Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Gần 600 người sang Trung Quốc học về đường sắt

37 người đầu tiên sang Trung Quốc học lái tàu vào cuối tháng 9 và hơn 500 người nữa lần lượt đi học về vận hành, quản lý tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, quyền Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), thông tin như trên tại cuộc họp báo thường kỳ Thành ủy Hà Nội chiều 9/9.

Hoàn thành cuối năm 2015

Theo ông Hùng, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được đầu tư từ nguồn vốn vay của chính phủ Trung Quốc và nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam với tổng mức đầu tư gần 8.770 tỷ đồng (tương đương 552,86 triệu USD).

Dự án có chiều dài 13,05 km đường sắt trên cao với 12 nhà ga; đường sắt đôi, khổ 1,435 m với tốc độ chạy tàu tối đa 80 km/giờ. Thời gian chạy từ Cát Linh đến Hà Đông và ngược lại sẽ mất gần 24 phút; lưu lượng vận chuyển tối đa 57.000 người/giờ, tương đương 1,02 triệu người/ngày. Nhà thầu được chỉ định là Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc.

Ông Hùng cho biết lẽ ra dự án đã hoàn thành vào cuối năm 2013 nhưng do Bộ GTVT điều chỉnh tổng mức đầu tư (tăng thêm 339,06 triệu USD) cũng như gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng nên đến cuối năm 2015, tuyến đường sắt trên cao đầu tiên ở Hà Nội mới được đưa vào khai thác.

Công trình đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông dự kiến hoàn thành cuối năm 2015Ảnh: ĐỖ DU
Công trình đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông dự kiến hoàn thành cuối năm 2015. Ảnh: Đỗ Du

Theo ông Hùng, trên công trường xây dựng tuyến đường sắt chỉ có quản lý người Trung Quốc, toàn bộ lao động và nhà thầu phụ là của Việt Nam. Cuối tháng 9/2014, 37 người đầu tiên sẽ sang Trung Quốc học lái tàu; hơn 500 người nữa sẽ lần lượt đi học về vận hành, quản lý tuyến đường sắt đô thị này, chi phí đào tạo nằm trong kinh phí của dự án.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc có liên kết trong đào tạo nhân lực để vận hành các tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội trong tương lai hay dự án nào chỉ biết dự án đó, ông Hùng giải thích: “Đáng lẽ Hà Nội phải thành lập một doanh nghiệp đào tạo nhân lực quản lý, vận hành, khai thác các tuyến đường sắt trong tương lai. Tuy nhiên, tuyến đường này hoàn thành trước và khi chưa có công ty thì trước mắt cứ đi đào tạo. Người được đào tạo nhiều nhất lên tới 315 ngày để lái tàu”.

Tăng 30% đơn giá chế tạo tàu

Ông Hùng cho biết hiện tổng thầu đã trình kết quả lựa chọn nhà thầu chế tạo đoàn tàu và hồ sơ dự thầu của các nhà thầu chế tạo đoàn tàu. Tuy nhiên, giá thành chế tạo đoàn tàu cao hơn 30% so với giá trong hợp đồng xây lắp EPC. Vì thế, Ban Quản lý dự án đường sắt đang yêu cầu tư vấn giám sát - Công ty TNHH Giám sát xây dựng Viện Nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh (Trung Quốc) - xem xét hồ sơ do tổng thầu nộp để báo cáo kết quả lựa chọn nhà thầu lên ban và Bộ GTVT.

Ông Hùng khẳng định khoản tăng 30% nêu trên nằm trong tổng mức đầu tư đã điều chỉnh và được chấp thuận. Dự kiến, quý IV/2014 sẽ bắt đầu triển khai công tác chế tạo các đoàn tàu.

Về việc tổng mức đầu tư bị đội giá lên tới trên 339 triệu USD, ông Hùng cho rằng do rất nhiều nguyên nhân, từ thay đổi tỷ giá ngoại tệ, chi phí trả lương tăng cao đến khó khăn trong giải phóng mặt bằng…

http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/600-nguoi-sang-trung-quoc-hoc-ve-duong-sat-20140909213207808.htm

Theo Thế Kha/Người Lao động

Bạn có thể quan tâm