Trong bộ phim kinh điển Hội cố thi nhân (Dead Poet Society) có một hình ảnh mang tính biểu tượng đặc biệt: thầy giáo Keating (do nam diễn viên kì cựu Robin Williams thủ vai) dạy ngữ văn, đã cổ vũ các em học sinh xé hết bài giảng của sách giáo khoa.
Giữa ngôi trường Welton xuất chúng vốn nổi tiếng với tính kỉ luật, tôn nghiêm và truyền thống; thầy Keating đã phá vỡ những ước lệ cằn cỗi, từ chối việc dạy học sinh “đo lường và đánh giá thơ ca như thể lắp ống nước”; mà cho học sinh được tự do sống trong những cảm xúc đẹp đẽ của tâm hồn, dùng sức mạnh của văn chương để dẫn dắt các em tới những triết lí sống cao cả.
Đọc Đám cưới không có giấy giá thú, thật dễ dàng để liên tưởng thầy giáo Tự với hình ảnh thầy Keating: hai con người đều mang theo những mâu thuẫn khắc nghiệt với môi trường mà họ giảng dạy, và trên cái nền đó bức chân dung tâm hồn họ được tỏa sáng.
Tuy rằng tác phẩm này đi xa hơn một câu chuyện về việc dạy học – nhà văn Ma Văn Kháng chỉ lấy ngành giáo dục làm bức phông nền cho xã hội méo mó hiện thời, hình tượng “người thay đổi kiến trúc tâm hồn” vẫn khiến bất kì người đọc nào cảm động.
Giữa lúc giáo dục đang như cái ung nhọt đầy trái khoáy – với những giáo viên kém trình độ như Hiệu trưởng Cẩm, kém nhân cách như cô giáo Thảnh, thì thầy giáo Tự vẫn giữ nguyên cho mình một sự mực thước đáng nể. Như lời mà nhà văn Ma Văn Kháng dùng để mô tả, Tự “mô phạm mà vẫn không mờ nhạt lòng nhiệt thành, tinh thần triệt để", “mực thước mà vẫn sâu sắc, đôn hậu mà vẫn uyển chuyển, đa cảm mà vẫn rắn rỏi, không dễ uốn mình, cảm thông với mỗi sa sảy, yếu đuối của học trò”.
Đám cưới không có giấy giá thú - cuốn tiểu thuyết tâm đắc của nhà văn Ma Văn Kháng. |
Người ta cảm trước cái đẹp của người giáo viên Tự, trước hết là bởi Tự có một sự kính trọng thuần khiết dành cho kiến thức, cho nghề dạy chữ. Tự yêu nghề, bởi chỉ khi bước chân lên bục giảng ấy, đáp lại lời chào của học trò, anh mới thấy mình “không gặp phải sự phản bội”, “thấy mình thật đẹp đẽ, hùng mạnh, cao quý”.
Tự tập viết hàng chữ cho thẳng, học thuộc một câu thơ để viện dẫn, sưu tầm một danh ngôn, tra cứu một điển cố, chữa một câu văn sai, sửa một lỗi chính tả, như thể anh đặt từng chút, từng chút tâm trí vào công việc dạy học này. Dường như Tự đã bén duyên với cái chữ, cái nghiệp này bắt đầu từ khi anh lọt lòng và mang cái chữ trong tên.
Và có lẽ, chính cái tình yêu con chữ được tự phát hồn nhiên ấy trước học trò lại chính là cách truyền đạt hiệu quả nhất. Thế nên, dù có là hai mươi năm sau, người học trò cũ của Tự vẫn còn biên thư cho thầy, thổn thức nỗi niềm mến trọng khi nhớ về những lời thơ thầy từng dạy. Tự là người đánh thức cái đẹp, cái xúc động, là người vẽ ra định hướng cho cuộc tìm kiếm bản thân trong mỗi người học trò ngày đó.
Vượt lên trên cả những con chữ, trên cả thơ ca, điều giá trị nhất mà Tự trao cho học sinh của mình chính là những giá trị đạo đức mà con người anh chính là một tấm gương trinh nguyên. Nếu như nhà trường là một thánh đường tôn nghiêm, thì Tự là một sứ thần tận tụy, gìn giữ sự trong ngọc trắng ngà của những linh hồn trẻ dại, để chúng không bao giờ sa vào mưu chước cám dỗ của ma quỷ và vấy bùn nơi trần thế.
Với Tự, dù có là con ông đồ tể vô học hay là con trai của Bí thư thị ủy, Tự vẫn sẽ thẳng tay trừng phạt những học sinh hỗn hào, ngỗ ngược. Dẫu rằng hành động trừng phạt ấy có khiến Tự phải chịu cảnh ép uổng, nhưng cũng chính nhờ nó mà Tự trở thành hình ảnh của lý tưởng, là siêu nhân trong mắt những đứa học trò.
Nếu như tới cuối bộ phim Hội cố thi nhân, những lý tưởng của thầy Keating cũng không thoát khỏi gọng kìm chuyên chế của nhà trường, buộc thầy phải nghỉ việc; thì thầy giáo Tự cũng phải chật vật đi tìm chỗ đứng cho mình trong cái xã hội dị dạng. Tự không chỉ rơi vào cái bi kịch “đời thừa”, mà còn bị hãm hại bởi những kẻ đê hèn, cổ hủ - những kẻ không thể nào dung hòa được với cái đẹp trong con người anh.
Thế nhưng, “đám cưới không có giá thú cũng vẫn thành”, tâm hồn anh vẫn sẽ tới được với lý tưởng của đời anh. Và trái ngọt nhất của cuộc hôn phối ấy, chắc chắn là những người học trò – giờ đã là bác sĩ, tiến sĩ, kỹ sư,… lịch lãm, thấm nhuần đạo lý của anh và nối dài nó.
Đám cưới không có giấy giá thú ra đời vào những năm sau Giải phóng, khi mà những sự biến chuyển của thời cuộc cũng kéo theo nhiều sự đảo lộn về giá trị sống. Cũng giống như nhiều tác phẩm khác của Ma Văn Kháng, Đám cưới không có giấy giá thú chứa đầy những chiêm nghiệm nhân sinh, những nỗi niềm đau đáu của nhà văn về nhân tình thế thái.
Nhưng nói về giáo dục, Ma Văn Kháng lần này đã đâm thẳng vào những khối u người ta thường né tránh, đến mức cuốn sách ở thời điểm ra mắt liên tục được đưa ra bàn luận, tranh cãi. Có lẽ, bản thân cũng từng là một giáo viên, ông hẳn cũng đã ấp ủ nhiều tâm sự giống như Tự. Xây dựng nên một hình tượng người thầy đẹp như Tự, Ma Văn Kháng cũng đã khiến người đọc phải thêm cảm phục ông, “người thay đổi kiến trúc tâm hồn” bằng con chữ.