Chúng tôi quay lại xã Mỹ Hòa, TX Bình Minh (Vĩnh Long) vào đúng 10 năm sau sự cố kinh hoàng sập hai nhịp dẫn cầu Cần Thơ.
Xứ bưởi Năm Roi Mỹ Hoà bây giờ đã “thay da đổi thịt” so với cách đây 10 năm. Những còn đường sình lầy khi mưa xuống, bụi mù mịt khi trời nắng đã không còn, thay vào đó là những con lộ bê tông rộng rãi phủ khắp các ấp. Đời sống của người dân cũng khấm khá hơn.
Cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu sau 10 năm gặp sự cố . |
Chúng tôi tìm đến nhà ông Lê Tấn Thành (52 tuổi, tự Mười Hên) – “người hùng” cứu 11 nạn nhân trong đống bêtông của sự cố sập cầu Cần Thơ, cũng là lúc lão nông này quần áo lem luốc đi cưa cây thuê cho bà con trong xóm về.
Nhà ông Mười Hên hiện cách chân cầu Cần Thơ khoảng 500 m. Căn nhà cấp 4 sập xệ của ông cách đây 10 năm không còn nữa mà thay bằng căn nhà tường khang trang.
Ký ức kinh hoàng
Ngụm ly nước trà, ông Mười Hên kể sáng 26/9/2007, hai vợ chồng ông đang ngồi ăn cơm để chuẩn bị đi cưa cây cho thuê cho người ở xóm thì nghe tiếng ầm ầm.
“Lúc đầu, cứ tưởng là tiếng máy bay nhưng linh tính có chuyện chẳng lành nên tui chạy ra đường xem có chuyện gì. Vợ tui cũng chạy theo. Lúc đó, tui thấy nhịp cầu Cần Thơ đổ sụp xuống, bà con trong xóm gào khóc la “sập cầu rồi, chết hết rồi”. Tui cố chạy thật nhanh về phía cầu…”, ông Mười Hên kể.
Ông 10 Hên - người cách đây 10 năm cứu 11 nạn nhân trong sự cố sập cầu Cần Thơ . |
Đến nơi, cảnh tượng trước mặt ông Mười Hên là đổ nát, bụi bay mù mịt. Các nạn nhân bị gỗ, sắt và các khối bêtông đè lên kêu khóc thảm thiết.
“Người nằm la liệt, máu me khắp nơi. Tôi nhảy vào nhấc thanh sắt đè trên người hai nạn nhân nhưng không nổi. Lúc đó, mọi người đứng bên ngoài la hét kêu chạy ra, vì các khối bê tông có thể sập thêm bất cứ lúc nào”, ông Mười Hên nhớ lại ký ức kinh hoàng.
Biết không thể cứu các nạn nhân ra khỏi đống đổ nát bằng tay không, Mười Hên chạy vội ra đường, nhảy lên chiếc xe honda của một thanh niên đậu bên ngoài kêu chạy gấp về nhà mình lấy cưa gỗ và balăng (như một cái ròng rọc) để quay lại hiện trường cứu người.
Người đầu tiên Mười Hên cứu ra khỏi đống đổ nát là anh Thắng (ngụ xã Mỹ Hoà).
“Trong 11 người tui cứu sống, Thắng là trường hợp đặc biệt nhất. Lúc đó, chân của Thắng bị 1 cây gỗ lớn đè lên, nếu tui cưa không khéo sẽ đứt lìa chân của nó liền. Tui cố lấy bình tĩnh để cưa sao cho vừa đứt cây gỗ mà không “phạm” vào chân của Thắng và tui đã làm được.
Tui cõng Thắng ra ngoài, chục nạn nhân khác được bà con, lực lượng chức năng lôi ra từ đống đổ nát, máu me bê bết, tiếng kêu la thảm thiết.
Tui định chạy vô để cứu người tiếp nhưng bình gas phát nổ. Tui và mọi người chạy ra. Đám bụi lắng xuống tui lại nhào vô cứu người tiếp, bất chấp tiếng la hét, gào khóc của vợ tui”, ông Mười Hên nhớ lại.
Hiện trường vụ sập cầu Cần Thơ cách đây 10 năm. Ảnh: Tiền Phong . |
Khi vào lại bên trong hiện trường, Mười Hên thấy một thanh niên (sau này ông mới biết tên Trung - PV) nằm ngửa bị cây gỗ đè ngang ngực.
Ông tới gọi thử coi thanh niên này còn sống hay chết nhưng không thấy trả lời. "Tui nghĩ dù chết hay sống cũng phải cưa khúc cây để đưa thanh niên đó ra. Khi khúc cây vừa nhấc lên thì tui nghe tiếng anh ấy thở mạnh mới biết còn sống.
Mặt mày anh ấy đầy máu, chân bị gãy. Lúc sang bệnh viện, tui có hỏi thanh niên đó nhớ mặt tui không thì cậu ấy nói “lúc đó chỉ nghe tiếng máy cưa”, ông Mười cười nhớ lại.
Mười Hên tiếp tục xông vào trong và thấy một nạn nhân khác nằm sấp bị một mảng bê tông đè ngang thắt lưng, chỉ còn cái đầu ngọ nguậy.
