Cuối buổi sáng 28/5, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng đã giải trình, làm rõ thêm trước Quốc hội một số vấn đề còn nhiều tranh luận xung quanh dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi.
Tại sao đầu tư công vướng mắc?
Bộ trưởng Dũng tái khẳng định việc ra đời Luật Đầu tư là một bước tiến quan trọng trong việc thu hút, sử dụng hiệu quả đầu tư công. Tuy nhiên, ông thừa nhận trong thực hiện còn nhiều vướng mắc, chủ yếu nằm ở khâu tổ chức thực hiện.
Ông lấy ví dụ việc chuẩn bị các dự án đầu tư công hiện nay chủ yếu do các bộ, ngành, địa phương thực hiện. Việc chuẩn bị chậm khiến triển khai bị ảnh hưởng.
Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Minh Quân. |
“Khâu triển khai hiện nay ở các địa phương có rất nhiều vấn đề, đặc biệt là yếu kém về chất lượng, tùy tiện trong việc điều chỉnh, tùy tiện trong việc quyết định. Có cả vấn đề lợi ích nhóm chi phối, tư duy nhiệm kỳ nên nhiều quyết định đầu tư của chúng ta rất tùy tiện. Bộ luật của chúng ta ra đã chấn chỉnh được điều đó”, Bộ trưởng Dũng phát biểu.
Bộ trưởng Dũng cũng chỉ ra thực trạng nhiều dự án đầu tư công trong quá trình thực hiện phát sinh rất nhiều vấn đề, điển hình như tăng vốn. Tuy nhiên, việc tăng vốn “không thể xử lý” bởi được điều chỉnh trong kế hoạch đầu tư công trung hạn.
“Vốn đã được phân bổ hết, không có nguồn nữa”, ông nói.
Ngoài vấn đề bố trí vốn, Bộ trưởng Dũng chỉ ra nguyên nhân khó khăn xuất phát từ chất lượng lập dự án, trong đó việc tổ chức đấu thầu, giải phóng mặt bằng, chuẩn bị hồ sơ khi triển khai được giao vốn rất chậm.
“Nhiều nơi không thực hiện nghiêm và quyết liệt nên không đủ thủ tục để giao vốn, dẫn đến giải ngân chậm. Hàng năm Chính phủ phải thành lập các đoàn đi giám sát, kiểm tra, đôn đốc, giải quyết khó khăn”, ông nói.
Bộ trưởng nhấn mạnh lần sửa luật này sẽ khắc phục những vấn đề nêu trên.
Đừng làm khó Quốc hội
Sau đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng giải trình thêm một số vấn đề còn nhiều tranh luận ở nghị trường.
Về thẩm quyền quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn, Bộ trưởng Dũng cho biết hoàn toàn đồng ý thuộc về Quốc hội. “Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất quyết định tất cả vấn đề quan trọng của đất nước, trong đó có ngân sách và đầu tư”, ông nói.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh trong thực tiễn, kế hoạch đầu tư công trung hạn chỉ là một khung cho cả 5 năm. Hàng năm, Quốc hội vẫn quyết định, phê duyệt và giao kế hoạch ngân sách cho từng dự án theo ngân sách.
Bộ trưởng KH&ĐT cũng chỉ ra thực trạng gần 10.000 dự án triển khai trong một nhiệm kỳ, thực tế luôn phát sinh thay đổi. Do đó, các địa phương, bộ, ngành phải điều chỉnh dự án liên tục. Tuy nhiên, theo quy định với dự án đầu tư công, cấp nào quyết định là cấp đó điều chỉnh.
Luật Đầu tư công đang có nhiều ý kiến trái chiều ở Quốc hội. Ảnh: Lê Quân. |
Ông lấy ví dụ một dự án do Quốc hội quyết định, nếu có bất kỳ động tác thay đổi nào cũng báo cáo lại.
“Nếu như vậy thì khối lượng rất khổng lồ. Mỗi dự án kéo dài trong 5 năm, chúng ta chỉ cần điều chỉnh 3-4-5 lần thì nhân 10.000 dự án lên rất lớn. Tôi hình dung nếu làm việc này thì rất nặng nề cho Quốc hội. Do đó, chúng tôi muốn việc đó giao cho Chính phủ thực hiện và chịu trách nhiệm”, ông giải trình.
Phân tích kỹ hơn, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh Quốc hội vẫn đảm bảo quyền năng của mình là cơ quan quyết định cao nhất, quyết định tổng mức đầu tư công của 5 năm. Ngoài ra, Quốc hội sẽ quyết định cơ cấu đầu tư, phân bổ theo ngành, địa phương, vùng, miền, thứ tự ưu tiên.
Sau đó, Chính phủ phải điều hành trong khung mà Quốc hội đã quyết. Quốc hội có thể giám sát Chính phủ trong thực hiện.
“Tôi nghĩ nếu giao được như vậy cho Chính phủ điều hành thì linh hoạt hơn, nhẹ hơn cho công việc của Quốc hội. Quốc hội một năm có 2 kỳ, mỗi kỳ một tháng mà có biết bao nội dung, biết bao công việc. Nếu chúng ta chỉ sa đà vào thực hiện một việc thế này thì tôi nghĩ rất là khó cho Quốc hội và tính khả thi yếu đi”, ông nói.
Vấn đề thứ hai mà Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày là thời điểm trình và phê duyệt kế hoạch đầu tư công. Vấn đề này các đại biểu đang tranh luận để Quốc hội khóa cũ hay khóa mới quyết định.
“Đó là vấn đề chúng tôi băn khoăn. Nếu Quốc hội khóa trước chuẩn bị, khóa sau quyết định thì thiết kế thế nào cho năm thứ nhất đó. Vấn đề này chúng tôi đã trao đổi với Ủy ban Tài chính - Ngân sách suốt mấy tuần nhưng chưa tìm ra phương án khả thi. Vấn đề này Quốc hội quyết định thế nào thì chúng tôi sẽ ngồi lại với nhau để thiết kế theo đó”, ông nói.