Gặp người mỗi năm lãi ròng 9 con số từ chứng khoán
Bạn bè thường đùa vui gọi ông là thành viên “Hiệp hội sản xuất ôtô”, bởi trung bình mỗi năm ông tự “làm” được 1-2 chiếc ôtô.
Ông Đặng Đình Hiệp |
Tự nhận mình không phải là đại gia, cũng không có quá nhiều kinh nghiệm mà chỉ “vừa đủ xài”, ông Đặng Đình Hiệp (65 tuổi) đã chia sẻ về gần 20 năm “làm quen” với chứng khoán của mình.
- Con đường nào dẫn ông đến với chứng khoán?
- Năm 1993, khi đang làm việc ở Ngân hàng Trung ương (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – SBV hiện nay), tôi may mắn được cử đi học một khóa đào tạo 3 ngày của định chế tài chính hàng đầu thế giới của Hoa Kỳ là Merrill Lynch về thị trường chứng khoán (TTCK). Từ khóa học này, tôi bắt đầu tìm hiểu nhiều hơn về chứng khoán, tham dự nhiều hội thảo chứng khoán sau này.
Năm 1996, tôi đã bắt đầu mua cổ phiếu trên thị trường tự do. Với khoản tiền đầu tư gom góp ban đầu là 300 triệu đồng, tôi tìm mua cổ phiếu của các ngân hàng. Lúc đó mua cổ phiếu với giá chào bán đúng bằng mệnh giá là khá dễ dàng. Các năm tiếp sau, do các ngân hàng được phép tăng vốn điều lệ nhiều đợt liên tiếp, nên tôi được mua thêm khá nhiều cổ phần. Trước năm 2006, các ngân hàng chỉ trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu ở mức khá thấp (dưới 5%/năm), trong khi lãi suất tiết kiệm từ 10-12% /năm, lạm phát thì cao nên nếu tính ra thì lỗ.
Tuy nhiên, tôi vẫn nhớ những lời bài giảng đầu tiên của các chuyên gia Merrill Lynch: “Các nhà đầu tư dài hạn cần nắm bắt đúng thời cơ mua vào các cổ phiếu tốt với giá thấp hơn giá trị sổ sách, thấp hơn giá trị thực tế trên thị trường để tích lũy và chờ đợi! Một khi TTCK bùng nổ, giá các cổ phiếu mà nhà đầu tư đang nắm giữ sẽ lên giá tới mức mà bạn phải chớp thời cơ, bán ra để chốt lời! Lúc đó, tiền lãi thu về, không những bù đắp hết mức lỗ tạm thời trước đó, mà còn có lãi, thậm chí lãi đậm.”
Các khoản đầu tư cổ phiếu ngân hàng này phải gần 10 năm sau mới có lãi thực. Năm 2006, TTCK Việt Nam có sự tăng tốc đột ngột, giá cổ phiếu bùng nổ mạnh mẽ là lúc tôi quyết định bán hết số cổ phiếu này. Sau khi trừ chi phí, kể cả việc bù đắp hết số thiệt hại so với tiền lãi gửi tiết kiệm trong 10 năm trước, thì ít nhất tôi cũng thu được số lãi ròng lớn gấp 4 lần so với số vốn đầu tư ban đầu. Đúng như câu thành ngữ “Không có thầy, đố mày làm nên”, nếu tôi không có cơ hội tham dự lớp học về chứng khoán đầu tiên, thì tôi không thể thành công được như vậy.
Mặc dù Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP.Hồ Chí Minh khai trương từ tháng 7/2000, nhưng phải đến năm 2006 tôi mới bắt đầu mở tài khoản giao dịch chứng khoán đầu tiên tại CTCK Sài Gòn (SSI) và kể từ đó đến nay, tôi vẫn giao dịch tại SSI.
- Ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm hay trong quá trình đầu tư của mình?
- Vốn là một cán bộ tài chính, ngân hàng, nên hàng năm, tôi vẫn lập kế hoạch kinh doanh với mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận khoảng trên 10%, và phấn đấu hoàn thành về trước kế hoạch từ 2 đến 4 tháng. Bạn bè thường đùa vui tôi là thành viên “Hiệp hội sản xuất ôtô”, bởi trung bình mỗi năm tôi tự “làm” được 1-2 chiếc ôtô. Từ 2006 đến nay, đều đặn năm nào tôi có lãi 9 con số (sau khi trừ thuế và các chi phí sinh hoạt).
