Báo cáo về tình hình lao động trên địa bàn, Sở LĐTBXH tỉnh Bình Dương cho biết, một số doanh nghiệp ngành gỗ, giày, may mặc, dịch vụ đã có nhu cầu tuyển dụng lượng lớn lao động để đáp ứng đơn hàng mới.
Từ ngày 1 đến 27/8, có 989 lượt doanh nghiệp tìm đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để tuyển dụng tổng cộng 13.379 lao động, tăng 26,4% so với tháng 7.
Đồng thời, nhiều doanh nghiệp cũng điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh nhằm duy trì hoạt động và đảm bảo thu nhập, giữ chân người lao động. Tháng 8 có khoảng 8.000 lao động nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, giảm 30% so với tháng 7 và giảm 50% so với tháng 6.
VSIP là một trong những khu công nghiệp tập trung nhiều lao động nhất tại Bình Dương. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Trên cơ sở này, Sở LĐTBXH tỉnh Bình Dương cho rằng tình trạng ngừng việc, mất việc sẽ tiếp tục được hạn chế trong những tháng còn lại của năm, bởi đây vốn là cao điểm sản xuất phục vụ các dịp lễ, Tết, cần nhiều việc làm ngắn hạn.
Bên cạnh đó, nếu gần 4.000 doanh nghiệp thành lập mới và 89 dự án FDI được cấp phép đầu tư đi vào hoạt động ổn định, dự kiến khoảng 25.000-32.000 việc làm mới sẽ được tạo ra trên địa bàn.
Tuy vậy, cơ quan này cũng khẳng định, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới vẫn có tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trong nước. Do đó, ở kịch bản xấu nhất, các doanh nghiệp dịch vụ, công nghiệp, xây dựng có thể gặp khó khăn.
"Dự kiến có khoảng 45.000-60.000 người lao động sẽ bị ảnh hưởng phải ngừng việc, nghỉ việc", Sở LĐTBXH tỉnh Bình Dương nhận định.
Chính vì vậy, cơ quan này chủ trương nhanh chóng giải quyết trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ tìm kiếm việc làm mới cho những lao động mất việc, đồng thời tiếp tục tổ chức các hoạt động kết nối thông tin, giới thiệu việc làm cho người dân trên địa bàn và các tỉnh lân cận nhằm đảm bảo ổn định đời sống người lao động.
Trong 8 tháng đầu năm, hơn 13.000 lao động ở Bình Dương bị chấm dứt hợp đồng, trong khi hơn 54.000 người phải ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng hoặc nghỉ việc không hưởng lương. Bên cạnh đó, trên 94.000 lao động bị cắt giảm giờ làm việc, ảnh hưởng đến thu nhập.
Liên quan đến trợ cấp mất việc, Sở LĐTBXH tỉnh Bình Dương cho biết, toàn địa bàn có gần 20 doanh nghiệp thực hiện hỗ trợ người lao động thêm 1 tháng lương cho mỗi năm thâm niên. Còn lại, đa số công ty thực hiện theo quy định để cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp.