một số mã ngân hàng giảm sâu có thể kể đến như TPB của TPBank mất 2% còn 32.350 đồng, TCB của Techcombank giảm 1,6% xuống 37.150 đồng, VPB của VPBank giảm 1,9% về 31.000 đồng, SHB giảm 2,3% còn 14.800 đồng, SSB của SeaBank giảm 1,5% về 33.800 đồng...
Ngoài ra còn có sự đi xuống của một số cổ phiếu trụ đáng kể như HPG của Hòa Phát mất thêm 2,1% còn 34.700 đồng, FPT giảm 1,3% về 109.900 đồng, PNJ rơi 4,6% xuống 114.900 đồng, VJC của Vietjet giảm 1,2% còn 130.900 đồng.
Độ rộng rộng thị trường nhìn chung vẫn nghiêng về bên bán khi toàn sàn có đến 556 mã giảm giá, 374 mã tăng giá và 174 mã đứng tại tham chiếu.
Thanh khoản thị trường cải thiện với giá trị khớp lệnh tăng 14% so với phiên hôm qua đạt 17.328 tỷ đồng, trong đó giá trị khớp lệnh sàn HoSE tăng 12% lên mức 14.287 tỷ đồng.
Nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang giao dịch sôi động khi họ mua vào lượng cổ phiếu trị giá 2.017 tỷ và bán ra 1.633 tỷ, tương đương mua ròng khoảng 384 tỷ đồng trên HoSE. Lực mua vẫn tập trung vào chứng chỉ quỹ FUEVFVND với giá trị ròng 215 tỷ đồng.