Để tính hiệu quả kinh doanh, khi kết thúc năm tài chính, với tổng lợi nhuận sau thuế, sau khi trả hết phí cho CTCK, nhà đầu tư cần phải trừ tiếp các khoản phải chi cho bản thân, cho những người liên quan trong gia đình đã giúp mình (coi như trả lương, thưởng), khấu hao máy móc, trang thiết bị làm việc hàng ngày, mua các văn phòng phẩm, chi phí di chuyển... Chỉ có như vậy, nhà đầu tư mới biết được khoản lãi ròng thực sự.
Hàng ngày, tôi ghi chép đầy đủ các diễn biến mua bán chứng khoán, cập nhật kết quả vào các bảng biểu tự lập trên laptop. Mọi nơi, mọi lúc, tôi đều biết được kết quả kinh doanh của ngày hôm trước, hoặc sau phiên giao dịch buổi sáng, để có thể ra quyết định tiếp theo. Cuối mỗi kỳ, mỗi đợt kinh doanh và cả năm, tôi đều tính toán kết quả kinh doanh tổng hợp.
- Theo ông, một nhà đầu tư chứng khoán thành công là như thế nào? Muốn chiến thắng trên TTCK, nhà đầu tư cần có những tố chất nào, cần trang bị những gì?
- Để thành công thì trước hết người đó phải có kiến thức cơ bản, phải được đào tạo đầy đủ, tham dự các khóa học về chuyên ngành đó. Các hội thảo, diễn đàn, buổi gặp mặt nhà đầu tư đối với tôi thực sự là những buổi học tập bổ ích nhưng mới chỉ là sự mở đầu, để sau đó phải tự nghiên cứu, trau dồi kiến thức.
Quan trọng nhất đối với một nhà đầu tư chuyên nghiệp là phải biết sử dụng mạng Internet. Môi trường Internet sẽ mang lại cho nhà đầu tư rất nhiều kiến thức, nhiều dữ liệu, thông tin bổ ích, hiệu quả. Tuy nhiên, nếu chỉ đọc, nghe, xem không thôi là chưa đủ, mà nhà đầu tư phải ghi chép, lập bảng, biểu theo dõi riêng, rồi in ra, để giúp cho việc ra quyết định sau này.
Tôi luôn nhớ một câu nói của một nhà khoa học Mỹ: “Thông minh do chăm chỉ mà có, thiên tài do tích lũy mà nên”. Nhà đầu tư cần biến kiến thức đã học được, đã tích lũy được thành kinh nghiệm thực tế. Theo tôi, đã là nhà đầu tư chuyên nghiệp, cần xác định được rằng, hàng ngày, lên sàn chứng khoán là một công việc kinh doanh nghiêm túc, có tri thức, làm đúng bài bản.
Nếu một ai đó, coi đầu tư chứng khoán chỉ là một trò chơi may rủi có thưởng, thì sẽ khó gặt hái được thành công... Đã là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp thì không nói là chơi, mà đây là kinh doanh.
Trước khi quyết định đầu tư cổ phiếu nào đó, bạn phải lập trước bảng tính hiệu quả kinh tế: cân đối nguồn vốn (nếu thiếu thì đi vay, tính mức lãi, phí vay Ngân hàng), dự tính mức giá có thể mua vào, lãi kỳ vọng, thời hạn hoàn vốn, mức “chịu đựng” khi giá giảm… Trong kinh doanh, nhà đầu tư cần lưu ý đặc biệt đến các cảnh báo, xác định đúng điểm hòa vốn, điểm cần chốt lời. Chỉ cần kiếm lợi nhuận “vừa đủ xài”, không nên quá ham kiếm lời, mà bỏ qua những điều trên để rồi bị lỗ.
Để thành công vững chắc trên TTCK, nhà đầu tư chuyên nghiệp phải thường xuyên phải sưu tập, đọc và phân tích báo cáo tài chính, cập nhật các tin tức mới nhất của doanh nghiệp. Để chọn được cổ phiếu tốt, phải lập bảng so sánh các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật rồi mới đưa ra quyết định đầu tư. Cũng như kinh nghiệm thực tiễn trong quân đội là: “Nếu đơn vị nào chuẩn bị tốt cho chiến dịch, trận đánh sắp mở, thì coi như nắm chắc chiến thắng đến 50%.”
Ngoài ra, nhà đầu tư cũng cần biết cách sử dụng máy vi tính, máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh để phục vụ cho việc kinh doanh chứng khoán. Những loại máy này là những trợ thủ rất đắc lực, rất có hiệu quả cho nhà đầu tư.
- Ông nhận định như thế nào về cơ hội đầu tư năm 2013?
