Nhưng anh vẫn vui vẻ đồng ý để tôi đi cùng trong một lần lên đồi bẫy chim cu gáy, hay như dân trong nghề vẫn nói, là đi “gác cu”. Anh bảo, thường một buổi đi “gác cu” ít cũng là nửa ngày. Mà đi chưa chắc đã gặp, gặp chưa chắc đã bẫy được chim. Có khi cả tháng mới bắt được một con cu ưng ý (Có lẽ vì thế mà người ta gọi dân “gác cu” là… ngu chăng?).
Chú chim mồi đang gù trong lồng để khiêu chiến với chim ngoài. |
Với dân “gác cu”, quan trọng nhất là con chim mồi. Thường thì người ta chọn trong số chim bẫy được, con nào mạnh khoẻ, gáy hay, nuôi ít nhất là một năm, có khi 3-4 năm, khi chim biết “gáy nối”, nghĩa là nó bắt đầu gáy trả lại chim ngoài, thì mới dùng làm chim mồi. Nhưng cũng phải thận trọng vì ngay lần làm chim mồi đầu tiên mà gặp ngay đối thủ dữ quá là nó… “lặn” luôn! Phải cho chim mồi tập dần, quen dần để nó thấy tự tin đã.
“-Kiếm được con cu gáy làm chim mồi hay khó lắm, nhiều con có giá lên tới vài, ba triệu đấy!” - Ông anh tôi nói…
Khu vực mà anh chọn để đi “gác cu” là rừng keo ngay sát nghĩa trang Gốc Khế (Hà Tu, TP Hạ Long). Chúng tôi rẽ cây, rón rén đi, tai vểnh lên để nghe xem có tiếng cu gáy ở đâu không. Sau một hồi loanh quanh, ông anh tôi quyết định chọn nơi đặt bẫy.
Cu gáy thuộc loại chim rất cảnh giác. Vì thế, lồng nhốt chim mồi phải thật tinh xảo, lưới giấu sao cho kín đến mức nhìn gần cũng khó nhận ra, thì mới là được. Và phải chọn cây, chọn hướng đặt lồng bẫy sao cho chim mồi có thể quan sát rõ chim ngoài, nhưng chim ngoài thì không nhìn rõ chim mồi. Ngoài ra, phải có “cành tử” (cành cây nằm song song với cần gạt của bẫy). Cành này không được xa cần gạt quá, cũng không được gần quá, vì nếu gần thì chim ngoài sẽ cắn nhau với chim mồi, khi đó chim mồi vùng vẫy làm bẫy dễ bị sập khi chim ngoài chưa vào bên trong; nhưng xa quá thì sẽ khó cho chim ngoài tiếp cận cần gạt...
Sau khi đặt bẫy xong xuôi, mấy anh em rút ra chỗ lều được nguỵ trang bằng cành cây cách đó chừng 5 m. Vào trong rồi là phải kéo cành lá phủ kín ngay, chỉ hở khe nhỏ để quan sát. Trời nắng nóng, tôi thấy người bứt rứt, khó chịu lắm nhưng không dám cựa quậy…
Con mồi hôm nay chúng tôi mang theo cũng thuộc hàng “dạn dày chiến trận”. Ngay khi treo lên cây một lúc là cu cậu bắt đầu gáy một chập, lúc đầu còn chậm, sau thì giục giã liên hồi.
Từ một vòm cây xa xa, một chú chim gáy trông có vẻ “bá chủ”, bắt được giọng, liền nghiêng đầu lắng nghe, rồi gù cổ đáp lại bằng một tràng đầy vẻ đe dọa: “Cù cu, cù cu, cù cu…”. Con chim mồi vẫn tiếp tục gáy thách thức và khiêu khích.
Mất một lúc gáy trận với nhau, chú chim trời có vẻ tức giận thực sự, liền tiến sát lại gần, rút cổ giậm chân gù gù thị uy. Chim mồi cũng không vừa, tuy ở trong lồng nhưng nó cũng sừng sổ gù lên như thách đố. Không dằn được cơn thịnh nộ, chú chim gáy bên ngoài bèn xông vào tấn công. Đụng phải chiếc thanh gài, chiếc bẫy sập xuống. Thế là xong…
Không kìm được phấn khích, tôi nhảy lên như một fan hâm mộ cuồng nhiệt thấy cầu thủ đội bóng nhà vừa ghi bàn! Bõ công ngồi đến tê dại cả chân, hồi hộp nín thở suốt cả buổi sáng trong thời tiết nắng nóng ngột ngạt. Có trải qua cái cảm giác như tôi lúc ấy mới hiểu vì sao người đời gọi “gác cu” là “đệ tam ngu” mà không ít người vẫn cứ lao vào!