Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Gần 70 triệu cử tri bỏ phiếu bầu cử

Sáng 22/5, hàng triệu cử tri trên cả nước đã bỏ phiếu bầu ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp. Nhiều cử tri trẻ lần đầu tiên được thực hiện quyền công dân của mình.

Tại điểm bầu cử số 58 Nguyễn Du, sau khi thực hiện quyền công dân của mình, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ: "Đây là lần thứ 14 chúng ta tổ chức tổng tuyển cử nhưng là cuộc bầu cử quy mô nhất. Tôi mong muốn bà con hôm nay sẽ đi bầu cử một cách đông đủ, chọn đúng người xứng đáng nhất trong số những người mình thấy xứng đáng”.

“Cử tri đừng thờ ơ, bầu qua loa cho xong chuyện”

Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đi thực hiện quyền công dân tại các điểm bầu cử tại Hà Nội. Trong khi đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thực hiện nghĩa vụ bầu cử tại Hải Phòng.

bau cu dai bieu Quoc hoi anh 1

Chủ tịch nước Trần Đại Quang bỏ phiếu ở quận Thanh Xuân (Hà Nội). Ảnh: 

H.Thu.

Tham dự bỏ phiếu ở điểm bầu cử phường Láng Hạ (Đống Đa, Hà Nội), Bí thư Hoàng Trung Hải chia sẻ, chất lượng hoạt động của Quốc hội, HĐND nằm chính trong tay mỗi cử tri. Nếu chúng ta thờ ơ, bầu qua loa đại khái cho xong chuyện thì những hoạt động của các cơ quan dân cử cũng sẽ khó đảm bảo chất lượng.

"Vì vậy tôi mong rằng mỗi cử tri đi bầu sẽ phát huy trách nhiệm và trí tuệ của mình trong từng lá phiếu. Để sau này, khi chứng kiến hoạt động của các cơ quan Lập pháp chúng ta có quyền tự hào về quyết định của mình hôm nay", ông Hải nói.

Không khí bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND ở Hà Nội, TP HCM

Sáng 22/5, thời tiết Hà Nội dịu mát, TP HCM dễ chịu, đông đảo người dân có mặt từ sớm tại các điểm bỏ phiếu để bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

Bí thư Thành uỷ TP HCM Đinh La Thăng là người đầu tiên bỏ phiếu tại cụm bầu cử UBND phường 7, quận 3, TP HCM. Trò chuyện với một gia đình cử tri ba thế hệ, Bí thư Thành uỷ chúc cháu bé nhanh lớn để thực hiện quyền bầu cử bầu cử của mình. Ông Thăng cũng gửi gắm: "Mong cử tri hãy lựa chọn thật kỹ, đúng đại biểu mình tin tưởng để bỏ phiếu". 

Cũng sáng sớm 22/5, trong tiết trời dịu mát sau cơn mưa đêm, hơn 5 triệu cử tri TP HCM đã đến hơn 3.000 khu vực bỏ phiếu để bầu chọn cho mình những đại biểu ưu tú nhất. Nhiều nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ; lãnh đạo Trung ương cũng đã đến các điêm bỏ phiếu từ rất sớm như nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Chủ tịch nước Trương Tân Sang, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí...

Những hòm phiếu đặc biệt

Tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), hòm phiếu được các cán bộ phường Phương Mai, quận Đống Đa, mang đến tận giường cho các cử tri bị bệnh nặng không thể di chuyển được. Trên giường bệnh, cụ Nguyễn Thị Nga (79 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ sự xúc động khi tự tay bỏ lá phiếu của mình.

bau cu dai bieu Quoc hoi anh 2

Cụ Nguyễn Thị Nga (79 tuổi, ở Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, rất vui mừng khi được tự tay bỏ lá phiếu của mình mặc dù đang bệnh nặng. Ảnh: 

Hoàng Việt.

