Gần 20 cây cầu thấm dột trên cao tốc 34.500 tỷ Đà Nẵng - Quảng Ngãi
Thứ năm, 25/10/2018 07:12 (GMT+7)
07:12 25/10/2018
Gần 20 cây cầu, hầm chui trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi bị thấm dột. Chuyên gia cho rằng cao tốc mới khánh thành và chỉ qua vài cơn mưa mà cầu bị thấm là không bình thường.
Sau hơn một tháng thông xe, dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã liên tục xuất hiện hư hỏng. Chủ đầu tư sửa các "ổ gà" vừa xong thì Zing.vn liên tiếp phát hiện các cây cầu, hầm chui của dự án bị thấm dột. Đến chiều 24/10 có khoảng 18 cây cầu và hầm chui bị thấm dột. Trong hình là cầu VD07.
Cầu VD07 thuộc đoạn tuyến Đà Nẵng - Tam Kỳ được khánh thành hơn một năm.
Người dân địa phương cho biết mỗi khi trời mưa, nước rỉ từ trần cầu xuống đất tạo một vệt nước dưới gầm. Theo quan sát của phóng viên, lúc 15h chiều 24/10 trời không mưa nhưng cầu VD07
vẫn bị dột nước.
Cách cầu VD07 chừng 20 km là cầu PO10, nằm ở vị trí Km 41+235 CT01.
Dưới trần cầu PO10 loang lỗ những vết ẩm mốc, là dấu tích còn sót lại của những lần bị thấm dột. Người dân địa phương nói rằng những hôm trời mưa nhỏ thì cầu này cũng bị thấm nước.
"Cầu OP10 không có rãnh thoát nước ở 2 đầu nên nước bị đọng lại, gây thấm xuống trần và thành cầu", ông Nguyễn Văn Hải (trú Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) nói.
Dạ cầu OP10 vẫn còn nhiều vũng nước nhỏ còn đọng lại. Hai bên thành cầu rêu xanh mọc loang lổ.
Cầu OP9A ở Km 40 + Km 880 đã được đưa vào sử dụng hơn một năm nhưng dưới gầm vẫn còn nham nhở. Người dân cho biết hàng ngày có rất nhiều phương tiện lưu thông qua gầm cầu. "Nếu không may xe trượt bánh xuống hố nước như thế này thì rất nguy hiểm", bà Nguyễn Thị Lan sống ở gần cầu nói.
Trên trần cầu ORB13 ở Km 45 + Km 880
loang lổ những dấu vết ẩm mốc. Nhà thầu thi công lắp sơ sài các ống nhựa thoát nước. "Chúng tôi nhiều lần yêu cầu nhà thầu hoàn thiện công trình nhưng họ không hồi âm", bà Lan nói.
Trần cầu ORP13 vẫn còn lơ lửng những tấm ván. Nước mưa thấm vào nên những tấm ván này đã mốc đen. Nhìn qua bức ảnh này, kỹ sư Mai Công Sơn cho biết đơn vị thi công cầu quá cẩu thả. "Các tấm ván này họ ép khuôn đổ bê tông. Lẽ ra, sau khi bê tông khô thì công nhân phải tháo tấm gỗ này ra rồi chống thấm, tô trát lại", kỹ sư Sơn nói.
Ở một góc khác của cầu ORB13 vẫn còn loang lổ. Trần cầu không được nhà thầu tô trát bằng phẳng như hồ sơ thiết kế.
Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đi qua xã Bình Trung, huyện Bình Sơn, nơi người dân phát hiện nhiều cây cầu, cống xảy ra hiện tượng thấm dột. Thống kê của huyện Bình Sơn, tuyến cao tốc qua địa phương có 30 cây cầu, cống chui dân sinh xuyên qua cao tốc.
Cầu Bàu Sen - VD09A tại Km 107+307 CT.01 (xã Bình Trung, huyện Bình Sơn). Ngày 24/10, hàng chục người dân địa phương phản ánh ngoài cầu VD09B và cống chui dân sinh ở Km 106 + 730, nhiều cầu và hầm chui ở địa phương này cũng xảy ra hiện tượng thấm dột nước mưa.
Sau một tháng đưa vào khai thác, nền đường cao tốc đoạn đi qua khu vực cầu Bàu Sen VD09A bị bong tróc. Các cây cầu, cống chui mới xuất hiện sự cố thấm dột thuộc gói thầu A3 (Km 99+500 - Km 110+100), đoạn tuyến hợp phần Ngân hàng Thế giới hỗ trợ vốn vay. Công ty TNHH Tập đoàn Công trình giao thông tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) làm nhà thầu chính gói thầu này. Đoạn tuyến này có chiều dài 10,6 km, đi qua huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi).
Nước mưa thấm dột chảy từ nền đường xuyên qua bê tông xuống trần cầu Bàu Sen.
Nước thấm dột lan rộng tại các ống nhựa thu nước chưa hoàn thành ở cầu Bàu Sen.
Một tấm ván lơ lửng trên trần cầu. Tấm ván này do công nhân ốp khuôn để đổ bê tông cầu. Khi lớp bê tông khô, lẽ ra các công nhân phải tháo tấm ván gỗ này ra, sau đó tiến hành chống thấm, tô trát lại trần cầu.
Cầu Vườn Gươm - 0RB27 tại Km 104+888 CT.01 (thôn Phước Bình, xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn), nơi người dân mới phát hiện sự hiện tượng thấm dột.
Nước thấm từ nền đường cao tốc xuống trần cầu Vườn Gươm. Bà Hà Thị Anh Thư, Bí thư huyện Bình Sơn, cho biết cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi mới đưa vào khai thác hơn 1 tháng nhưng các cây cầu, cống chui xảy ra hiện tượng thấm dột là khó chấp nhận. "Đơn vị thi công làm ăn cẩu thả, tư vấn giám sát và chủ đầu tư cũng thiếu trách nhiệm, thiếu kiểm tra như vậy là thiếu tôn trọng người dân", bà Thư nói.
Cầu Thọ Tây - ORP28 nằm ở Km 115+999 thuộc địa phận huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Theo quan sát của phóng viên, trần cầu có nhiều vệt nước thấm. Dùng tay sờ vào những chỗ này vẫn còn ướt.
Cống chui cao tốc tại Km 104+552, thôn Phước Bình, xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn ngập trong bùn lầy. Ông Phạm Quy (ngụ xã Bình Nguyên) cho hay mới vài trận mưa đầu mùa mà đất đỏ tràn vào tạo lớp sình lầy dày đặc bên trong cống chui cao tốc này. "Những hôm trời mưa lớn, người dân qua lại nơi đây thường xuyên bị trượt ngã", lão nông phàn nàn.
Cầu có hiện tượng thấm dột trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi:
VD06, VD07 (Km 19+252), OP20A (Km 100+846), CB25 (Km 92+538), CB05 (Km 14+270), ORP13 (Km 45+880), cầu chui dân sinh gần ORP13, cầu Tam Kỳ (Km 68+418), cầu dân sinh ở Km 69+880, OP10 (Km 41+235), OP09A (Km 40+880), ORB27 (Km 104 +888 CT.01), VD09A (Km 107 +307 CT.01), VD09B (Km 107 + 829 CT.01), cầu chui dân sinh ở Km 106+730, Km 106 + 364,28, Km 104 +552, ORB28 (Km 115+999).
Các chuyên gia cho rằng có gần 20 cầu trên cao tốc bị thấm dột là rất nghiêm trọng. Chính phủ cần chỉ đạo cơ quan chức năng Trung ương vào cuộc điều tra, làm rõ nguyên nhân.