Theo Bộ Tài chính, trong quý I, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành đạt 24.708 tỷ đồng. Riêng khối lượng phát hành kể từ ngày 6/3 khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực là 23.825 tỷ đồng, tương đương 96% tổng khối lượng.
Lãi suất, kỳ hạn phát hành bình quân của các doanh nghiệp lần lượt là 7,75%/năm và 2,37 năm. Về cơ cấu, 98,2% khối lượng phát hành thuộc lĩnh vực bất động sản, 99,99% khách hàng là nhà đầu tư tổ chức, trong đó các ngân hàng chiếm 77%.
Cũng trong quý I, có 69 doanh nghiệp phát hành chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu doanh nghiệp với tổng giá trị chậm thanh toán khoảng 19.200 tỷ đồng. Có 23 tổ chức phát hành có phương án đàm phán với nhà đầu tư và báo cáo cho Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) với khối lượng khoảng 9.600 tỷ đồng (chiếm 50% khối lượng chậm thanh toán).
Tổng khối lượng huy động trái phiếu Chính phủ đạt 104.873 tỷ đồng, đạt 26,2% kế hoạch năm (400.000 tỷ đồng) và 97,1% kế hoạch quý (108.000 tỷ đồng).
Bộ Tài chính cho biết do tác động của tình hình thị trường, từ ngày 10/3, mặt bằng lãi suất giao dịch trái phiếu Chính phủ có xu hướng giảm và nhu cầu mua tăng cao trở lại (tỷ lệ khối lượng dự thầu/khối lượng gọi thầu bình quân tháng 3 đạt 3,39 lần, tỷ lệ này trong tháng 2 là 2,99 lần).
Trong báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp mới công bố hồi đầu tháng 4 của FiinRatings, các chuyên gia tại đây cho rằng trước tình trạng cầu yếu như hiện nay, doanh nghiệp sẽ tiếp tục gặp khó khăn khi phát hành trái phiếu. Đồng thời, thị trường cũng chờ đợi những thay đổi hỗ trợ từ phía chính quyền như Nghị định 08 và chính sách cụ thể về giải ngân hạn mức tín dụng cho năm 2023.
Về diễn biến trong năm nay và năm tới, FiinRatings cho rằng vấn đề cần quan tâm nhất là 396.000 tỷ đồng đến từ 302 doanh nghiệp bất động sản trong tổng giá trị trái phiếu lưu hành gần 789.000 tỷ đồng của 757 doanh nghiệp phi ngân hàng.
Theo đơn vị này, tỷ lệ nợ xấu trái phiếu sẽ tiếp tục đà tăng trong thời gian tới trước khi những thay đổi chính sách có hiệu quả trực tiếp và trước khi môi trường kinh doanh được dần cải thiện rõ rệt.
Tuy nhiên, động thái hỗ trợ vừa qua như giảm lãi suất cho vay, Nghị quyết 33 và Nghị định 08 ra đời được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết áp lực nghĩa vụ nợ qua hoạt động tái cấu trúc nợ, phát hành trái phiếu mới để tái tài trợ nợ cũ hoặc cấp tín dụng mới cho các dự án sạch về pháp lý được triển khai một cách hiệu quả.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...