Theo Trung tâm Ứng phó Khủng hoảng thuộc Bộ Y tế Indonesia, ít nhất 885.026 trường hợp người dân gặp vấn đề về nhiễm trùng đường hô hấp đã được ghi nhận liên quan đến khói bụi cháy rừng.
Hơn 290.000 trường hợp được ghi nhận tại tỉnh Nam Sumatra, hơn 268.000 bệnh nhân tại tỉnh Riau cũng thuộc đảo Sumatra. Tỉnh Tây Kalimantan trên đảo Borneo ghi nhận hơn 163.000 ca bệnh liên quan đến nhiễm trùng đường hô hấp, theo Bangkok Post.
Khói bụi cháy rừng ảnh hưởng đến chất lượng không khí tại Indonesia và nhiều nước lân cận như Malaysia, Singapore, Thái Lan và cả Philippines. Hàng nghìn trường học ở Indonesia và Malaysia buộc phải đóng cửa. Chính phủ Malaysia phải hủy hàng trăm chuyến bay vì tầm nhìn hạn chế.
Biểu tình tại tỉnh Trung Kalimantan, Indonesia, vào ngày 20/9 kêu gọi chính phủ nhanh chóng giải quyết các đám cháy đang phán tán khói bụi quy mô lớn gây ô nhiễm nghiêm trọng. Ảnh: AP. |
Chính phủ Indonesia đã huy động gần 30.000 nhân sự và 50 trực thăng để ứng phó cháy rừng. Hiện tượng này xuất hiện phổ biến tại Indonesia trong giai đoạn cuối tháng 4 đến đầu tháng 10 hàng năm, khi nông dân phát rừng làm rẫy.
Dù tình trạng khói bụi năm nay diễn ra với mức độ đặc biệt nghiêm trọng, giới chức Indonesia vẫn từ chối nhận giúp đỡ từ chính quyền các nước láng giềng.
Truyền thông nước này đã lên tiếng chỉ trích việc chính phủ Tổng thống Joko Widodo kiên quyết tự giải quyết nạn cháy rừng và khói bụi đang ảnh hưởng toàn khu vực.
"Tự duy lạc quan rằng chúng ta có thể tự giải quyết các đám cháy rừng không khiến sức khỏe con trẻ khá hơn, trong khi chúng đang phải chịu đựng nhiều tác động hơn người lớn từ tình trạng ô nhiễm. Chúng ta cần mọi sự giúp đỡ vào lúc này", Jakarta Post bình luận ngày 21/9.