Chiều 17/12, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết bão Rai đã vượt qua phía bắc đảo Palawan (Philippines), trở thành cơn bão số 9 trong năm nay hoạt động trên Biển Đông.
Sau hai ngày quần thảo trên Biển Đông, chiều 19/12, tâm bão nằm ngay trên vùng biển ngoài khơi Bình Định - Khánh Hòa với cường độ gió duy trì ở cấp 12, giật cấp 15. Bão sau đó sẽ đi thẳng theo hướng bắc, vận tốc di chuyển giảm còn 15 km/h và dần suy yếu.
Dự báo đường đi của bão Rai trên Biển Đông trong những ngày tới. Ảnh: NCHMF. |
Miền Trung mưa lớn do bão
Chiều cùng ngày, Phó thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành và địa phương về công tác chuẩn bị ứng phó với bão Rai. Cuộc họp diễn ra ở thời điểm bão đang quét qua đảo Palawan và chuẩn bị vào Biển Đông với sức gió mạnh cấp 13-14, giật cấp 16.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết theo đánh giá của cơ quan khí tượng, bão Rai duy trì sức gió rất mạnh khi di chuyển trên Biển Đông. Đây là cơn bão cuối mùa nhưng mạnh nhất từ đầu năm, trái với quy luật.
Dự báo, sáng 19/12, bão cách đất liền Bình Định - Khánh Hòa khoảng 280 km, sức gió mạnh cấp 12-13, giật cấp 16. Lúc này, với bán kính gió mạnh cấp 6 khoảng 300 km, vùng ven biển có thể bắt đầu cảm nhận được gió, mưa tăng dần.
Bão sau đó có thể đổi hướng và di chuyển theo hướng bắc, đi dọc vùng biển Khánh Hòa - Quảng Trị, cường độ giảm còn cấp 11-12, giật cấp 15.
Dự báo đường đi của bão Rai chuẩn bị vào Biển Đông trong tối 17/12. Ảnh: VNDMS. |
Trước mắt, cơ quan khí tượng đưa ra hai kịch bản tác động của bão tới đất liền nước ta.
Kịch bản 1, bão đi theo dự báo hiện tại với xác suất 80% là sau khi tiến sát đất liền miền Trung, bão đổi hướng đi về phía bắc. Chuyên gia cũng lưu ý bão có thể đi sâu hơn, quét dọc ven biển Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Do đó, các huyện ven biển tại đây có thể chịu tác động trực tiếp của bão.
Từ đêm 18/12 đến hết ngày 19/12, ảnh hưởng của bão khiến khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ xuất hiện mưa lớn với tổng lượng mưa dự báo 150-250 mm. Bão đi nhanh nên mưa cũng sẽ kết thúc sớm.
Kịch bản thứ 2 chỉ có 20% xác suất xảy ra nhưng gây rủi ro lớn nhất là bão đi vượt qua kinh tuyến 110 và đi thẳng vào đất liền các tỉnh, thành phố từ Quảng Trị trở vào đến Quảng Ngãi.
Nếu tình huống này xảy ra, các khu vực trên sẽ có gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 12-13, kèm theo sóng lớn 5-7 m. Nước dâng do bão có thể lên cao 1 m, lượng mưa phổ biến 200-250 mm.
Ảnh hưởng của hoàn lưu phía tây cơn bão kết hợp không khí lạnh nên từ tối và đêm mai (18/12), gió ở khu vực biển Quảng Bình - Phú Yên bắt đầu mạnh lên cấp 8. Ngày 19-20/12, sức gió trên các vùng biển này khả năng lên tới cấp 10-11, trong đó một số điểm đo như đảo Lý Sơn được dự báo sẽ có gió mạnh nhất.
Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường lưu ý khả năng bão đi sát kinh tuyến 110 và đi lên phía bắc cũng chỉ là một kịch bản, thậm chí bão cũng có thể đổ bộ trực tiếp đến đất liền Quảng Trị - Quảng Ngãi rồi sau đó mới đi lên phía bắc.
Do đó, các địa phương miền Trung ngoài phương án ứng phó với gió mạnh trên biển còn cần xây dựng kịch bản ứng phó với khả năng cơn bão mạnh này ảnh hưởng đến đất liền.
Lên phương án sơ tán 238.000 người
Tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài, Phó ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, cho biết tính đến trưa 17/12, các địa phương từ Quảng Bình đến Bình Thuận đã cho di chuyển khỏi khu vực nguy hiểm hoặc neo đậu tại bến với gần 45.000 tàu cùng 240.000 lao động.
Trước diễn biến phức tạp của bão, 5 địa phương đã có lệnh cấm biển là Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Các tỉnh, thành phố còn lại dự kiến cấm trong ngày 17-18/12.
Để ứng phó bão, các địa phương dự kiến kế hoạch sơ tán để đảm bảo an toàn cho hơn 51.000 hộ với trên 238.000 người tại lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản, vùng ven biển. Hiện, các địa phương tiếp tục rà soát cập nhật và sẽ sơ tán theo diễn biến thực tế của bão.
Phó thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp với bộ, ngành và trực tuyến với các địa phương về công tác ứng phó với bão Rai chuẩn bị vào Biển Đông. Ảnh: Ngọc Hà. |
Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Lê Văn Thành cho biết những cơn bão xuất hiện vào cuối mùa thường gây tâm lý chủ quan cho cả chính quyền và người dân. Bài học từ các năm trước cho thấy việc chủ quan có thể phải trả giá đắt, do đó hệ thống chính trị từ Chính phủ, bộ ngành đến địa phương cần vào cuộc để ứng phó.
Nhắc lại việc cách đây 3 tuần, mưa lớn ở miền Trung khiến 19 người chết, lãnh đạo Chính phủ cho biết thiệt hại trên xảy ra do công tác tuyên truyền và chỉ đạo chưa đạt yêu cầu; sự phối hợp giữa các địa phương còn kém và giải pháp ứng phó chưa kỹ càng.
"Cả một năm chống bão chưa thiệt hại nhiều, vậy mà đợt vừa rồi lại gây mất mát lớn về người. Do đó, với cơn bão sắp tới, địa phương cùng bộ, ngành cần quyết tâm để không xảy ra thiệt hại đáng tiếc", Phó thủ tướng nói.
Ông yêu cầu lực lượng, công an, quân đội triển khai đồng bộ, kịp thời lực lượng để sẵn sàng ứng phó, hỗ trợ người dân ngoài bờ và trên biển. Các địa phương phối hợp chặt chẽ với bộ đội biên phòng để kêu gọi tàu thuyền đưa về khu an toàn. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của việc ứng phó với trận bão này.