- Cơ hội đầu tư trong năm 2013 là rất sáng sủa. Các quyết sách của Chính phủ đang đi đúng hướng, nền kinh tế có mức tăng trưởng khá (dự kiến đạt trên 5%/năm), lạm phát được kiềm chế (giữ ở mức 1 con số), dự trữ ngoại hối tăng (trên 20 tỷ USD ), xuất khẩu tăng… Các thông tin tài chính-ngân hàng, thương mại, chỉ số sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ đều được đánh giá, dự báo là tốt.
Với tình hình kinh tế đất nước trong năm 2013 là rất khả quan, tôi dự báo các chỉ số chứng khoán VN-Index sẽ lên hơn 500 điểm, thậm chí còn “xô đổ” mốc 600 điểm, HNX-Index sẽ vượt 65 điểm, Upcom-Index sẽ cao hơn 50 điểm. Tới tháng 7/2013, khi Chính phủ công bố chính thức các chỉ số phát triển kinh tế đất nước trong 6 tháng đầu năm nay, nhà đầu tư sẽ thấy kết quả thực tế so với kế hoạch đầu năm 2013.
Hiện trên cả 3 sàn chứng khoán, có một nghịch lý là nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tốt, có lãi cao, trả cổ tức đầy đủ, đúng hạn, nhưng giá cổ phiếu của họ lại bị định giá thấp dưới mệnh giá. Nhà đầu tư nên nhìn vào định hướng tương lai, và thực trạng nền kinh tế hiện nay là khả quan, thẩm định kỹ càng các doanh nghiệp niêm yết, để có những quyết định đúng đắn mua vào những mã chứng khoán tốt mà giá đang rẻ, đón đầu thành công những con sóng.
- Được biết, ông là nhà đầu tư cá nhân đầu tiên đặt mua chứng chỉ quỹ VFF của Quỹ Đầu tư trái phiếu Bảo Thịnh. Ông đánh giá thế nào về tiềm năng phát triển của các sản phẩm mới này?
- Chiều ngày 24/1/2013, tôi được mời đi dự buổi giới thiệu về Quỹ Đầu tư trái phiếu Bảo Thịnh (VinaWealth) là loại hình quỹ mở đầu tiên ở Việt Nam tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Sau khi đọc nhanh các tài liệu về quỹ mở đầu tiên này, tôi nhận thấy đây là một cơ hội đầu tư rất tốt, an toàn, cho lãi cao hơn tiền gửi tiết kiệm. Quỹ đóng thì tôi đã biết từ lâu, nhưng có nhiều nhược điểm và sẽ được dần thay bằng quỹ mở. Ngay tại đó, tôi đã đăng ký mua 400 triệu đồng chứng chỉ quỹ, và chuyển khoản qua ngân hàng HSBC vào hôm sau. Sau một thời gian ngắn, nếu có kết quả tốt, tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào chứng chĩ quỹ VFF này.
Theo tôi, năm 2013, các nhà đầu tư có tiền nhàn rỗi, hãy đầu tư theo các kênh, có thể theo cơ cấu: 4/10 vào chứng khoán. 3/10 vào chứng chỉ quỹ, 2/10 đem gửi tiết kiệm trung hoặc dài hạn và 1/10 để mua trái phiếu doanh nghiệp niêm yết làm ăn tốt.
- Với tư cách một nhà đầu tư cá nhân, ông có đề xuất gì với các cơ quan quản lý để thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển hơn?
- Tôi luôn mong muốn, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ triển khai nhiều quyết sách đúng đắn để phát triển TTCK Việt Nam bền vững, tăng sức hấp dẫn nhà đầu tư, giúp các doanh nghiệp huy động được nguồn vốn từ TTCK để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Đồng thời, các cơ quan quản lý cũng cần giám sát chặt chẽ hơn việc minh bạch thông tin, để tạo niềm tin vững chắc cho các nhà đầu tư.
Hiện nay, đang vào “mùa” công bố báo cáo tài chính, UBCKNN cần đôn đốc các doanh nghiệp tuân thủ theo đúng quy định hiện hành. Tuy nhiên, theo tôi nên thay đổi cách tính năm tài chính theo thông lệ quốc tế (nhiều nước áp dụng năm tài chính từ ngày 1/4 năm trước đến 31/3 năm sau). Bởi năm tài chính của Việt Nam đang được quy định từ 1/1 đến 31/12 hiện nay là chưa hợp lý. Dịp cuối năm dương lịch lại cận kề với Tết cổ truyền, các doanh nghiệp có quá nhiều công tác phải hoàn tất, nên việc làm quyết toán niên độ, nộp báo cáo tài chính khó được hoàn tất một cách chu đáo.
Theo CafeF/NDHMoney