Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Gặp lại đứa trẻ từng bị mẹ chôn sống ngay sau khi sinh

Khi con trai vừa lọt lòng, chị Huệ đem con ra vườn chôn dưới gốc sầu riêng. Người mẹ trẻ bị băng huyết tử vong, cháu bé bị chôn được phát hiện, cứu sống kịp thời.

Tiếng khóc dưới gốc sầu riêng

Dẫu đã hai năm trôi qua song câu chuyện đau lòng của gia đình anh Đặng Văn A và chị Trần Thị Huệ (ngụ ấp Tân Sơn, xã Phụng Hiệp, Cai Lậy, Tiền Giang) vẫn khiến mọi người xót xa bởi cảnh “gà trống nuôi con” với bốn đứa trẻ nheo nhóc. Căn nhà lá xập xệ ngày nào nay đã được thay bằng căn nhà tường do những tấm lòng hảo tâm xây tặng. Song vẫn không át đi nỗi khắc khoải về người mẹ xấu số trong tâm trí những đứa trẻ. Vừa dỗ dành đứa con nhỏ mới bước qua tuổi lên 2, anh A nhắc lại câu chuyện đau lòng của mình.

Một buổi chiều tháng 9/2013, chị Nguyễn Thị Ngọc Giàu (ấp Tân Sơn) đến nhà chị Huệ chơi như mọi khi thì thấy căn nhà im ắng. Ngoài hiên nhà, cô con gái út mới lên 7 đang sụt sùi khóc. Gặng hỏi, bé Tư mếu máo: “Chân mẹ chảy nhiều máu lắm, mẹ nói bị đứt chân, mẹ không cho con gọi ba về. Con sợ lắm”.

Hoảng hốt, chị chạy vội vào buồng thì thấy chị Huệ nằm ngất trên giường, thân dưới chảy nhiều máu, toàn thân đã tím tái. Ngay lập tức chị Giàu đã tri hô mọi người cùng đưa chị Huệ đi cấp cứu nhưng đã muộn, người phụ nữ đã mất trước đó do bị băng huyết khi sinh con. Khi hiểu ra sự việc, tất cả cùng tỏa ra vườn, tìm kiếm đứa bé sơ sinh xấu số.

Đến 17h cùng ngày, một người dân trong ấp đã phát hiện đứa bé bị vùi dưới rãnh đất ẩm, sâu khoảng 0,5 m, bên trên phủ cỏ và lá chuối tươi. Bé trai không một mảnh vải che thân, làn da đã trở nên xám ngắt, nằm yếu ớt, thậm chí dây rốn cũng chưa được cắt. Nhanh chóng quan sát, họ thấy kiến bu đầy người đứa trẻ, đốt sưng mắt, tay chân và cơ quan sinh dục. Lo sợ sẽ không kịp, những người dân đã đưa bé đến Bệnh viện Đa khoa Cai Lậy.

Bé Thiên Phước bên cha, anh Đặng Văn A - Cậu bé bị chôn sống năm nào nay đã lớn, khỏe.

Xác định được đây chính là đứa bé con của chị Huệ vừa mới sinh nên nhân chứng gọi ngay cho chồng chị, anh Nguyễn Văn A cùng người nhà ra bệnh viện. Các bác sĩ xác định bé nặng 3,3 kg, sinh đủ ngày đủ tháng, hoàn toàn khỏe mạnh. Sau hơn một tuần điều trị, bé được gia đình đón về để chăm sóc. 

Sự sống sót kì diệu của bé đã khiến cả gia đình mừng khôn xiết. Đặng Thiên Phước, anh A nói đã đặt tên con như thế vì con còn sống quả là phước do trời ban. Dẫu mất mẹ từ khi lọt lòng song bé nhận được tình thương của gia đình và hầu hết những người dân ấp Tân Sơn và cả những tấm lòng hảo tâm xa gần.

Song với anh Đặng Văn A, những khó khăn chỉ mới bắt đầu, bởi chuyện “gà trống” một mình nuôi con mọn không phải dễ dàng. Có những đêm bé khát sữa và kiếm hơi mẹ, cứ khóc ngặt cả đêm không chịu ngủ dù đã luôn có bà nội ở bên.

Do còn quá bé nên bé không chịu uống sữa thường, anh A bất lực nhìn đứa con còn đỏ hỏn cứ ốm dần theo những trận khóc. May mắn là trong ấp cũng có vài bà mẹ mới sinh, vậy là thi thoảng bé Phước được “bú ké” sữa mẹ.

Khi bé lớn hơn một chút, có một nhà hảo tâm đã tài trợ sữa cho bé sáu tháng đầu. Nhờ đó anh A bớt được phần nào khó khăn.

Loay hoay giữa bốn đứa con với biết bao lo toan, gia đình anh cứ sống mãi cảnh “giật gấu vá vai” như thế. Nhưng rồi cuộc đời cũng mỉm cười với anh A và bốn đứa trẻ thiếu hơi ấm của mẹ này. Anh A tâm sự: “Gần một năm trước, qua báo đài, một người Việt kiều mãi bên Mỹ biết được hoàn cảnh của tôi nên đã tìm về đây giúp xây lại căn nhà, nhờ vậy những đứa trẻ không phải chịu cảnh học bài trong khi gió thốc bốn bên”. 

Anh A cho biết nhà chỉ có một công đất trồng được mấy chục gốc sầu riêng nhưng chưa cho trái. Khi cậu con trai út mới tròn ba tháng tuổi, anh đã gửi bà nội rồi lặn lội làm thuê làm mướn ngoài Ngũ Hiệp. Nhờ đó anh cũng lo chu toàn tiền ăn học cho ba đứa con 14, 11 và 9 tuổi.

