“Đại gia” miệt vườn
Trở lại xã Mỹ Hòa, TX. Bình Minh (Vĩnh Long), chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện vui buồn sau gần 8 năm ngày xảy ra vụ sập cầu (9/2007).
Phóng viên được nghe kể về người thân của các nạn nhân tử nạn trong vụ tai nạn lao động kinh hoàng này.
Đến nay, nhiều người được nhận số tiền hỗ trợ sau sự cố sập cầu Cần Thơ rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất. Nguyên nhân do họ sử dụng tiền sai mục đích như đánh bài, cá độ, đá gà...
Bà Tư ở ấp Mỹ Hưng 2 cho biết: “Lãnh tiền trợ cấp xong là họ đua nhau đi mua các thứ đắt tiền như: tivi, điện thoại, quần áo, máy giặt… Một số người thì tụ tập đánh bài, số đề, đá gà… từ sáng tới chiều tối. Nhiều người bị công an bắt và phạt hành chính, tuy nhiên khi trở về, họ lại chứng nào tất nấy. Giờ hết tiền, phải đi làm thuê, làm mướn khắp nơi để kiếm sống qua ngày”.
Cầu Cần Thơ sau khi khánh thành. |
Theo ông Nguyễn Ngọc Minh - Trưởng ấp Mỹ Hưng 1 (xã Mỹ Hòa), toàn ấp có 17 người thiệt mạng trong vụ tai nạn sập Cần Thơ. Sau khi sự cố xảy ra, các đoàn thể, nhà hảo tâm đã đến hỗ trợ trực tiếp cho mỗi gia đình có người tử nạn ít nhất 400 triệu đồng. Tuy nhiên, đến nay chỉ ít người là còn tiền gửi ngân hàng, số còn lại đã tiêu xài hoang phí hết.
“Đó là những trường hợp rất đáng tiếc. Trước đây chính quyền địa phương đã vận động và tuyên truyền các hộ gia đình này nên sử dụng số tiền hỗ trợ hợp lý, tránh tiêu xài hoang phí, nhưng họ không nghe. Tiền là của họ, nên chúng tôi chỉ có thể khuyên nhủ, chứ không thể can thiệp được” - ông Minh bộc bạch.
Trong các “đại gia” miệt vườn ở xóm nhỏ này, ông Lưu Văn Kh. (ngụ ấp Mỹ Hưng 1) là chơi trội và khiến nhiều người phải lắc đầu ngao ngán. Ông Kh. là người bị thương trong vụ sập cầu Cần Thơ và có 2 người con tử nạn.
Ông Nguyễn Ngọc Minh - Trưởng ấp Mỹ Hưng 1. |
Sau sự cố, gia đình ông Kh. được hỗ trợ số tiền rất lớn. Ông cất một căn nhà khang trang giữa xóm nghèo và mua nhiều vật dụng đắt tiền để trưng bày trong nhà.
Cũng từ đó, ông Kh. bắt đầu đổi tính và luôn tỏ ra mình là “đại gia”, sẵn sàng chi bạo trong các cuộc ăn chơi.
“Lúc mới lãnh tiền, mỗi khi ông ấy đi chợ là rùm beng cả xóm. Ông ấy không bao giờ đi xe ôm của cánh đàn ông chở, mà chỉ đi xe của phụ nữ thôi. Từ nhà ra chợ, tiền xe chỉ có 20.000 đồng, nhưng ông ấy chơi sang trả luôn 50.000 đồng, rồi bao ăn hủ tiếu, uống cà phê cho người chạy xe ôm”, một người trong ấp kể lại.
Mọi người ở đây vẫn kể lại câu chuyện động trời mà “đại gia” miệt vườn này từng thẳng thừng tuyên bố. Đó là, trong một lần đi đám cưới, khi đi qua cây cầu, ông Kh. loạng choạng sắp ngã. Nhìn thấy vậy, một đứa nhỏ trong xóm chạy đến định dắt ông qua cầu, nhưng vị 'đại gia' này từ chối và nói: ''Tao đâu có say. Tao đi không được là do sợi dây chuyền trên cổ nặng quá thôi''.
Bia tưởng niệm những người tử nạn trong sự cố sập cầu Cần Thơ được đặt tại chùa Bồ Đề. |
Tuy nhiên, cũng có những gia đình hết tiền vì... hoàn cảnh khó khăn. Bà Lê Thị D. (53 tuổi, vợ của nạn nhân Nguyễn Văn X.) cho biết, số tiền mấy trăm triệu được hỗ trợ đến nay đã không còn và hiện nay gia đình bà sống nhờ vào việc làm thuê.
