Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Gặp kẻ ghiền sách xin vợ tiền làm thư viện miễn phí

“Anh bộ đội mê sách” Phạm Thế Cường nhiều năm bỏ tiền của vợ ra làm thư viện miễn phí ở Gò Vấp TP HCM. Nay nổi tiếng, nhiều người tìm nhờ anh giúp cách để họ làm theo mô hình này.

Ngôi nhà 130/1B nằm trên đường Lê Văn Thọ, quận Gò Vấp (TP HCM) là địa điểm quen thuộc của độc giả của nhiều lứa tuổi trong thành phố. Người ta ghé qua để đọc sách, mượn sách tham khảo từ thư viện miễn phí của cựu chiến binh Phạm Thế Cường.

 Mê đọc sách và nghĩ mình "mắc nợ" với sách, ông Cường đã nhiều năm duy trì, phát triển thư viện tư nhân của mình. Tuy nhiên, để duy trì ông đã phải "xin phép vợ", cả tiền bạc lẫn công sức. Bây giờ, mô hình thư viện tư nhân miễn phí như của ông đang ngày càng nhân rộng trên khắp cả nước.

Cựu chiến binh Phạm Thế Cường mở thư viện miễn phí phục vụ cộng đồng.


Ai đọc sách?

- Thông qua thư viện miễn phí của mình, anh có vẽ được chân dung người đọc sách hôm nay?

- Tôi thấy người đọc ngày càng ít đi. Tôi xây dựng thư viện theo cách nuôi dưỡng rồi đi theo lũ trẻ từ lớp 1, 2 cho đến lớn. Trước thì các cháu đến đông chứ nay có ngày không có cháu nào tới. Đứa ngoan, cha mẹ chở tới đổi sách đem về. Số các cháu đọc tại chỗ, thì học sinh cấp 3 tới chỉ bằng nửa trước đây. Nhóm các bạn sinh viên đại học thì cả tháng trung bình 1, 2 lần đến mượn. Vì thế, nhiều ngày vẫn phục vụ nhưng đóng cửa; ai cần thì bấm chuông sẽ được phục vụ thôi.

- Hay tại thư viện của anh là tư nhân không kinh phí, ít sách có giá trị?

- Ấy chết, chưa bao giờ sách tôi nhiều và đầy đủ như bây giờ. Nhà nhỏ mà 31.000 đầu sách, đủ loại phục vụ từ trẻ em, thanh niên cho tới cụ hưu. Mỗi tháng tự tay tôi đi chọn, mua gần chục triệu đồng. Ngoài ra, mọi người khắp nơi cũng cho tặng. Nhiều nơi gửi tặng qua bưu điện, không tên người gửi, địa chỉ thư viện nhận có khi ghi sai vẫn đến. Các nhà văn cũng gửi tặng. Thận chí có cả những người dọn nhà đem tặng sách. Tôi từng gặp trường hợp cặp vợ chồng trẻ dọn phòng sau cưới cũng đem sách cũ đến tặng.

- Sách cho và sách... dọn nhà có giá trị không thưa anh?

- Cũng đủ loại. Có cả những cuốn còn nguyên si trong bọc, bạn trẻ mua theo “phong trào” tại các hội sách. Khi báo chí chê sách ngôn tình, là có người thải ra đem cho. Nhưng nhiều khi cũng có những cuốn rất giá trị. Ví dụ hôm qua được cuốn Liêu trai chí dị, bản in từ những năm 1951, 1952. Cuốn Thừa tự của Khái Hưng. Sách mới có bộ trong dự án Văn học dân gian Việt Nam cũng rất giá trị.

- Nhưng tôi lại thấy dư luận chê rằng chất lượng của bộ sách đó không tốt. Anh có lo mình đang trữ cả "hàng chất lượng thấp"?

- Đúng là bộ đó có nhiều thiếu sót và những lời chê đều có lý. In ấn cũng ẩu, chất lượng giấy rất kém. Nhưng thực tế là bao giờ có cuốn nào có hệ thống như vậy. Cá nhân tôi đánh giá cao điều đó.

- Quan sát ở thư viện miễn phí của anh, người ta thường chọn đọc sách gì?

- Người lớn tuổi họ tìm đọc những sách hay mà ngày xưa họ đã đọc. Họ cũng có lựa tác phẩm mới, nhưng phải nổi tiếng. Lớp trẻ thích các tác giả trẻ Việt Nam. Sách dịch phải là bạn đọc ngoài 30 tuổi, biết chọn lọc hơn.

- Vì sao bây giờ ngày càng ít người đến đọc ở thư viện anh ?

