Trong làng smartphone Android, hiếm có hãng nào có phân khúc sản phẩm cao cấp rõ ràng như Samsung. Mỗi năm họ ra mắt 2 smartphone cao cấp, với Galaxy S hướng tới thiết kế, cấu hình và những tính năng mới trong khi Galaxy Note là phiên bản hoàn thiện hơn của S, đồng thời bổ sung thêm những tính năng hữu ích.
Ngay từ những ngày đầu, Galaxy Note đã được coi là một chiếc điện thoại "gì cũng có" hay "everything phone". Màn hình lớn, bút cảm ứng, pin "trâu", hiệu năng mạnh và camera tốt, Note hướng tới đáp ứng mọi nhu cầu cơ bản của người dùng một cách tốt nhất.
Chính nhờ định hướng rõ ràng nên Note thường được coi là chiếc điện thoại Android tốt nhất cho "power user", nhóm người dùng có yêu cầu cao về hiệu năng và các tính năng phần mềm.
Galaxy Note10 là smartphone đầu tiên của dòng Note bỏ đi chân cắm tai nghe 3,5 mm. Ảnh: Duy Tín. |
Tuy nhiên, với sự ra mắt của Note10, không ít nhà phân tích công nghệ đặt câu hỏi liệu định hướng "everything phone" có còn đúng với Galaxy Note10. Điện thoại "gì cũng có" mà sao giờ đây lại thiếu chân cắm tai nghe?
Phải chăng Samsung đã thay đổi định hướng Galaxy Note, hay muốn chạy theo một trào lưu nào đó?
Ai rồi cũng khác
Thực ra, đây không phải lần đầu tiên một chiếc Note có sự thay đổi gây tranh cãi. Quay về năm 2015, Samsung ra mắt Galaxy Note5 với thiết kế rất mới lạ: khung kim loại, mặt lưng kính. Những thế hệ trước, Galaxy Note đều sử dụng lưng nhựa, khung kim loại hoặc nhựa.
Đi kèm với thiết kế mới bóng bẩy, đẹp mắt hơn, Samsung thực hiện một số đánh đổi về tính năng. Họ bỏ đi khe cắm thẻ nhớ, làm mặt lưng liền nên người dùng không thể dễ dàng tháo pin.
Vào thời điểm đó, pin rời vẫn là một tính năng rất quan trọng đối với các power user. Trang bị hẳn 2 viên pin, hết pin thì thay pin mới chứ không cần sạc, những hành động đặc biệt như vậy mới chính là điểm làm nên sự khác biệt của một power user.
Chiếc Samsung Galaxy Note5 thay đổi định hướng, không còn phục vụ riêng cho đối tượng "power user" như những thế hệ trước. Ảnh: The Verge. |
Dù bị một nhóm đối tượng người dùng cũ phản đối, Note5 vẫn chứng tỏ đó là một sự thay đổi hợp lý của Samsung. Khi cuộc đua smartphone trở nên nóng bỏng và dữ dội hơn, thiết kế dày với chất liệu nhựa (dù là nhựa cao cấp, độ bền rất tốt) không còn được ưa chuộng. Samsung buộc phải tự thay đổi về mặt thiết kế để Galaxy Note tiếp tục thu hút người dùng.
Bên cạnh đó, thay đổi về mặt thiết kế cũng giúp Samsung dễ dàng tích hợp hoặc cải tiến các tính năng ở các thế hệ sau. Trên Galaxy Note7, tính năng chống nước được tích hợp trở lại với tiêu chuẩn cao hơn, và về sau trở thành tính năng có sẵn trên các smartphone Galaxy cao cấp.
Nắp lưng không tháo rời được vừa đảm bảo cho tiêu chuẩn chống nước, vừa cho phép Samsung thiết kế pin phức tạp, dung lượng cao hơn. Cuối cùng, những sự đánh đổi của Note5 đã đem đến những tính năng tốt hơn cho các thế hệ Note sau này.
Note10 là một "everything phone" theo nghĩa khác
Trong sự kiện ra mắt Galaxy Note10, đại diện Samsung cũng nhiều lần nhắc đến từ "everything phone". Hãy cùng nhìn lại xem Note10 đã được bổ sung những gì để xứng đáng với định nghĩa chiếc điện thoại "gì cũng có" từ phía Samsung.
Đầu tiên, Note10 được bổ sung thêm camera góc rộng, trước đó đã xuất hiện trên Galaxy S10. Với góc chụp 123 độ, camera góc rộng hoàn thiện bộ 3 tiêu cự rộng - trung - cận trên Note10, giúp người dùng chụp ảnh được linh hoạt, nhiều hoàn cảnh hơn. Phiên bản Note10+ còn có thêm cảm biến Time-of-Flight (ToF) giúp đo độ sâu trường ảnh.
Ngoài chụp ảnh, Samsung cũng đầu tư rất nhiều tính năng mới cho quay phim trên Galaxy Note10. Ảnh: Duy Tín. |
Ngoài chụp ảnh, Note10 còn được cải tiến mạnh mẽ về tính năng quay phim và xử lý phim. Chế độ xóa phông Live Focus giờ đây sử dụng được cả khi quay phim, khi ứng dụng tốt có thể tạo nên những đoạn hình ấn tượng. Máy cũng được trang bị tính năng zoom microphone, cho phép tập trung ghi lại âm thanh đúng theo hướng người quay muốn.