“Do tôi bị bệnh cột sống và thần kinh, nên phải lấy số tiền đó đi chữa bệnh. Đến nay thì hoàn toàn không còn đồng nào trong ngân hàng. Hiện nay, gia đình tôi chỉ đi làm thuê, làm mướn sống qua ngày” - bà D. nói.
Vượt lên nỗi đau
Trong căn nhà khang trang, nằm cách cầu Cần Thơ chưa đầy 1km, bà Đoàn Thị B. (ngụ ấp Mỹ Hưng 2), là mẹ của nạn nhân Nguyễn Văn Đ. vẫn còn nhớ như in giây phút nhận hung tin con trai tử nạn.
Lúc đó, tôi đang nằm ở nhà thì nghe tiếng động lớn làm rung chuyển cả khu vực. Một lúc sau mọi người trong xóm hốt hoảng nói cầu Cần Thơ sập rồi, công nhân chết nhiều lắm. Nghe xong tôi như chết đứng. Vì trong các công nhân đang làm việc trên cầu có 3 đứa con trai của tôi. Tôi ráng lấy bình tĩnh, chạy ra hiện trường xem, thì thấy một đống đổ nát, xác người nằm la liệt. Tôi gào khóc xin bảo vệ cho vào nhận dạng nhưng không được.
Bà Đoàn Thị B. một trong những người tiết kiệm được số tiền hỗ trợ. |
May mắn lúc đó, có người nói thằng con trai thứ hai nằm trong quán nước bên cạnh, khi tôi chạy sang thì mọi người tưởng nó chết nên đã đắp chiếu. Thấy cơ thể nó còn ấm, tôi nhờ mọi người chở qua Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ cấp cứu. Tới nơi bác sĩ nói, chỉ cần trễ ít phút nữa thì không thể cứu sống. Còn thằng út thì bị đè chết trong đống đổ nát, mấy ngày sau mới tìm thấy thi thể” - bà B. nghẹn ngào nhớ lại.
Sau khi nhận được số tiền trợ cấp, bà B. quyết định dành toàn bộ gửi ngân hàng để cho X. - anh em sinh đôi với Đ., cũng bị thương vụ tai nạn sập cầu.
“Tiền đó là xương, là máu của con trai nên tôi đâu có thể xài phung phí được. Trước đây, các gia đình có người thương vong trong vụ sập cầu đi lãnh tiền lãi ngân hàng với tôi đông lắm, nhưng giờ chỉ còn được vài người” – bà B. nói.
Chị Hà Thị Kiều V. (34 tuổi), có chồng là anh Lê Hoàng Quốc V. tử nạn, sau khi nhận được số tiền mà các nhà hảo tâm giúp đỡ, chị đã dành số tiền này mua 2 công đất và xây nhà gần UBND xã Mỹ Hòa để buôn bán quần áo và tạp hóa.
“Lúc anh ấy chết, tôi đau buồn dữ lắm, nhưng thấy con gái còn nhỏ nên ráng sống để lo cho nó ăn học. Lãnh được tiền hỗ trợ, tôi đâu dám tiêu xài. Tôi dùng số tiền đó để mua đất trồng bưởi, rồi mở quán bán quần áo, tạp hóa, nên cuộc sống bây giờ cũng ổn định. Con gái thì cũng lớn và học rất giỏi nên cũng mừng lắm” – chị V. vui vẻ kể.
Cuộc sống của hai mẹ con chị Hà Thị Kiều V. giờ đây đã ổn định. |
Ngày 16/8 âm lịch hàng năm là đám giỗ của các nạn nhân trong sự cố sập cầu Cần Thơ. Và đối với người dân của xứ bưởi Năm Roi, 8 năm qua, nỗi đau mất mát của vụ tai nạn kinh hoàng ngày nào ít nhiều đã được xoa dịu.
Vào khoảng 8 giờ ngày 26/9/2007, hai đoạn nhịp cầu dẫn phía bờ Vĩnh Long của cầu Cần Thơ dài khoảng 87 m, rộng 24 m, cao 30 m đã bất ngờ đổ ập xuống. Vụ tai nạn khiến 55 người chết, 80 người bị thương.
Tháng 4/2010, cầu Cần Thơ chính thức được khánh thành, đây là cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất Đông Nam Á.