- Trẻ con bây giờ lớp 1, 2 là đã đi học thêm rồi. Chưa kể có cha mẹ “dốt" còn sợ con đọc sách ảnh hưởng đến học tập. Giờ kinh tế khá hơn, họ có nhiều điều kiện tự mua sách đọc. Tiệm cho thuê sách yếm thế dần. Tôi biết tình trạng này đang xảy ra cả ở Sài Gòn và Hà Nội. Theo tôi, về lâu về dài mô hình thư viện hay cho thuê sách cần phát triển cho những nơi còn nhiều người muốn đọc sách mà chưa có điều kiện tốt.

- Còn riêng anh,“bệnh ghiền đọc” có bị suy giảm do ảnh hưởng nhiều phương tiện truyền thông khác như tất cả mọi người không ?

- Không bao giờ. Tôi vẫn luôn như cũ, đọc cùng lúc 3,4 cuốn mới đã thèm được.

- Anh thử kể tên 3 cuốn đang đọc hiện nay?

- Chúa Sọ, Samurai và Ông già trăm tuổi trèo qua cửa sổ... Đi nước ngoài dù ngắn ngày tôi vẫn phải đem theo nhiều sách để đọc. Ghiền mà! Và còn la cà tìm thêm sách mới nữa. Ở Nga vừa rồi, tôi thấy có những ông bà già bán rong những đồ cũ, như bật lửa, bút thậm chí cả bút máy Trường Sơn của ta thời bao cấp.Và tôi cũng mua được mấy cuốn sách tiếng Việt cũ ở đó. 

Nhưng không phải ở đâu cũng mua được sách đâu. Ví như ở Amsterdam (Hà Lan), tiệm sách rất nhiều nhưng sách lại rất đắt. Cuốn Tấm lòng vàng của Nguyễn Công Hoan giá 86 Euro. Sao mua nổi?

Tôi học theo phong cách thế giới có người đọc xong là họ bỏ lại ở bến tàu xe, sân bay phòng chờ… cho người khác lấy đọc. Ở bờ tường cầu thang một chung cư, tôi thử bỏ lại 2 tập truyện ngắn về chiến tranh biên giới Tây Nam. Và kết quả không chỉ có người mang 2 cuốn kia về đọc mà tôi còn đổi được 2 cuốn tiếng Việt Ruồi trâu và cuốn dạy cách làm thạch.

Người vợ kỳ lạ

- Hỏi  về kinh phí đầu tư cho thư viện, anh nói là “xin vợ”. Mà anh lại còn có thời gian đi được nhiều nước. Chẳng lẽ anh cũng xin tiền vợ đi kiếm sách?

- Ở thành phố lớn, người đến thư viện ít đi nhưng như cầu phát đọc ở các nơi vẫn cao lắm. Nhiều người đang học theo cách của tôi đấy. Họ nhờ hướng dẫn và hỗ trợ cho họ làm ở địa phương. Giờ có tới 12 thư viện tư nhân miễn phí được tôi phối hợp và giúp mở ở Huế, Tây Nguyên, Phú Thọ, Ninh Bình, Quảng Nam…

Nhiều con người vẫn đang say mê việc giúp đời không công. Người còn làm doanh nghiệp nhỏ, người là Đại tá sắp hưu… Có cô giáo ở Phú Thọ chủ nhật, đem theo cơm nắm và đóng 2 thùng sách thồ trên xe đạp vào bản xa cho bà con đọc tại chỗ. Có người nhờ tôi mua sách giùm, người xin sách hỗ trợ. Tôi gửi các bao sách qua bưu điện hoặc tàu hỏa. Phải góp sức nuôi dưỡng giúp đỡ những người có tấm lòng vàng.

Sắp tới tôi sẽ ra Đà Nẵng kiểm tra hoạt động của thư viện kiểu đó. Thế nên đi nhiều. Tất nhiên lại xin tiền vợ.Vừa rồi tôi đi xa, “mất khả năng chi trả “ khoảng 8 triệu.

- Chắc vợ anh là ….đại gia?

- Làm gì có. Cả hai vợ chồng tôi gốc đều trong quân đội. Tôi Thượng úy – lính kỹ thuật nghỉ hưu; cô ấy Thiếu tá, chuyên môn kế toán. Lương hưu 2 vợ chồng và tiền cho thuê căn phòng nhỏ, cô ấy cho chồng hết để hoạt động thư viện miễn phí. Còn cô ấy đi làm thêm lo cho gia đình. Cũng phải tằn tiện mới đủ. Thỉnh thoảng tôi đi xa, sợ không đủ, trước khi tôi ra sân bay. cô ấy lại dúi cho vài triệu dành dụm được.

- Vợ anh… sao thế? Chồng không làm ra tiền, phải xin vợ. Lại “giỏi” tiêu. Rồi chịu cảnh ngôi nhà nhỏ chất đầy sách, người ngoài đến đọc thường xuyên. Chị ấy không phiền sao? Người chồng khác thế là….chết đấy.

- Vâng, nhà nhỏ đầy sách, vẫn “hang hốc”. Vừa rồi phải xin vợ cho phép đưa xuống mấy chục thùng kê làm 3 cái giá, khoảng 3.000 cuốn.