Trong bộ đồ bệnh nhân, Lê Xuân Khôi (18 tuổi, quê tại Đông Hưng, Thái Bình) lần đầu tiên thực hiện quyền bỏ phiếu của mình tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương (quận Cầu Giấy). Cẩn thận điền từng lá phiếu, Khôi hi vọng những đại biểu Quốc hội và HĐND được bầu sẽ có nhiều chính sách quan tâm hơn đến các chế độ dành cho người bệnh.

Theo Điều 71 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, việc bỏ phiếu bắt đầu từ 7h đến 21h cùng ngày.

Tùy tình hình địa phương, tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu việc bỏ phiếu sớm hơn nhưng không được trước 5h sáng hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không được quá 21h cùng ngày.

Tại các tỉnh miền Tây như Trà Vinh, Cần Thơ cử tri đội mưa đến sớm kịp giờ dự lễ khai mạc và tham gia bỏ phiếu cử tri. Có mặt tại điểm bầu cử số 3 (phường 8, TP Trà Vinh), cử tri Tô Thị Đa Ni, 32 tuổi, vui vẻ nói, trước khi bỏ phiếu đã tìm hiểu rất kỹ về các ứng cử viên. “Đêm qua tôi không ngủ được chỉ mong trời mau sáng để đi bỏ phiếu”, chị Đa Ni nói.

Ở các trường đại học trên cả nước, hàng vạn sinh viên đã tham gia bầu cử. Nhiều cử tri là sinh viên có mặt từ rất sớm, trao đổi sôi nổi trước giờ bỏ phiếu...

bau cu dai bieu Quoc hoi anh 3

Tại trại tạm giam số 1 - Công an Hà Nội thuộc khu vực bỏ phiếu số 7 phường Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm), hơn 3.400 cử tri tiến hành bỏ phiếu bầu cử. Ảnh: 

Bá Chiêm.

Một ngày trước, 100% cử tri ở đảo Hòn Khoai và Hòn Chuối ở Cà Mau đã bỏ phiếu xong. Công an và bộ đội ở Sóc Trăng cũng bỏ phiếu trước một ngày để hôm nay cán bộ, chiến sĩ tham gia công tác bảo vệ bầu cử.

Trước đó, ngày 15/5 (trước 7 ngày so với ngày bầu cử toàn quốc) hàng nghìn cử tri là quân, dân huyện đảo Trường Sa đã tập trung tại 21 khu vực bỏ phiếu tại 3 đơn vị bầu cử là thị trấn Trường Sa, xã Song Tử Tây và xã Sinh Tồn (huyện Trường Sa) để tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp.

Bỏ phiếu trong trại tạm giam

3.400 cử tri đã đi bỏ phiếu tại trại tạm giam số 1 (Công an Hà Nội). Ngoài một số can phạm được bầu cử tại thùng phiếu chính, các can phạm còn lại bỏ phiếu tại thùng phiếu phụ đặt trong khu tạm giữ.

Tại Nghệ An, 727 cử tri đang bị tạm giữ, tạm giam đã tham gia thực hiện quyền công dân tại tổ bầu cử số 5, điểm bầu cử xã Nghi Kim (TP Vinh, Nghệ An).

Đại tá Trần Sỹ Phàng, Giám thị trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An cho biết, đây là lần đầu tiên đơn vị có một tổ bầu cử độc lập để các cử tri là những người bị tạm giữ, tạm giam thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình.

Ngoài số cử tri bầu cử tại điểm tập trung, những cử tri còn lại được cán bộ lập ba hòm phiếu lưu động, cử cán bộ mang tới 30 phòng giam của trại. Việc bỏ phiếu tại trại tạm giam trên địa bàn hoàn thành vào trưa cùng ngày.

Ban bầu cử Công an tỉnh Nghệ An cũng đã quyết định đưa 1 hòm phiếu di động tới Trại tạm giam Công an tỉnh để 50 cán bộ phục vụ tổ bầu cử số 5 thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình.




Zing.vn

Bạn có thể quan tâm