Mòn mỏi chờ thông tư
Theo thống kê, lượng kiều hối “chảy” vào BĐS chiếm khoảng 21,8% tổng số kiều hối chuyển về địa bàn TP HCM trong 7 tháng qua. Nhiều nhận định cho rằng, dòng vốn đang đổ dồn vào BĐS một cách mạnh mẽ, bỏ ngỏ các kênh đầu tư tài chính khác. Nguyên nhân của vấn đề này phần lớn thuộc về chính sách mở cửa cho người nước ngoài sở hữu, mua bán nhà ở Việt Nam.
“Phân tích của riêng tôi, dự báo từ nay đến cuối năm 2015, thị trường BĐS trong nước sẽ 'dậy sóng', bởi nguồn vốn nước ngoài vào thị trường không nhỏ. Đặc biệt, thời điểm cuối năm, cộng đồng kiều bào ở các nước muốn mua nhà ở tại các thành phố lớn sẽ rất cao”, TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích.
Thực tế cho thấy, hiện có khoảng 500.000 đến 1 triệu Việt kiều ở các nước thật sự muốn trở về quê hương sinh sống khi về hưu. Trong khi đó, giá nhà tại Việt Nam vẫn tương đối rẻ hơn so với những thành phố khác trong khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, thu nhập của người Việt ở nước ngoài ngày một tăng cao và muốn đầu tư vào nhà ở tại quê hương. Đây sẽ là một cơ hội rất lớn cho thị trường BĐS trong nước, kết hợp với những quy định mới cho phép người nước ngoài được sở hữu nhà ở dài hạn tại Việt Nam.
Dù doanh nghiệp BĐS trong nước đang thực hiện nhiều chiến lược kinh doanh mới, nhưng người nước ngoài, Việt kiều vẫn còn e dè khi muốn mua nhà tại Việt Nam, do thiếu các văn bản hướng dẫn thi hành luật. Ảnh: NY. |
Tuy nhiên, dòng vốn này vẫn đang kẹt ở “cửa vào” thị trường, khi các thông tư hướng dẫn từ khi luật nhà ở ban hành vẫn chưa được công bố, dẫn đến tình trạng người nước ngoài muốn mua cũng chưa đủ cơ sở, doanh nghiệp có nhà bán cũng chẳng biết xoay ra sao. Nhiều chuyên gia khẳng định rằng, thị trường không thật sự “nóng”, dù doanh nghiệp trong nước đang thực hiện nhiều chiến lược kinh doanh mới.
Do thiếu các văn bản hướng dẫn thi hành dưới luật, người nước ngoài nói chung và Việt kiều nói riêng vẫn e dè khi muốn mua nhà. Họ vẫn nhờ người thân tại Việt Nam đứng tên như hàng chục năm qua.
TS. Đinh Thế Hiển phân tích: “Việt kiều rất muốn mua được nhà tại Việt Nam, trong đó những vị trí như khu Đông, khu Nam của TP HCM là lựa chọn hàng đầu của họ. Tuy nhiên, chúng ta đang thực hiện chính sách ưu tiên cho đối tượng này theo hướng 'nhả' từng bước một mà chưa thực sự ổn định. Hiện nay, pháp lý về BĐS đối với người Việt Nam đã rất chặt chẽ. Nên chúng ta càng siết chặt với người nước ngoài thì không thu hút được nguồn lực tài chính lớn này”.
Chỉ số hấp dẫn chưa cao
Ngoài những khúc mắc về vấn đề chính sách thì bản thân thị trường BĐS Việt Nam vẫn không được đánh giá cao về chỉ số hấp dẫn. Thị trường đang thiếu một công cụ lớn nhất trong việc tạo độ an toàn đối với người nước ngoài khi mua nhà trong nước. Cụ thể là không có bảo hiểm quyền tư hữu BĐS như một số nước đang làm.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM cho rằng: “Tính an toàn và an tâm cho khách hàng phải được đề cao. Tôi chưa thấy một doanh nghiệp nào của Việt Nam xây dựng được chính sách hậu mãi thực sự tốt, mà mục đích cũng chỉ là bán được nhà xong rồi phủi tay. Nếu khắc phục được điều này chúng ta mới nâng cao giá trị của chỉ số hoàn vốn. Từ đó người nước ngoài mới thực sự tham gia và tác động rõ nét đến thị trường.”
Cũng theo ông Đực, rất nhiều công ty đầu tư và Việt kiều đang để mắt đến thị trường BĐS Việt Nam bằng việc mua sỉ cả một dự án nhà ở hoặc nhà đất riêng lẻ. Tuy nhiên, thủ tục vẫn còn đang rối nên họ đành bỏ cuộc và tiếp tục chờ sự hướng dẫn tiếp theo.
5 nút thắt lớn với người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam:
- Chậm triển khai các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở 2014.
- Thủ tục hành chính chưa được đơn giản hóa, vẫn còn giấy tờ đòi phải đi kèm với các giấy “con”;
- Quy định bảo vệ quyền lợi của các chủ đầu tư dự án BĐS là kiều bào vẫn chưa có.
- Các quy định về mua bán nhà tại Việt Nam chưa được chuyển ngữ sang ngôn ngữ các nước trên thế giới.
- Phương thức thanh toán cứng nhắc. Người nước ngoài chỉ được chuyển tiền về nước mua nhà nhưng chưa được phép chuyển ra nước ngoài lại sau khi bán hoặc chuyển nhượng nhà ở. Họ cũng chưa được vay tiền mua nhà ở từ các ngân hàng thương mại trong và ngoài nước.