Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Gần 100 năm trước, tiểu thuyết ba xu giá bằng sáu quả trứng vịt

Giá bán sách thời gian 1945 trở về trước, tùy thuộc vào thể loại sách mà đắt rẻ khác nhau. Lại có sự khác biệt về giá do khoảng cách địa lý liên quan đến phí vận chuyển.

Tùy thể loại sách, tùy độ dày mỏng và khổ sách… mà sách thời gian 1945 về trước được định giá khác nhau. Có cuốn bán chỉ 2, 3 xu, có cuốn bán dăm hào. Thậm chí sách đặc biệt, bán với giá cao hơn nhiều.

Sách bán theo xu, theo hào

Thông tin từ hồi ức Nhớ gì ghi nấy cung cấp một vài chi tiết cụ thể. Theo đó, những cuốn sách được xuất bản từ năm 1915 trở đi, sách thơ thường được in với độ dày 64 trang, có giá bán là 0,25 đồng (2,5 hào), hoặc dao động quanh giá đó, như 0,18 đồng, 0,20 đồng hoặc 0,30 đồng.

“Giá sách tiểu thuyết đến 0,35 đồng đã ít, lên đến 0,5 đồng càng hiếm”, lời Nguyễn Công Hoan. Vẫn tiếp lời, cha đẻ Kép Tư Bền cho hay tiểu thuyết Nửa chừng xuân của Khái Hưng là cuốn đầu tiên bán với giá 7 hào. Sách được in đẹp, độc giả ngợi khen nên bán chạy.

Khảo sát giá sách trên các cuốn sách được in ấn theo thời gian, có những cuốn chỉ có giá 5 xu đến 10 xu, như loại Sách Hoa xuân 28 trang. Sách Hoa xuân số 5 “Gan tráng sĩ” của Hoàng Đạo Thúy, Sách Hoa xuân số 9 “Mối tử thù” của Nguyễn Lam Điền giá 5 xu. Về sau, giá tăng lên 10 xu như Sách Hoa xuân số 25 “Cái tranh” của Lê Vĩnh Tuy giá 8 xu, Sách Hoa xuân số 36 “Một đêm rùng rợn” của Lê Minh giá 10 xu…

gia noi bia 1 anh 1

Phi hùng kiếm số 1 của Phạm Cao Củng với bút danh Văn Tuyền, bán 3 xu mỗi cuốn. Ảnh: Đình Ba.

Dòng Sách Hoa mai thì giá mỗi cuốn là 0,20 đồng. Dòng Sách Lá mạ của Nhà xuất bản Đời Nay ngay trang bìa đã giới thiệu là “Sách giá trị. Bán giá rẻ”. Giá của mỗi cuốn ấn định là 0,25 đồng, đều thấy ở các cuốn Đoạn tuyệt, Gánh hàng hoa, Trống mái, Mai Hương Lê Phong

Giá cao hơn bắt gặp ở những sách khoảng 60 trang trở lên. Có thể lấy vài minh họa để tham khảo. Duyên phù sinh của Vita do Tố Tâm xuất bản năm 1942 dày 58 trang, giá 3,5 hào; Lão Tử của Ngô Tất Tố, Nguyễn Đức Tịnh soạn, Mai Lĩnh xuất bản năm 1942 dày 128 trang bán giá 8 hào…

Giá bán sách trên thị trường so với các mặt hàng như thế nào? Thông tin sau đây của Võ Phiến có thể cho biết chút ít về sự so sánh: “Hồi tiền chiến một cuốn “Sách Hồng” cho trẻ con giá bán 50 xu thì 1 xu mua được 2 cái trứng vịt”.

Có dạo tiểu thuyết ba xu lên ngôi, được in mỏng mỏng từng tập nhỏ. Mà ba xu thì theo nhà văn Vũ Bão, lúc nhỏ cũng là độc giả thường xuyên của món tiểu thuyết ba xu, so sánh rằng, ba xu có thể mua được ba cái bánh tôm, hoặc một đĩa thịt bò khô. Nó cũng như món quà vặt ăn sáng nên với giá đó, học trò có thể mỗi tuần mua một tập truyện kiếm hiệp, truyện trinh thám không lấy làm khó.

Phạm Cao Củng đã viết nhiều tiểu thuyết dạng ba xu kiểu này. Xem Võ hiệp kỳ án 17 tập do Phạm Cao Củng viết với bút danh Văn Tuyền. Tập 1 bán với giá đặc biệt chỉ 1 xu, về sau, mỗi tập được bán với giá 3 xu; Phi hùng kiếm 20 tập mỏng, cũng bán với giá 3 xu mỗi tập. Là sách mỏng, chưa đến 20 trang, lại có nhiều độc giả, nên Phi hùng kiếm in tới 7.000 bản mỗi tập.

