Gần nửa triệu người biểu tình phản đối đình chỉ chính quyền Catalonia
Chủ nhật, 22/10/2017 17:08 (GMT+7)
17:08 22/10/2017
Hơn 450.000 người Catalonia tham gia tuần hành, giơ cao biểu ngữ đòi "tự do" và "độc lập", phản đối đe dọa của Madrid sẽ giải tán nghị viện và đình chỉ chính quyền Catalonia.
Lá cờ Estelada của xứ tự trị Catalonia tràn ngập thành phố Barcelona trong cuộc biểu tình hôm 21/10. Hơn 450.000 người tham gia tuần hành nhằm phản đối tuyên bố của thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đe dọa đình chỉ chính quyền khu vực Catalonia. Ảnh: Getty.
"Đã đến lúc chúng tôi phải tuyên bố độc lập", Jordi Balta, một nhân viên bán hàng 28 tuổi, nói với AFP. Tức giận và bất mãn là tâm trạng chung của Balta cũng như hàng trăm nghìn người có mặt trên đường phố Barcelona trong cuộc tuần hành. Ảnh: Getty.
Người biểu tình giơ cao biểu ngữ "Chúng tôi muốn tự do cho quê hương mình". Hôm 21/10, người lãnh đạo chính quyền Madrid tuyên bố đã yêu cầu thượng viện Tây Ban Nha cho phép giải tán nghị viện Catalonia, bãi nhiệm các thành viên chính quyền khu vực, và tổ chức bầu cử sớm trong vòng 6 tháng. Ảnh: Getty.
"Tây Ban Nha có phải là nền dân chủ ?", biểu ngữ với hình chiếc còng số 8 châm biếm chính quyền Madrid. Thị trưởng Barcelona Ada Colau, một chính trị gia phản đối Catalonia độc lập, cũng lên tiếng chỉ trích Madrid: "Quyết định đình chỉ chính quyền khu vực Catalonia là một đòn mạnh đánh vào quyền và tự do của người dân". AFP nhận định, bước đi này của Madrid đã khiến ngay cả những người ủng hộ Tây Ban Nha thống nhất cảm thấy phẫn nộ. Ảnh: Getty.
Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont (trái) và Chủ tịch Nghị viện Catalonia Carme Forcadell (giữa) là hai trong số nhiều chính trị gia có mặt trong cuộc biểu tình ngày 21/10. Ông Puigdemont gọi quyết định của Madrid là "phi pháp" và là "đòn công kích tồi tệ nhất kể từ thời kỳ độc tài Franco". Vị thủ hiến đã kêu gọi Nghị viện Catalonia sớm nhóm họp và có biện pháp đáp trả thích đáng. Ảnh: Getty.
Biểu ngữ "tự do cho Jordis" được hàng nghìn người giơ cao trong cuộc biểu tình. Trước đó, tòa án Tây Ban Nha đã bắt tạm giam phục vụ điều tra 2 lãnh đạo các tổ chức xã hội dân sự ủng hộ độc lập là Jordi Sánchez, chủ tịch tổ chức Assemblea Nacional Catalana (ANC), và Jordi Cuixart, lãnh đạo tổ chức Omnium Cultural. Ảnh: Getty.
"EU thật đáng xấu hổ" là một biểu ngữ phổ biến trong cuộc biểu tình ngày 21/10. Nhiều người Catalonia tức giận với EU bởi khối từ chối ủng hộ nguyện vọng độc lập của xứ tự trị này, khác với cách EU ủng hộ Kosovo độc lập năm 2008. Các lãnh đạo EU từng tuyên bố không ủng hộ Catalonia tách khỏi Tây Ban Nha. Các chuyên gia nhận định cơn địa chấn chính trị, nếu xảy ra tại Catalonia, có thể thổi bùng ngọn lửa ly khai đang âm ỉ tại một số nước thành viên khác của EU. Ảnh: Getty.
Cuộc khủng hoảng Catalonia vẫn chưa có lối ra. Thượng viện Tây Ban Nha có 1 tuần để xem xét có cho phép tiến hành các biện pháp như chính phủ Madrid đề nghị hay không. Với việc đảng Nhân dân của Thủ tướng Rajoy chiếm đa số tại thượng viện, nhiều khả năng đề nghị của ông Rajoy sẽ được thượng viện thông qua. Ảnh: Getty.
Các đảng chính trị Tây Ban Nha cho rằng bầu cử sẽ giúp thoát khỏi cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất nhiều thập kỷ qua. Người dân muốn ly khai đang thể hiện sự phản đối bằng mọi cách.
Nhà vua lên tiếng chỉ trích "nỗ lực ly khai không thể chấp nhận" của Catalonia, trong khi chính phủ Tây Ban Nha có những bước đi chưa từng thấy nhằm xóa quyền tự trị của vùng này.
Chính phủ Tây Ban Nha sẽ đình chỉ hoạt động của chính quyền Catalonia, đồng thời kêu gọi bầu cử tại khu vực nhằm ngăn cản nỗ lực ly khai của các lãnh đạo vùng tự trị này.