Mang thai 9 tháng vẫn giấu chồng

Bé Thiên Phước, đứa bé dưới gốc sầu riêng năm nào nay đã bập bẹ gọi cha, mẹ. Tiếng gọi theo bản năng của con trẻ lại làm nhói lên nỗi đau của người lớn và câu chuyện dại dột của người mẹ trẻ mang thai đến tháng thứ 9 vẫn giấu biệt chồng như mới ngày hôm qua.

Tất tả trở về nhà sau một ngày vất vả ngoài đồng, bà Phan Thị Nô (mẹ ruột anh A) nghẹn ngào: “Từ hôm nó đi (chị Huệ- PV) thằng A cứ như người mất hồn. Thơ thơ thẩn thẩn suốt ngày. Cũng may chuyện lo chăm bẵm bốn đứa nhỏ nên rồi cũng nguôi ngoai. Nhưng giờ nhìn đám trẻ nheo nhóc lại vừa giận vừa thương mẹ nó. Ai đời vợ chồng với nhau vậy mà có mang đến tháng thứ 9 rồi vẫn giấu cả nhà. 

Hồi đó cả cái xóm này vốn có ai biết nó mang bầu đâu. Chị em bạn bè hết mềm mỏng đến hù dọa, kêu chở nó đi khám mà nó một mực không chịu, nói chỉ bị mập lên do uống nhiều bia thôi. Hôm người ta gọi tôi kêu tìm thấy thằng bé con vứt ngoài vườn mà lòng tôi đau như thắt. May thay đến nay thằng bé lớn lên khỏe mạnh”. Vừa là bà nội vừa là mẹ, bà Nô cứ lật đật đi lại chăm nom giữa hai căn nhà. Bé Thiên Phước sau hai năm gắn bó cũng “dính bà như sam”.

Ngồi trong căn nhà nhỏ, vẫn nhìn đăm đăm lên bàn thờ vợ, anh Đặng Văn A ngậm ngùi: “Khi nghe người ta đồn Huệ có bầu, tôi hỏi vợ em có bầu phải không? Cô ấy chối và nói là bị mập lên nên phải nịt bụng lại. Tôi khi đó hay đi làm ăn xa, cũng đã lâu vợ chồng không gần gũi nên tôi cũng chỉ nghĩ vợ nói sao thì biết vậy thôi, không ngờ khi mọi chuyện vỡ lở thì đã muộn. Thằng bé giờ cứ nhìn thấy bọn nhỏ gọi mẹ là nó bắt chước gọi mẹ theo. Nhìn cảnh đó xót lắm mà biết sao giờ…”. 

Anh A cũng cho biết, ngay từ nhỏ, những vết côn trùng cắn trên mặt bé Thiên Phước từ hồi bị mẹ “chôn” đã rất khó chữa và đến nay trên mặt bé vẫn nổi nhiều mụn đỏ.

Sự dại dột của chị Huệ không chỉ khiến bà con lối xóm buồn lòng, ngay cả chị em bên chồng của chị cũng đã không ít lần khốn khổ khi phải tranh cãi mãi về chuyện bầu bí của cô em dâu ngang bướng. Nói về cô em dâu của mình, chị Thanh buồn bã: “Chị em phụ nữ với nhau, thấy nó có biểu hiện lạ là tôi đã nghi nghi rồi. Thế mà gặng hỏi mãi nó không chịu nhận. Nhớ lại hồi đó, khi đã sắp sinh tới nơi rồi vậy mà đi đám hay đi tiệc gì là nó vẫn nhảy nhót, hát hò và uống bia khí thế. Tôi hỏi nó có bầu phải không thì nó cãi. Mà mọi việc đã vậy rồi, có gì mà phải giấu chứ. Biết nhà chúng nó khó khăn, tụi tôi cũng giúp đỡ hết sức, cố gắng giúp nó nuôi dạy các con”.

Con đường nhỏ uốn quanh ấp Tân Sơn vẫn xì xầm những lời bàn tán. Họ thương cho đứa bé vô tội và thương cảm cho bà mẹ nông cạn dẫu đã mấy mặt con này. Một người hàng xóm của chị lắc đầu: “Tính khí của nó vậy, chẳng ai hiểu nổi. Lúc mang thai bé Tư nó cũng giấu chồng thế đấy. Cũng may những lần trước toàn sinh ở nhà thương nên không có chuyện gì xảy ra”.

Chị Huệ nằm dưới đất lạnh cũng đã hơn hai năm, ngần ấy thời gian chồng con chị sống trong nỗi khắc khoải, thương nhớ mỗi khi đứa con trai út bập bẹ đòi mẹ. Có thể ấn tượng về sự mất mát chưa khắc sâu vào tim con trẻ, nhưng hành động dại dột và nông nổi của người mẹ trẻ vô tình đã khắc vào tâm trí chúng một ấn tượng xấu. 

Bởi hình ảnh em bé bị bỏ lại trong vườn với những vết đốt trên thân thể tím bầm sẽ còn đọng lại mãi. Hy vọng thời gian và tình thương của những người xung quanh sẽ thắp lên ngọn lửa vui sống trong trái tim các em. Và hy vọng cuộc đời em bé bất hạnh ngày nào sẽ đẹp như chính cái tên Đặng Thiên Phước.

http://cstc.cand.com.vn/Hon-nhan-va-nhung-tieng-keu/Gap-lai-dua-be-tung-bi-me-chon-song-ngay-sau-khi-sinh-352893/

Theo Thanh Nhi/Cảnh sát toàn cầu

Bạn có thể quan tâm