Ngày 29/6, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk phối hợp tổ chức hội thảo tham vấn các bên liên quan nhằm hoàn thiện đề án đeo vòng cổ có gắn GPS định vị, giám sát voi hoang dã tại tỉnh.
Hiện nay, địa bàn tỉnh Đắk Lắk có khoảng 28 cá thể voi hoang dã với 4 nhóm tập trung từ 4 đến 7 cá thể ở các khu vực thuộc lâm phần Vườn Quốc gia Yok Đôn và Công ty Cao su Phước Hòa (giáp ranh tỉnh Gia Lai). Việc theo dõi sự di chuyển của các đàn voi rất khó khăn và khó đưa ra cảnh báo sớm để hạn chế sự xung đột giữa các đàn voi và người dân địa phương. Do đó, việc đeo vòng cổ có gắn GPS giám sát các đàn voi hoang dã là cần thiết.
Ông Thái Truyền, chuyên gia tư vấn đề án thuộc Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (đơn vị hỗ trợ đề án) cho rằng ở Đắk Lắk, việc gắn vòng cổ định vị GPS voi hoang dã giúp Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và quản lý bảo vệ rừng cùng Vườn Quốc gia Yok Đôn theo dõi vị trí các đàn voi, dự đoán nơi chúng có thể di chuyển đến. Việc này cho phép các lực lượng bảo tồn voi giải quyết tình huống bằng cách sớm triển khai nhân viên đến hiện trường, kịp thời có các hành động cần thiết nhằm giảm thiểu sung đột giữa voi và người.
“Đây cũng là lần đầu tiên việc gắn vòng cổ GPS voi hoang dã được thực hiện tại tỉnh Đắk Đắk nói riêng và ở Việt Nam nói chung. Do đó, sự hỗ trợ của các chuyên gia quốc tế có kinh nghiệm cũng như sự hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam, Tổ chức Động vật châu Á là rất cần thiết”, ông Thái Truyền nhấn mạnh.
Đàn voi hoang dã tại lâm phần Vườn quốc gia Yok Đôn. Ảnh: TTXVN. |
Theo tiến sĩ Cao Thị Lý, giảng viên Đại học Tây Nguyên, quá trình nghiên cứu, thực tiễn khảo sát cho thấy, hiện nay, số lượng cá thể của các đàn voi hoang dã trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có sự suy giảm.
Do đó, việc gắn định vị GPS đối với voi để phục vụ công tác bảo tồn, phát triển voi hoang rã là rất cần thiết. Đây cũng là cách mà một số nước có voi như Ấn Độ, Sri lanka… đã làm để bảo tồn và phát triển quần thể voi hoang dã. Nếu đề án được phê duyệt, thực hiện, Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm và có sự hỗ trợ của các chuyên gia bảo tồn động vật hoang dã của nước ngoài, đặc biệt đối với loài voi. Quá trình thực hiện cần làm tốt công tác tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm cho đội ngũ cán bộ thuộc Trung tâm Bảo tồn voi và Vườn Quốc gia Yok Đôn nhằm từng bước làm chủ các khâu kỹ thuật để quản lý dữ liệu thu thập, tự chủ trong kỹ thuật gắn định vị GPS cho voi trong các giai đoạn tiếp theo.
Ông Lê Quốc Thiện, cán bộ dự án của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam, cho biết voi là động vật có tập tính di chuyển rất rộng, do đó việc sử dụng các thiết bị khoa học kỹ thuật giám sát di chuyển của voi là cần thiết để nắm được tập tính di chuyển, hành lang, địa bàn voi có thể di chuyển đến nhằm phục vụ kế hoạch bảo tồn voi cũng như thiết lập các hệ thống cảnh báo sớm đến cộng đồng phương để giảm thiểu tác động tiêu cực do voi hoang dã gây ra và ngược lại.
“Để hiện thực hóa ý tưởng gắn định vị GPS cho voi hoang giã, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam đã phối hợp với Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và quản lý bảo vệ rừng, Vườn Quốc gia Yok Đôn và các sở, ngành liên quan tiến hành những bước đi thận trọng, từ đánh giá tiền khả thi đến xây dựng đề án và đến nay đã nhận được sự ủng hộ của UBND tỉnh Đắk Lắk để nghiên cứu hoàn thiện đề án.
Đặc biệt, đối với các vấn đề liên quan đến pháp luật hay ảnh hưởng đến việc quản lý biên giới, đề án đã đánh giá, đưa ra giải pháp tìm kiếm nhà cung cấp dịch vụ ở Việt Nam có chức năng nhập khẩu các trang thiết bị kỹ thuật phục vụ đề án nhằm đảm bảo việc kiểm tra, giám sát các trang thiết bị cũng như bảo đảm đúng quy định đối với pháp luật Việt Nam và các cam kết quốc tế”, ông Lê Quốc Thiện cho hay.
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và quản lý bảo vệ rừng Trần Xuân Phước cho biết, sau hội thảo, đơn vị sẽ phối hợp với các bên liên quan hoàn thiện đề án để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nếu đề án được thông qua, dự kiến đến mùa mưa năm 2022-2023 sẽ triển khai gắn vòng cổ GPS cho voi hoang dã tại tỉnh Đắk Lắk.