Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Gặp nạn ở Bắc Cực, đoàn thám hiểm ăn thịt người để tồn tại

170 năm trước, gần 130 người rời nước Anh để thám hiểm Bắc Cực với hy vọng tràn trề, song sau đó hành trình của họ biến thành một thảm kịch đáng sợ.

Các
Các nhà khảo cổ vớt một khẩu pháo trên tàu HMS Erebus qua một hố trên băng ở Bắc Cực. Ảnh: Livescience

Vào năm 1845, hai tàu HMS Erebus và HMS Terror rời nước Anh để thám hiểm Bắc Cực. Người chỉ huy đoàn thám hiểm gồm 129 người là thuyền trưởng John Franklin, sĩ quan Hải quân Hoàng gia giàu kinh nghiệm. Do Franklin từng chỉ huy hai chuyến thám hiểm Bắc Cực trước đó, Hoàng gia Anh đã phong tước Hiệp sĩ cho ông. Franklin bước sang tuổi 59 khi đảm nhận trách nhiệm chỉ huy chuyến thám hiểm thứ ba nhằm tìm ra tuyến đường biển từ khu vực Bắc Cực thuộc Canada tới phương Đông.

Đoàn thám hiểm có nhiều lý do để hy vọng cuộc thám hiểm sẽ thành công rực rỡ. John Franklin là người giàu kinh nghiệm thám hiểm. Hai tàu to, chắc và mang theo lượng thực phẩm đủ lớn để thủy thủ đoàn sử dụng trong 5-7 năm. Ngoài ra, mọi chuyến thám hiểm Bắc Cực trước đó đều chưa từng thất bại.

“Khám phá Bắc Cực trong thế kỷ 19 là công việc khá an toàn, bởi tỷ lệ tử vong chỉ là 1/100”, Simon Mays, một nhà khảo cổ học của tổ chức Historic England, bình luận. Chính phủ Anh thành lập Historic England nhằm bảo tồn các tòa nhà, công trình và thắng cảnh có ý nghĩa lịch sử.

Bất chấp những yếu tố thuận lợi, đoàn thám hiểm đã không bao giờ trở về. Vào tháng 9/2014, một đoàn thám hiểm của Canada thấy tàu HMS Erebus. Nó nằm ở độ sâu 11 m gần đảo King William, cách thành phố Toronto, Canada khoảng 2.000 km về phía tây bắc. Chính phủ Canada coi việc thấy tàu mất tích là một sự kiện lịch sử.

Khi chuyến thám hiểm bắt đầu, lượng băng ở Bắc Cực khá thấp nên đoàn của Franklin dễ dàng vượt qua Vịnh Baffin (gần đảo Greenland) rồi băng qua quần đảo Canada để tìm Hành lang Tây Bắc. Thế nhưng, khi mặt biển đóng băng vào mùa đông, hai tàu mắc kẹt gần đảo King William.

“Đoàn đã biết trước họ sẽ mắc kẹt trong vài mùa đông. Đó là lý do họ đưa rất nhiều thực phẩm lên hai tàu”, Simon Mays nói.

Trong những mùa hè sau đó, lượng băng trên biển khá lớn nên hai tàu vẫn không thể di chuyển. Thủy thủ đoàn liên lạc với đất liền lần cuối hôm 25/4/1848 để thông báo 24 người đã chết và họ sẽ rời khỏi tàu.

Sau khi bỏ hai tàu với lượng thực phẩm dồi dào, đoàn thám hiểm quyết tâm vượt qua quãng đường lên tới hơn 1.600 km để tới trạm mậu dịch Vịnh Hudson.

Quyết định tới trạm mậu dịch là một sai lầm nghiêm trọng. Chỉ vài loài chim có thể sống ở vùng cực và câu cá không phải việc dễ. Nếu muốn câu cá, họ phải đục lớp băng dày để thả mồi xuống nước. Ngay cả thổ dân Inuit, những người sinh tồn ở vùng cực, cũng tránh xa khu vực xung quanh trạm mậu dịch Vịnh Hudson vì thực phẩm ở đó vô cùng khan hiếm.

“Bạn không thể kiếm thực phẩm cho hơn 100 con người bằng cách đục lỗ trên băng để câu cá”, Simon Mays nói với Livescience.

Mọi thành viên trong đoàn đều không thể vượt qua 1/5 quãng đường từ vị trí hai tàu mắc kẹt tới trạm mậu dịch Vịnh Hudson. Số phận của đoàn là điều bí mật trong suốt nhiều năm sau. Năm 1854, những thổ dân Inuit nói với một chuyên gia vẽ bản đồ người Canada rằng họ thấy những người trong đoàn của Franklin ăn thịt lẫn nhau. Hơn 150 năm sau, các nhà khoa học mới phát hiện hài cốt của những người trong đoàn. Họ thấy những vết cắt trên nhiều xương người – kết quả của hành động cắt thịt khỏi xương.

Trong một nghiên cứu gần đây, Simon Mays và Owen Beattie, một nhà nhân chủng học của Đại học Alberta tại Canada, xem lại 35 mẩu xương từ hai khu vực Booth Point và Vịnh Erebus. Họ phát hiện nhiều vết nứt và khoảng nhẵn bất thường trên xương – dấu hiệu cho thấy phần cuối của các mẩu xương chìm trong nước sôi và cọ xát vào nồi. Hành động đó thường xảy ra trong công đoạn cuối của hành vi ăn thịt đồng loại, do những người đói hút tủy trong xương sau khi ăn hết thịt.

“Phát hiện của Mays và Beattie phù hợp với lời kể của những thổ dân Inuit. Họ nói những mẩu xương người chất thành đống, như thể ai đó đập vỡ xương để hút tủy”, Anne Keenleyside, một nhà sinh học của Đại học Trent tại Canada, nhận xét. Anne không tham gia nghiên cứu của Mays.  

Cuộc sống của bộ tộc ăn thịt sống ở Bắc Cực (kỳ 2)

Hoạt động hàng ngày của người Nenets gắn chặt với tuần lộc. Chúng là nguồn thực phẩm chính của họ, và cũng là nguyên liệu để họ làm quần, áo, giày, mũ và nhiều vật dụng khác.

Kim Ngân

Bạn có thể quan tâm