Báo cáo của Hội đồng Vàng thế giới (WGC) cho biết, lượng vàng nhập về Việt Nam năm 2014 trị giá khoảng 2,8 tỷ USD, giảm 36% so với con số 4,39 tỷ USD của năm 2013. Trị giá nhập khẩu vàng giảm một phần do thế giới đã mất giá khá mạnh trong năm ngoái. Riêng quý IV/2014, nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu vàng vào Việt Nam ở mức 15,6 tấn, trong đó có 2,3 tấn vàng nữ trang và 13,3 tấn vàng đầu tư.
Chỉ là dự báo về nhu cầu
Nếu con số do WGC công bố là chính xác, thì số lượng vàng nhập về Việt Nam trong năm 2014 dù giảm mạnh so với những năm trước nhưng vẫn ở mức cao, trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước không tổ chức phiên đấu thầu vàng nào để cung ứng ra thị trường. Năm qua cũng là năm không sản xuất vàng nguyên liệu thành vàng miếng và chưa doanh nghiệp (DN) nào được cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu. Vậy gần 70 tấn vàng về Việt Nam đi đâu?
Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động, một lãnh đạo cấp vụ của Ngân hàng Nhà nước nói rằng, con số mà WGC đưa ra chỉ là dự báo về nhu cầu bởi hơn 1 năm nay, Ngân hàng Nhà nước không tổ chức đấu thầu vàng, chưa cấp phép cho DN nào được nhập khẩu vàng nguyên liệu để làm vàng nữ trang.
Về ý kiến vàng “chảy” vào Việt Nam theo cửa buôn lậu, vị lãnh đạo này cho rằng rất khó, bởi mức chênh lệch khoảng 5 triệu đồng/lượng là vàng miếng SJC so với vàng thế giới. Còn giá vàng nguyên liệu trong nước hiện chỉ cao hơn giá thế giới khoảng 100.000-200.000 đồng/lượng, chưa kể rủi ro nếu phát hiện sẽ bị tịch thu, xử phạt “nên không ai dại buôn lậu vàng” thời điểm này.
Nhu cầu tiêu thụ vàng ở Việt Nam vẫn rất lớn. |
Trong khi đó, báo cáo của WGC lý giải rất rõ: “Nhu cầu tiêu thụ (vàng) là tổng lượng vàng nữ trang và vàng thỏi tiêu thụ trong một nước, hay nói cách khác đó là tổng lượng vàng các cá nhân mua trực tiếp”.
Ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn TP HCM (SJA), cho rằng con số thống kê của WGC có thể tin tưởng được. Bởi những năm trước, khi NH Nhà nước chưa độc quyền việc sản xuất vàng miếng và xuất nhập khẩu vàng, mỗi năm nhu cầu nhập vàng của các DN cũng vào khoảng 50-70 tấn. “Ngay các DN vàng lớn như PNJ, SJC, Doji... cũng phải tự cân đối cung cầu và tìm nguồn vàng nguyên liệu để sản xuất vàng nữ trang. SJA và các DN đã kiến nghị nhiều lần nhưng vẫn chưa ai được cấp phép nhập vàng nguyên liệu”, ông Dưng nói.
Chênh lệch giá dễ “kích” vàng lậu
Đại diện một số DN vàng thừa nhận, trong các nguồn vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, có vàng trôi nổi trên thị trường nhưng không ước lượng chính xác bao nhiêu phần trăm. Thời điểm nhu cầu mua vàng của người dân tăng mạnh trong ngày Thần Tài (mùng 10 tháng giêng), chênh lệch giá vàng nguyên liệu trong nước và thế giới lên khoảng 400.000 đồng/lượng, nên buôn lậu vàng thời điểm này sẽ có lời.
Theo chuyên gia tài chính - TS Nguyễn Trí Hiếu, dù Ngân hàng Nhà nước không gia công vàng miếng, đấu thấu vàng, nhưng thực tế nhu cầu vàng trong dân vẫn rất lớn. Số liệu của WGC về mức tiêu thụ vàng ở Việt Nam có thể đáng tin, bởi họ lấy thông tin từ nguồn (từ phía cung) hoặc từ các thành viên trong hội...
Vậy lượng vàng này đi đâu? TS Nguyễn Trí Hiếu đặt câu hỏi rồi ông phân tích: Vàng ở trong nước có nhiều dạng, từ vàng nguyên liệu, vàng nữ trang và cả vàng miếng. Rất khó để trả lời chính xác lượng vàng này chảy vào đâu. Dù vàng miếng hiện nay chỉ còn SJC và do Ngân hàng Nhà nước cung ứng, nhưng thị trường vàng ở Việt Nam đã tồn tại hàng chục năm nay, “ăn sâu” vào người dân và rất phức tạp chứ không chỉ bề nổi.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước lý giải, việc để chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ở mức cao là nhằm giảm đầu cơ cũng có lý, nhưng thực tế khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới ở mức cao (khoảng 5 triệu đồng/lượng - PV) sẽ kích thích nhu cầu mua vàng và vàng lậu tuồn về nước.
“Dù vàng nguyên liệu trong nước chỉ cao hơn vài trăm ngàn đồng/lượng so với thế giới, người buôn vàng lậu vẫn có lãi nếu trót lọt. Vàng là thứ rất khó phát hiện, khó kiểm soát và biên giới Việt Nam trải dài giáp ranh với Lào, Campuchia, nên việc chống buôn lậu vàng không dễ”, TS Hiếu lập luận.
Và trên thực tế, những ngày đầu tháng 3, giá USD trên thị trường tự do đã nhảy vọt, có thời điểm vượt 21.800 đồng/USD, kéo giá USD trong các ngân hàng thương mại “nhảy múa” theo. Đến hôm 23/3, giá USD tiếp tục đứng ở mức 21.490 đồng/USD mua vào, 21.560 đồng/USD bán ra, tăng khoảng 40 đồng/USD so với phiên cuối tuần. Nhiều chuyên gia và lãnh đạo ngân hàng thương mại cho rằng, một yếu tố kích giá USD tăng cao là do giới đầu cơ gom USD để nhập lậu vàng, khi khoảng cách chênh lệch với thế giới giãn rộng.
Giá vàng tiếp tục giảm
Phiên giao dịch ngày 23/3, giá vàng miếng SJC được các DN niêm yết mua vào 35,26 triệu đồng/lượng, bán ra 35,36 triệu đồng/lượng, giảm nhẹ so với phiên cuối tuần. Từ đầu năm đến nay, giá vàng chỉ tăng khoảng 200.000 đồng/lượng. Các chuyên gia cho rằng, giá vàng thế giới trong năm nay sẽ tiếp tục xu hướng giảm nhưng khó rút ngắn khoảng cách chênh lệch với giá trong nước.