“Tui định nhấc khối bê tông ra nhưng không được nên lấy cây sắt kê vào khối bê tông bên cạnh để bẩy lên. Có lẽ anh ấy chưa tới số nên tui vừa cõng ra bên ngoài giao lại cho người khác là tỉnh dậy”, Mười Hên kể.
Sau khi “tả xung hữu đột” khắp nơi để cứu người, nhất là trở lên từ hầm số 8, Mười Hên “đuối” phải xin bác sĩ thuốc uống. Thấy Mười Hên từ sáng đến trưa chưa ăn gì, bà con xung quanh đưa cho ông ổ bánh mì và chai nước dằn bụng.
“Lúc đó, tâm trạng đâu mà ăn. Tiếng người kêu cứu, xác người nằm la liệt, máu me văng khắp nơi sao mà nuốt nổi nên ăn dở thì chạy vào cứu người tiếp. Đến chiều thì tui cứu tổng cộng 11 người”, ông nhớ lại.
Bà Lê Thị Bé Tư (vợ ông Mười Hên) nói, việc làm tốt của chồng như để đức lại cho con cháu . |
Chết cũng cứu người
Hôm đó, ông Mười trở về nhà với với chiếc áo tả tơi, đầy máu. Và đến tận bây giờ, trong sự hồi tượng của Mười Hên, thời điểm đó ông không hề sợ sệt.
“10 năm rồi nhưng hình ảnh về sự cố kinh hoàng đó tui vẫn nhớ như in. Giờ nghĩ lại thôi tui còn lạnh xương sống. Nhưng nếu được lựa chọn một lần nữa thì chắc tui cũng cái việc mà cách đây 10 năm mình đã làm, vì họ là hàng xóm của mình cả. Nếu tui chết mà cứu được 5-6 mạng người chắc cũng được phong “anh hùng”, ông Mười Hên cười giòn nói.
Nghe chồng nói, bà Lê Thị Bé Tư (vợ ông Mười Hên) cười: “Ổng làm được việc tốt như vậy tui cũng vui lắm. Tui coi đó như làm phước để đức lại cho con cháu sau này”.
Theo lời bà Bé Tư, thời điểm ông Mười Hên vào hiện trường cứu người, bà cũng hồi hộp lo sợ ông gặp nguy hiểm.
“Lúc ổng chạy xuống hiện trường ở trần, tui phải xách cái áo chạy theo. Mà chạy có nổi đâu, nghe có người chết tự nhiên hai cái chân nó “cúm” lại. Đến khi chạy xuống tới thì bình gas phát nổ, tôi run quá trời, sợ ổng có chuyện. Tới khi dòm lên cần cẩu thấy ổng đang cứu mấy nạn nhân mới hết hồi hộp”, bà Bé Tư kể và nói, suốt hôm đó bà không dám rời hiện trường nửa bước vì lo cho chồng.
Bà Danh Thị Hồng (người có con rể tử nạn trong vụ sập cầu Cần Thơ) – hàng xóm của ông Mười Hên cho biết chưa bao giờ cái xứ bưởi Mỹ Hoà lại tang thương như cách đây 10 năm.
Bà Danh Thị Hồng (người có con rể tử nạn trong vụ sập cầu Cần Thơ) –hàng xóm của ông Mười Hên cho biết chưa bao giờ xứ bưởi Mỹ Hoà lại tang thương như cách đây 10 năm. |
“Sáng hôm đó, vợ chồng tôi đang ăn cơm thì nghe tiếng động lớn, chạy ra ngoài thì thấy cầu Cần Thơ sập. Hai vợ chồng tôi chạy xuống dưới đó, mà ngoài trời mưa gió, đường sình lầy. Tới nơi thì thằng con rể đã được khiêng ra ngoài. Sau đó, tôi thấy Mười Hên cứu được 6-7 người, mà không ai còn nguyên vẹn, toàn bị thương nặng... ”, bà Hồng kể lại ký ức.
Sau khi cứu sống 11 người, ông Mười Hên nổi tiếng khắp nơi. Hàng loạt báo, đài đến phỏng vấn đưa tin. Chính việc “nổi tiếng bất đắc dĩ” như lời Mười Hên nói khiến cuộc sống gia đình ông đảo lộn hoàn toàn.
“Lúc đó có đi làm được đâu. Mới định đi cưa cây cho người ta thì nhà báo, phóng viên và cả người dân mà mình chưa gặp mặt lần nào cũng đến phỏng vấn, trò chuyện… thế là nghỉ làm. Thấy cũng vui, mà bụng thì lo đói”, ông Mười Hên dí dỏm nói.
Còn những nạn nhân được ông Mười Hên cứu sống, sau này có nhiều người đã tìm đến nhà ân nhân cám ơn.
“Họ đa phần là anh em, con cháu trong xóm nên chúng tôi cũng thường gặp mặt. Đi đám tiệc gặp lại cũng kể lại chuyện cũ. Cũng có một số người do cuộc sống nên họ phải đi làm thuê xa nên lâu rồi chưa gặp mặt. Nhưng giờ nhìn cầu Cần Thơ bắt ngang sông Hậu, xe cộ chạy thông suốt, đời sống người dân khấm khá hơn là mình vui rồi”, ông Mười Hên uống ly nước trà rồi mở miệng cười.