Con đường đất bị chặn bởi thiết bị xây dựng khi các nhà hoạt động đến hòn đảo trên xe tải nhỏ và ôtô con. Những người đàn ông, tuổi khoảng 50, 60 hoặc 70, đành dỡ hàng hóa của họ và bắt đầu kéo những bao tải nặng qua quãng đường gần 1 km.
Hai lần một tháng Jeong Gwang Il và các bạn tình nguyện viên của ông tới cầu cảng đá này để tặng quà cho những người hàng xóm nghèo hơn ở phía bắc bán đảo Triều Tiên.
Nhóm người chờ đợi thủy triều thay đổi. Họ siết chặt tay và cầu nguyện, rồi bắt đầu ném hàng trăm chai nhựa xuống biển.
Mỗi chiếc chai dung tích hai lít chứa đầy một cân gạo trắng chưa nấu và một tờ 1 USD, những thứ mà trung bình người Triều Tiên mất 40 ngày để kiếm được, CNN dẫn lời các nhà hoạt động. Họ hy vọng số gạo này có thể được bổ sung cho 41% dân số đất nước mà Liên Hợp Quốc tin rằng đang bị suy dinh dưỡng.
Bên trong chai còn có thuốc diệt ký sinh trùng và một chiếc USB chứa đầy đủ các thông tin từ thế giới bên ngoài. USB chứa những thông tin bị cấm trong nước, Jeong nói.
Cuối cùng, chai mang một tờ ghi chú với nội dung "Chúa yêu thương bạn".
Các nhà hoạt động kéo bao tải chứa các chai đựng vật phẩm đến nơi thả. Ảnh: CNN. |
Loạt chai nhựa được dòng thủy triều đưa về hướng Triều Tiên. Các nhà hoạt động, dù theo hay không theo tôn giáo, đã lén chuyển thức ăn và thông tin vào Triều Tiên từ nhiều năm qua.
"Điều rất quan trọng phải nhận ra, là theo các báo cáo từ Liên Hợp Quốc, Triều Tiên thực sự là một trong những nơi gặp khủng hoảng lớn, trong đó có vấn đề an ninh lương thực", Tim Peters, một nhà truyền giáo người Mỹ đã sống nhiều năm ở Hàn Quốc nói với CNN.
Theo nhận định của Giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc (WFP) David Beasley, người vừa đến Triều Tiên 4 ngày hồi tuần trước, tình trạng thiếu lương thực hiện tiếp tục là một vấn đề tại Triều Tiên. Tuy nhiên, ông cho biết đã không ghi nhận bất kỳ bằng chứng nào cho thấy tình trạng thiếu đói nghiêm trọng tương tự thập niên 1990.
Hòa bình trên bán đảo
Khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In vào cuối tháng 4, sự kiện lịch sử đã gợi lên nhiều cảm xúc cho người Hàn Quốc. Các nhà hoạt động như Peters và Jeong Gwang Il có cảm xúc đầy mâu thuẫn về mối quan hệ đang được cải thiện giữa Bình Nhưỡng.
Hội nghị thượng đỉnh liên Triều kết thúc với việc ông Moon và ông Kim ký một tuyên bố nhằm giảm căng thẳng giữa hai miền trên bán đảo Triều Tiên, hiện vẫn trong chiến tranh về mặt kỹ thuật.
Văn bản vạch ra hai ví dụ về "hành vi thù địch" mà mỗi bên sẽ chấm dứt để giảm bớt căng thẳng: bỏ loa phát thanh tuyên truyền và ngăn chặn việc phân phát các tờ rơi dọc theo biên giới liên Triều.
Thỏa thuận này không đề cập đến việc gửi các vật phẩm vào Triều Tiên, nhưng vào ngày 4/5, bộ Thống nhất Hàn Quốc đã ban hành một tuyên bố yêu cầu các nhóm dân sự phải dừng hoạt động lại.
Ông Kim và ông Moon trong cuộc gặp lịch sử hồi tháng 4. Ảnh: AFP/Getty. |
Ngày hôm sau, cảnh sát bao vây một nhóm các nhà hoạt động chống Triều Tiên gần khu phi quân sự (DMZ), ngăn chặn họ thả những quả bóng bay mang theo tờ thông tin tuyên truyền qua biên giới.
Video từ điện thoại di động của các nhà hoạt động cho thấy sau đó họ vẫn thả những quả bóng này, vào buổi đêm.
Dừng các hành vi thù địch
Jeong cho biết chính quyền Hàn Quốc gần đây đã liên lạc với mình để yêu cầu ngừng gửi gói vật phẩm đóng chai đến Triều Tiên. Ông kể mình đã từ chối và tiếp tục gửi lô hàng mới về phương Bắc, lần gần nhất vào đầu tuần này.
Mỗi thanh USB Jeong gửi chứa đầy những video, một vài trong số đó là hình ảnh các phụ nữ ở Mỹ đang trình diễn và nói về cách lái xe hoặc trang trí phòng ngủ.
Trong bài phát biểu vào tháng 11/2017 trước quốc hội Hàn Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cáo buộc Triều Tiên vi phạm nhân quyền và có khoảng 100.000 người dân nước này đang là nạn nhân của chính quyền.
Các nhà hoạt động ở Hàn Quốc cùng những chai vật phẩm gần DMZ. Ảnh: CNN. |
Jeong đã gặp mặt ông Trump tại Nhà Trắng hồi tháng 2 để kể cho ông nghe câu chuyện của mình. Nhưng bây giờ, Jeong lo ngại rằng Trump có thể bỏ qua những điều mình đã đề cập trong bài phát biểu hồi tháng 11/2017 nếu điều đó giúp dẫn đến phi hạt nhân hóa Triều Tiên.
Đứng trên cầu cảng, Jeong và các nhà hoạt động khác nhìn những chiếc chai cuối cùng trôi chậm ra khỏi tầm quan sát.
Họ không có bằng chứng cho thấy các gói vật phẩm mình gửi đến được tay người dân Triều Tiên, nhưng nói rằng lính biên phòng Hàn Quốc đã kể với họ là từng thấy binh sĩ và người Triều Tiên vớt những chai chứa đầy gạo dọc theo bờ biển.
"Chúng tôi đang gửi những thứ này đi mà không kèm theo bất kỳ điều kiện nào. Tất cả là vì tình yêu thương", Kim Yong Hwa, một cựu sĩ quan quân đội Triều Tiên cho hay.
Đó là một thông điệp của hy vọng, ông nói. Một thông điệp trong chai.