Sách đặc biệt thì giá bán cao hơn so với bản thường. Thậm chí, có độc giả đặt tiền trước để mua sách bản đặc biệt trước khi nó được xuất bản. Như cuốn Thơ thơ của Xuân Diệu in năm 1938. Khi thông tin về 128 bản đặc biệt, NXB Đời Nay thông tin đây là loại sách mỹ thuật do họa sĩ Lương Xuân Nhị xếp đặt. “THƠ THƠ in ra 1 loại sách thường gồm có 1.000 bản giấy L.B.N. Voiron, 47 bản Vergé Baroque, và 1 loại sách quí mang chữ ký của tác giả, gồm có: 63 bản Chamois dành riêng cho bạn đặt tiền trước, đánh số từ C1 đến C63…”.

Cũng là sách của Xuân Diệu với tập Gửi hương cho gió do Nhà xuất bản Thời Đại thực hiện năm 1945. Sách in 2.000 bản thường. Đồng thời in thêm các bản đặc biệt trên những chất giấy tốt, thượng hạng khác nhau. Trong đó đối với 50 bản giấy lụa dó đánh số từ 1 đến 50 dành cho những bạn đọc đã đặt trước.

gia noi bia 1 anh 2

Thông tin in bản giới hạn với số lượng, chất liệu giấy của Gửi hương cho gió. Ảnh: Đình Ba.

Giá sách in nơi bìa 1

Là con nhà nghèo tận đất U Minh xa xôi, nhờ có học bổng toàn phần mà lên Cần Thơ học, Sơn Nam ham đọc sách báo, đã cảm nhận về giá sách dạo năm 1942 qua hồi ký Từ U Minh đến Cần Thơ: “Sách từ Hà Nội đưa vào khá nhiều, in trên giấy bản đen đúa, giá khá cao. Mấy đứa bạn yêu sách, nhờ gia đình khá giả đã chịu khó mua”.

Sách được viết, xuất bản và bán cho độc giả nên có giá là sự thường quá rồi. Nhưng cũng có sách được xuất bản, lại chỉ tặng chứ không bán. Các nhà thuốc thường in sách tặng không như thế. Và bên tôn giáo, cũng có nơi in sách để tặng. Sách Tinh thần Phật pháp đối với nhơn loại ngày nay của Trần Mật Tri được in 3.000 cuốn tại Nhà in Đuốc Tuệ ở Hà Nội năm 1937. Ngay bìa 1 in dòng chữ “Phát không khỏi trả tiền”.

Việc đề giá sách, nay ta thấy gần như mặc nhiên là ở bìa 4 của sách. Nhưng thời xưa, việc này tùy ý. Giá sách để trên bìa 1 thấy ở nhiều sách thời gian đầu thế kỷ XX. Tuồng hát cải lương Tống tữu Đơn Hùng Tín của tác giả Lưu Quan Mùi, Nhà in Xưa Nay thực hiện năm 1927, giá sách đề trên bìa là 5 hào.

Về sau, dần dà thấy rằng nhiều sách để giá ở bìa 4 từ nửa cuối những năm 1930 trở đi bên cạnh những sách để giá vẫn ở bìa 1. Xuất bản năm 1942, sách Nhật Bản văn hóa lược khảo của Tô Giang do Tân Đông Á tùng thư xuất bản vẫn để giá 7,5 hào trên bìa 1; Nam học Hán thư của Nông Sơn Nguyễn Can Mộng xuất bản năm 1943 có giá 2,2 đồng được in ở bìa 1. Với giá in ở bìa 4, tác phẩm Một ngày của Tolstoi của Kiều Thanh Quế do Tân Việt xuất bản năm 1942, giá in ở bìa 4 là 5 hào; Luật bóng tròn của Phan Thanh Phỉ in năm 1942, giá sách in nơi bìa 4 là 6 hào…

gia noi bia 1 anh 3

Thủy hử tập 4 thể hiện giá sách bán ở Bắc Kỳ và ngoài xứ Bắc Kỳ có khác nhau. Ảnh: Đình Ba.

Cũng cần lưu ý thêm là, giá bán cùng một cuốn sách, tùy thuộc vào xa gần liên quan đến cước phí vận chuyển, nên ở mỗi kỳ sẽ bán với giá khác nhau chứ không đồng giá. Bộ sách Thủy hử 4 tập do Trần Tuấn Khải dịch, Nhà xuất bản Anh Hoa tại Hà Nội ấn hành năm 1944. Giá bán được in nơi bìa 4 của tập 4 niêm yết rõ bán trong xứ Bắc Kỳ giá 3 đồng, còn ngoài xứ Bắc Kỳ giá cao hơn, cụ thể sẽ là 3,5 đồng.

Quảng cáo bán sách tại nhà in gần 100 năm trước

Ngay đầu thế kỷ XX, các nhà in đã rất linh động, nhanh nhạy tận dụng nhiều hình thức khác nhau để quảng cáo, giới thiệu sách đến với độc giả có nhu cầu.

Ngày 'trùng thập' đáng nhớ của ngành Xuất bản Việt Nam

Từ Sắc lệnh số 122/SL ngày 10/10/1952, ngày 10/10 trở thành ngày truyền thống của ngành Xuất bản, In và Phát hành.

Trần Đình Ba

Bạn có thể quan tâm