Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Gần 10 đồng vốn đầu tư mới thu được 1 đồng tăng trưởng

Đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng doanh nghiệp Nhà nước đang nắm giữ lượng vốn lớn nhưng chưa phát huy vai trò dẫn dắt nền kinh tế.

Tại phiên thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) sáng 28/5, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cho rằng: “DNNN lẽ ra phải đóng vai trò dẫn dắt nền kinh tế, nhưng các chỉ tiêu hiệu quả hoạt động của khu vực này lại đang ở vị trí khóa đuôi”.

Ông Lộc đưa ra hệ số ICOR của khu vực DNNN luôn cao hơn nhiều so với các thành phần kinh tế khác.

doanh nghiep nha nuoc hoat dong yeu kem anh 1
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình). Ảnh: Quân Minh.

Năm 2016 các DNNN phải bỏ ra gần 10 đồng vốn đầu tư mới thu được 1 đồng tăng trưởng, cao gấp gần 2 lần so với mức chỉ trên 5 đồng của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), và cao gấp hơn 1,5 lần so với mức trên 6 đồng của khu vực kinh tế ngoài Nhà nước.

Hơn nữa, mức sinh lời trên vốn chủ sở hữu và tài sản tại các DNNN không chỉ thấp, mà còn có xu hướng giảm liên tục, từ 16,4% và 6,5% năm 2012 xuống còn 10% và 4,6% năm 2016. Ngân sách cũng đã nhiều năm thất thu với thành phần kinh tế Nhà nước, tốc độ tăng thu chỉ đạt mức trung bình 3%/năm trong giai đoạn 2011-2016.

doanh nghiep nha nuoc hoat dong yeu kem anh 2
Nhiều doanh nghiệp, tổng công ty Nhà nước hoạt động yếu kém mặc dù kinh tế thế giới phục hồi. Ảnh: Hoàng Hà.

“Điểm rất cần lưu ý là xu hướng sụt giảm hiệu quả sử dụng vốn tại các DNNN diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế đang trên đà phục hồi, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, tức là nó diễn ra ngược chiều với xu thế chung. Điều này cho thấy những yếu kém của DNNN chủ yếu là vấn đề nội tại, chứ không phải do những tác động từ môi trường bên ngoài”, ông nói.

Dù đồng tình với những đánh giá, nhận định của Đoàn giám sát của Quốc Hội, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng đó chưa phải là những nguyên nhân sâu xa nhất.

Ông nhấn mạnh nếu tỷ trọng sở hữu Nhà nước tại các doanh nghiệp vẫn được duy trì ở mức cao áp đảo, thì những nỗ lực cải cách khác nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn sẽ không có nhiều ý nghĩa, và không thể đem lại những kết quả như mong muốn.

doanh nghiep nha nuoc hoat dong yeu kem anh 3

Đại biểu này nhấn mạnh điều đáng tiếc là tiến trình cổ phần hoá và thoái vốn Nhà nước thời gian qua diễn ra rất chậm chạp và rất hình thức. Trong giai đoạn 2011-2016, cả nước đã cổ phần hoá được 571 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp, nhưng chỉ thu về khoảng 43.000 tỷ đồng là quá ít ỏi.

 “Nhiều tổng công ty chỉ bán từ 1% đến 2% vốn điều lệ ra bên ngoài, nên khó gọi đó là cổ phần hoá theo đúng nghĩa, thậm chí là vô nghĩa. Lượng vốn Nhà nước sở hữu tại các doanh nghiệp đã bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng vẫn còn rất lớn, một lượng lớn các nguồn lực tài chính cho đến nay vẫn chưa tìm được người chủ sở hữu có đủ động lực để sử dụng một cách hiệu quả”, ông phát biểu.

Báo cáo giám sát của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cũng đặc biệt lưu ý về tình trạng làm ăn thua lỗ, yếu kém của các doanh nghiệp Nhà nước với những con số đáng chú ý.

Đến hết năm 2016, cả nước còn 583 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động còn chưa tương xứng với nguồn lực đang nắm giữ, tổng tài sản và vốn tăng (tài sản tăng 45,8%, vốn chủ sở hữu tăng 92,2%) nhưng doanh thu, lợi nhuận trước thuế và nộp ngân sách có tốc độ tăng chậm (tốc độ tăng nộp ngân sách Nhà nước chỉ 18%, bình quân 3%/năm), tổng số nợ phải trả cao, tăng 26% so với năm 2011 (từ 1,3 triệu tỷ đồng lên 1,6 triệu tỷ đồng).

Cần rà soát và thu hồi hết đất vàng sai phạm

Thảo luận tại hội trường sáng 28/5, các đại biểu đề nghị phải rà soát lại tất cả đất đai tại các doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hoá sai phạm, sử dụng không đúng mục đích.


Hiếu Công

Bạn có thể quan tâm