- Phải xin phép, vậy cô ấy khó rồi?

- Chính vì không khó nên càng phải tôn trọng. Cô ấy không bao giờ phàn nàn, rất chịu đựng và tôn trọng việc làm của chồng. Sách nhiều, bụi bặm lắm, phải thường xuyên dọn dẹp, lau chùi và sắp xếp. Gần đây tôi còn phải nhờ thêm cô em ruột mới nghỉ hưu tới dọn dẹp cùng.

Mô hình thư viện miễn phí vì cộng đồng của ông Phạm Thế Cường lan ra các tỉnh trong cả nước.

Làm đám giỗ nhà văn

- Không chỉ cho mượn sách miễn phí, được biết CLB Nguyễn Huy Tưởng của gia đình anh còn thường xuyên tổ chức ngày giỗ các nhà văn?

- Cả đời tôi mê đọc sách mà sách phải có người viết. Tôi muốn biết rõ họ là ai. Cũng chỉ là giữ đạo lý ăn quả nhớ người trồng cây. Tôi chỉ làm lễ kỷ niệm, giỗ hoặc sinh nhật cho những người đã mất. Cố gắng để CLB của chúng tôi tìm hiểu, rồi quảng bá cho người đọc những câu chuyện  qua người thân, gia đình, bạn bè nhà văn. Phải có tư liệu khá đầy đủ mới dám làm.

- CLB đã tổ chức được bao nhiêu buổi kỷ niệm như thế?

- Khoảng vài chục buổi, tôi không nhớ chính xác. Chúng tôi đã tổ chức nhân ngày giỗ các nhà văn Vũ Hoàng Chương, Sơn Nam, Hồ biểu Chánh, Lê văn Trương, Nguyễn huy Tưởng, Ngô Tất Tố, Nam Cao, Phùng Quán, Trần Dần, Nguyễn Hữu Đang, Đoàn Giỏi, Nguyễn đình Thi, Phan Tứ, Xuân Diệu, Chế Lan Viên…Vừa rồi là Bùi Ngọc Tấn, sắp tới là Nguyễn Khải.

-  Người tới tham dự với CLB có đông không thưa anh?

- Đâu không phải lễ hội gì vui chơi nên mọi người không đến ào ào. Nhưng chúng tôi cũng có nhóm người quan tâm riêng. Họ là những người ham hiểu biết và có ý thức về giá trị của sự hiểu biết. Ngoài thành viên CLB, có các bạn đọc, các nhà văn, bè bạn và gia đình nhà văn. Họ sẽ tiếp xúc các tư liệu, các bài nghiên cứu đánh giá, các câu chuyện sưu tầm được…

Có nhiều mối liên kết cảm động nảy sinh từ những cuộc tổ chức này. Ví dụ, nhân 55 năm ngày mất của Nguyễn Huy Tưởng, CLB và Hội nhà văn, cùng kết hợp với trường Đại học Sư phạm 1 và 2, với quê hương nhà văn, làm lễ ở ngay UBND xã Dục Tú do huyện Đông Anh chủ trì. Có lần trong lễ tổ chức kỷ niệm Phùng Quán, bạn đọc được nói chuyện điện thoại trực tiếp với người con gái ông ấy đang ở bên Lào.

Nhiều hoạt động đã được liên kết có ý nghĩa, vượt ra khỏi tầm nhỏ bé của 1 CLB tư nhân miễn phí từ Sài Gòn.

- Mỗi lần tổ chức như vậy, CLB của anh còn ra một cuốn kỷ yếu nhỏ về  nhà văn. Ấn phẩm Người yêu sách tập trung nhiều bài viết và tư liệu được xây dựng khá công phu. Anh đã làm thế nào để “nuôi” nó có sức sống, có người đọc và tham gia viết?

- Vâng, viết bài “không nhuận bút” nhưng các nhà văn, nhà nghiên cứu, bạn bè khi được mời đều sẵn sang, nhiều bài viết công phu và hay lắm. Tất cả chỉ là tấm lòng, sự nhiệt tâm với văn hóa đọc thôi chứ tôi cũng không làm được gì to tát.

- Quá trình tìm tòi như vậy, anh có bao giờ tìm được những tài liệu quý hiếm hoặc phát hiện mới về các nhà văn không?

- Cũng có khi may mắn tìm được tư liệu quý. Ví dụ bản thảo 12 bài thơ của Vũ Hoàng Chương do bà Hoàng Hương Trang – bạn thân của Đinh Hùng và Vũ Hoàng Chương cung cấp. Riêng thủ bút bài thơ cuối cùng của Đinh Hùng, CLB chúng tôi là nơi đầu tiên được công bố.

Nguyễn Thị Ngọc Hải (thực hiện)

Bạn có thể quan tâm