Cục CSGT (C67, Bộ Công an) cho biết năm 2016, trên các tuyến giao thông đường thủy xảy ra 114 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm 72 người chết, bị thương 16 người.
Nguyên nhân chủ yếu do vi phạm quy định về điều khiển phương tiện, vi phạm quy tắc tránh vượt, đâm va chướng ngại vật... Một số vụ đâm va vào các cầu, công trình vượt sông, gây thiệt hại to lớn về tài sản, ùn tắc giao thông...
Nhằm tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông (ATGT), Cảnh sát đường thủy đã khảo sát đánh giá thực trạng của 5.723 công trình vượt sông; trong đó có 3.607 chiếc cầu, 1.160 công trình ngầm, 21 đập,...
Kết quả kiểm tra, cảnh sát phát hiện 196 vị trí nguy hiểm tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn đâm va giữa phương tiện thủy và công trình vượt sông.
Cũng theo C67, ngoài nguyên nhân trực tiếp từ người điều khiển phương tiện, nhiều yếu tố khác cũng là nguy cơ tiềm ẩn xảy ra TNGT.
Vụ sập cầu Ghềnh do xà lan đâm va vào hồi tháng 3/2016. |
Đó là việc phân cấp các tuyến sông còn chưa hợp lý, dẫn đến phương tiện trọng tải lớn hoạt động trong khu vực cầu vượt sông có khoang thông thuyền nhỏ, độ cao tĩnh không thấp, nên dễ dẫn tới đâm va vào cầu, trụ chống va của cầu. Quy hoạch cầu mới có độ tĩnh không cao, khoang thông thuyền rộng, chênh lệch lớn so với cầu cũ, trong khi biển cảnh báo thiếu, bị che khuất tầm nhìn...
Nhằm hạn chế tai nạn giữa phương tiện thủy và công trình vượt sông, Bộ Công an kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành và Ban ATGT các tỉnh, TP khẩn trương khắc phục những tồn tại, bất cập có nguy cơ cao xảy ra TNGT liên quan đến công trình vượt sông, đồng thời thực hiện các giải pháp cấp bách bảo đảm ATGT đường thủy nội địa.
Bộ GTVT cần ban hành văn bản quy định việc xác định và xử lý vị trí nguy hiểm trên đường thủy nội địa, thống nhất với các Bộ, ngành chức năng về các hình thức, biện pháp tổ chức phòng ngừa, giải quyết khi có vụ tai nạn xảy ra.