Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trong cuộc họp báo chiều ngày 8/11 xoay quanh các vấn đề về đợt điều chỉnh tăng giá cước 3G. Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết, trong số hơn 91 triệu thuê bao điện thoại di động phát sinh cước trong tháng 9/2013, chỉ có gần 19 triệu thuê bao sử dụng dịch vụ 3G (không tính khách hàng lớn, khách hàng đặc biệt không chịu sự điều chỉnh giá cước đợt này).
Trong đó, sau khi điều chỉnh giá cước, khoảng 2,72% số thuê bao được điều chỉnh giảm giá cước, 9,38% số thuê bao giữ nguyên và chỉ có 8,66% số thuê bao bị tăng giá.
Việc điều chỉnh giá 3G lần này xét tới các yếu tố phụ thuộc như mức chênh lệch giá cước hiện hành và giá thành, nhu cầu cung cầu, giá cả khu vực và thế giới, đồng thời được điều chỉnh có lộ trình. Thứ trưởng Thắng dẫn giải, trong đợt tăng giá này, mức độ điều chỉnh trung bình về giá cước đối với các gói cước tăng là 15%, đối với các gói cước giảm là 4,9% và nếu tính cả phần tăng do thay đổi phương thức tính cước sang 50Mb+50Mb (thay vì 10Mb+10Mb trước đây) thì tổng mức điều chỉnh trung bình tăng khoảng 20%.
Quan điểm của Bộ cho rằng mức ảnh hưởng 8,66% đó vẫn là mức phù hợp, nhất là việc điều chỉnh này lại không nhiều, nếu tính theo con số tuyệt đối thì chỉ thêm 11 đồng/mb.
"Đã nói tăng cước thì chắc chắn phải có ảnh hưởng. Nhưng nếu so sánh con số khách hàng bị ảnh hưởng chỉ chiếm 8,66% so với 92% không chịu ảnh hưởng thì nhỏ hơn rất nhiều dù cho tất cả 8,66% này phải tăng giá 20%, 40% hay thậm chí cao hơn", ông Thắng khẳng định.
Vị này cho biết, khác với các ngành khác, hiện doanh nghiệp viễn thông đang phải tự bỏ tiền vào quỹ viễn thông công ích để mở rộng mạng lưới cho vùng sâu, vùng xa, biến giới, hải đảo chứ không được hỗ trợ ngân sách nhà nước. Nhà mạng buộc phải tính toán dùng doanh thu của nhóm khách hàng có thu nhập cao để bù đắp cho hàng triệu người dân vùng sâu, vùng xa.
Điều chỉnh gói cước 3G chỉ gây tác động đến nhóm khách hàng dùng các thiết bị như laptop, smartphone... dẫu sao cũng là những người có thu nhập khá trong xã hội so với hàng triệu người dùng nông thôn chỉ sử dụng nghe gọi hay nhắn tin, và mức điều tiết cũng là không quá nhiều.
Ngoài ra, phần đầu tư cho 3G cũng bù đắp một phần cho 2G khi lưu lượng 2G tăng cao gây nghẽn và tràn sang mạng 3G. Nhưng phần đó so với chi phí đầu tưu cho mạng 3G là rất không đáng kể.
"Trong 20 năm, chúng ta đầu tư được 100.000 trạm phát sóng, nhưng chỉ tính trong 4 năm qua, chúng ta đã có tới 44.000 trạm phát sóng 3G, trong khi số tiền đầu tư cho mạng 3G bằng tổng đầu tư 20 năm trước đó cho hệ thống viễn thông. Đó là một mức đầu tư khổng lồ trong khi doanh thu lũy kế từ khi khai thác đến nay lại chưa bù đắp được bao nhiêu. Ngoài ra, khai thác 3G là một ngành dịch vụ hoàn toàn khác so với các dịch vụ viễn thông khác do Internet là một mạng toàn cầu, doanh nghiệp Việt Nam phải thanh toán cho đối tác nước ngoài cho một kết nối nhiều gấp 2 lần so với kết nối điện thoại trước đây", Thứ trưởng chia sẻ.