Cao ốc Thuận Kiều Plaza có vị trí đắc địa, là cửa ngõ nối liền với nhiều tỉnh miền Tây, nằm gần khu vực Chợ Lớn, trung tâm mua bán sầm uất ở TP HCM.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia bất động sản, năm 1999, sau khi tòa nhà chính thức hoạt động, dịch vụ môi giới căn hộ, cho thuê mặt bằng thương mại ở đây diễn ra tấp nập.
Ông Hồ Xuân Ly, chuyên môi giới nhà đất ở quận 5, TP HCM, cho biết, cách đây 15 năm, ông từng dẫn mối cho nhiều người đi xem nhà, mặt bằng kinh doanh ở Thuận Kiều Plaza.
“Những năm đầu tiên, cơn sốt mặt bằng kinh doanh ở trung tâm thương mại này đã khiến cò nhà đất đổ xô về đây. Chỉ sau 2 năm, mặt bằng khu thương mại này không còn một chỗ trống. Mức giá 160.000-200.000 đồng/m2 cách đây 15 năm cũng thuộc dạng đắt nhất nhì thành phố”, ông Ly nói.
3 tòa tháp cao ốc Thuận Kiều Plaza, hiện nay chỉ bán được khoảng 20 căn và vài công ty thuê làm văn phòng. Ảnh: Lê Quân. |
Theo ông, năm 2001, trung tâm thương mại Thuận Kiều rất sầm uất. Những tưởng dự án bán căn hộ sẽ thu hút nhiều khách, hàng loạt công ty bất động sản môi giới mọc lên xung quanh tòa cao ốc này. Lượng khách xem căn hộ tấp nập nhưng sau đó phần lớn đều quay lưng.
Mức giá chào bán vào thời điểm đó khoảng 1-3 tỷ đồng một căn được cho là quá cao với thu nhập nhiều người. Ngoài ra, theo nhận định của giới chuyên môn, một phần căn hộ có thiết kế trần nhà quá thấp, phòng nhỏ, không gian ngột ngạt… Càng về sau lượng người đến xem căn hộ thưa dần. Cho đến 2006, hầu như không có khách vãng lai. Hiện tại, chủ nhà đã mua căn hộ tại đây phần lớn đều cho thuê lại mà không sinh sống.
Một chủ nhà đề nghị giấu tên cho biết, các căn hộ bắt đầu xuống cấp. Hệ thống thoát nước, rác thải, điện đều có vấn đề. Với căn hộ 100 m2, 2 phòng ngủ, bà này đang cho thuê với giá chỉ 5 triệu đồng một tháng, khá rẻ so với mặt bằng chung.
Chủ nhà cho hay, giá rẻ vì việc tìm người thuê rất khó khăn. Những lời đồn thổi ma mị về Thuận Kiều Plaza làm khách không yên tâm, bà phải nhiều lần gọi điện trấn an cho những người mới đến. Cũng không ít trường hợp khách dọn đi, bỏ luôn tiền cọc khi mới đến ở được vài ngày.
Bên trong trung tâm thương mại vắng lặng, không một bóng khách, hầu hết tiểu thương đã chuyển đi. Ảnh: Zen Nguyễn. |
Ông Bình, một người dân sống gần tòa nhà cho biết, vào năm 2009, một vụ cháy lớn lại xảy ra tại nhà hàng này. Kể từ đó, lượng khách đến trung tâm ngày một thưa dần cho đến nay thì vắng như “chùa bà đanh”.
Anh A Tính, một tiểu thương từng buôn bán ở Thuận Kiều Plaza cho biết: “Tôi thuê gian hàng nhỏ ở đây từ năm 2005, từ một chủ trước làm ăn thua lỗ với giá 4 triệu đồng một tháng. Được khoảng 2 năm, tôi cùng nhiều người khác dọn đi vì buôn bán ế ẩm. Thêm vào đó, những chuyện đồn thổi về ma quỷ xuất hiện khiến mình không an tâm, mà có ở lại cũng không có khách. Hiện nay, tôi đã thuê được một cửa hàng gần đó để tiếp tục kinh doanh”.
Theo thông tin nhiều tiểu thương, quản lý trung tâm thương mại cũng không thực hiện các chính sách thu hút khách hàng. Thậm chí, đề nghị được giảm tiền cho thuê mặt bằng do buôn bán khó khăn của tiểu thương cũng không được chấp nhận. Cách thiết kế, bố trí gian hàng không hợp lý, tối tăm thiếu ánh sáng… khiến người kinh doanh phải chấp nhận xả hàng, tháo chạy, để tìm nơi kinh doanh khác.