Trình biên tập video trên Note10 đã được thêm nhiều tính năng mạnh mẽ, do vậy đại diện Samsung tự tin cho rằng đây là thiết bị sản xuất video "từ đầu đến cuối". Tất nhiên, trên Android người dùng có rất nhiều ứng dụng chỉnh sửa video, nhưng ứng dụng mạnh mẽ được tích hợp sẵn cũng là lợi thế lớn với Note10.
Với những người thích ứng dụng điện thoại cho công việc, Samsung phát hành phần mềm DeX mới, giúp Note10 giao tiếp tốt hơn với máy tính chạy cả Windows lẫn macOS.
Như vậy ngoài việc trở thành một chiếc máy tính thu nhỏ với phụ kiện, Note10 còn kết hợp tốt hơn với máy tính khi cần. Galaxy S10 không hỗ trợ phần mềm DeX mới như Note10.
Phần mềm DeX mới sẽ hoàn thiện khả năng làm việc của Galaxy Note10. Ảnh: Android Central. |
Dung lượng pin trên Note10+ được nâng lên 4.300 mAh, cao hơn một chút mức 4.000 mAh của Note9. Phiên bản này còn hỗ trợ sạc nhanh theo chuẩn USB Power Delivery với công suất tối đa tới 45 W, cao gấp 3 lần công suất Fast Charge 2.0 trên Note9.
Samsung trang bị tản nhiệt kiểu "buồng hơi" với hiệu năng cao hơn, chế độ chơi game tối ưu hơn cho Galaxy Note10. Nhờ cải tiến này, máy có thể đáp ứng những game yêu cầu hiệu năng xử lý cao một cách mát mẻ.
Nhu cầu của số đông người dùng là quan trọng nhất
Nhìn vào danh sách những cải tiến của Note10, có thể thấy chúng đều nhắm tới những nhu cầu rất cơ bản của người dùng. Quay phim, chụp ảnh tốt hơn, pin "trâu" hơn, sạc nhanh hơn, làm việc dễ dàng hơn, chơi game mượt hơn. Tất cả đều được nâng cấp.
Đó là chưa kể tới màn hình rộng và khả năng hiển thị tốt hơn, trong khi thiết kế gọn nhẹ hơn thế hệ trước. Bút S Pen của Samsung cũng được bổ sung thêm những tính năng có thể hữu ích trong một số hoàn cảnh.
Ngoài ra, Galaxy Note10 cũng là thế hệ Note đầu tiên có tới 2 phiên bản. Người dùng thực sự thích điện thoại "ngoại cỡ" có thể lựa chọn Note10+, nhưng nếu thích nhỏ gọn, truyền thống hơn thì có Note10.
Với Note10, lần đầu tiên Samsung đưa ra tới 2 lựa chọn kích thước, cùng hàng loạt lựa chọn màu sắc cho dòng Note. Ảnh: Duy Tín. |
Xét theo góc nhìn như vậy, Note10 vẫn là một chiếc "everything phone" khi đáp ứng những nhu cầu căn bản tốt hơn thế hệ trước, đồng thời đưa ra nhiều lựa chọn hơn cho người dùng. Tính năng duy nhất mà nó thua kém so với thế hệ trước là khả năng cắm một chiếc tai nghe mà không cần đầu chuyển.
Tuy nhiên, là một hãng sản xuất lớn, Samsung biết rõ nhu cầu người dùng và xu hướng của thị trường. Theo CNET, Samsung cho biết khoảng 70% người dùng của họ lựa chọn tai nghe Bluetooth thay vì tai nghe có dây.
"Chúng tôi luôn để ý xem người dùng thực sự làm gì với thiết bị của họ. Với Note, hầu hết người dùng thích dùng kết nối Bluetooth hơn. Chân cắm tai nghe không còn được sử dụng nhiều như trước đây", ông Caleb Slavin, Quản lý sản phẩm của Samsung America, cho biết.
Samsung có thể thúc đẩy sản phẩm tai nghe không dây bằng cách tặng kèm những chiếc tai nghe như Galaxy Buds cho người đặt mua Note10 sớm. Ảnh: Lê Trọng. |
Đây cũng là xu hướng chung của thị trường. Theo báo cáo của Hiệp hội Công nghệ tiêu dùng Mỹ (CTA) vào tháng 7, doanh thu tai nghe không dây sẽ tăng vọt 46% trong năm 2019, đạt mức 2 tỷ USD. CTA cũng dự báo doanh thu tai nghe không dây sẽ còn tiếp tục tăng 2 con số trong vài năm tới đây.
Samsung đã quyết định bỏ đi một thiết kế hàng chục năm tuổi, bù lại họ sẽ để kèm đầu chuyển trong hộp, thậm chí tặng tai nghe không dây hoàn toàn cho những người mua sớm.
Có thể gã khổng lồ Hàn Quốc cho rằng đây là một sự "phiền phức" nhỏ, xứng đáng để đổi lấy không gian bên trong cho pin lớn hơn hoặc tản nhiệt tốt hơn.
Galaxy Note10 vẫn là một chiếc "everything phone", chỉ là nó không còn hướng đến power user nữa. Những người dùng như vậy, đối tượng quan trọng thời kỳ đầu của dòng Note, giờ đây không còn nhiều.
Số đông còn lại, những người cần nhu cầu cơ bản được đáp ứng một cách tốt nhất mới là đối tượng được Samsung phục vụ.