Dưới đây là bài dịch blog của Gabriel Jesus trên The Players Tribune:
Cứ mỗi khi tôi ghi bàn cho Manchester City, mẹ sẽ lại gọi điện cho tôi. Cảm tưởng rằng ngay khoảnh khắc bóng lăn vào lưới, chuông điện thoại đã reo lên rồi.
Bất kể ở đâu, dù là quê nhà Brazil hay đến xem trực tiếp ở sân vận động, bà sẽ luôn gọi cho tôi mỗi khi ghi bàn. Thế nên, ghi bàn xong, tôi sẽ chạy ngay tới cột cờ phạt góc, đặt tay lên tai làm dáng nghe điện, "Alo, mẹ đấy ạ!".
Hồi mới chuyển tới Man City, mọi người đều thích thú với cách ăn mừng này. Họ thường hỏi tôi ý nghĩa thực sự của nó là gì?
Đơn giản thôi, đó chỉ là thứ tình cảm thiêng liêng tôi dành cho mẹ - người phụ nữ chẳng bao giờ quên gọi điện cho tôi.
Jesus được HLV Pep Guardiola so sánh với "người ngoài hành tinh" Ronaldo de Lima. |
Giấc mơ bắt đầu từ sân nhà tù
Còn muốn nghe câu trả lời sâu xa hơn, tôi sẽ kể các bạn nghe câu chuyện về một cậu nhóc theo đuổi giấc mơ của mình. Ở Brazil, phải có tới hàng triệu chú bé cùng mơ chung một giấc mộng. Nhưng có lẽ, tôi may mắn hơn họ. Bởi vì tôi đã gặp một vài siêu anh hùng trong cuộc đời mình...
Xem nào, tôi lớn lên ở một vùng quê nhỏ tên là Peri Jardim nằm về phía nam Sao Paolo. Đa số cư dân ở đây đều thuộc diện khó khăn. Tôi thì khá hơn chút bởi mẹ luôn làm việc cật lực để lo cho gia đình đủ cơm ăn mỗi ngày. Nhưng có những người bạn cùng trang lứa với tôi lại không được may mắn như thế. Thỉnh thoảng, họ chỉ đủ ăn một bữa trong ngày. Và đó là những bữa ăn vội vàng trên sân bóng.
Thành thật mà nói, có những người tới sân mà chẳng hứng thú gì với bóng đá cả. Đơn giản họ đến chỉ để nhận sandwich và soda miễn phí ăn qua ngày. Tôi nhớ, thực đơn hồi đó là bánh mì trắng phết sốt kèm một lon soda.
Nhưng ấy là những hôm no đủ, có khi bữa ăn cả ngày với họ chỉ là một lon soda không. Cuộc sống trên quê nhà tôi vẫn khó khăn vậy đấy.
Trước khi thành danh ở Ngoại hạng Anh, Gabriel Jesus từng là ngôi sao... sân tù. |
Mọi thứ tôi có được bây giờ, mọi giấc mơ thuở bé xíu của tôi - tất cả đều khởi đầu từ câu lạc bộ Clube Pequeninos. Cái tên "Pequeninos" có nghĩa là "chàng trai nhỏ". Với tôi, nơi ấy còn hơn cả một đội bóng.
Đừng vội nghĩ tới sân bóng bên cạnh bãi biển với những rặng dừa xanh mát. Nhầm to rồi, đây không phải Peri. Sân bóng của chúng tôi nằm ngay bên ngoài một nhà tù quân sự. Phải thú thật là nó quá bẩn, chẳng có một chút cỏ và bao quanh không phải dừa đâu mà là những cây thông to đùng. Ngoài bọn trẻ, chỉ có cảnh sát nhà tù thường lui tới đây chơi bóng.
Lên 9 tuổi, tôi cùng Fabinho quyết định xin gia nhập câu lạc bộ. Chúng tôi băng qua cánh rừng bạt ngàn với đôi giày bóng đá vắt vẻo trên tay. Khoảnh khắc sau ấy, cuộc đời chúng tôi đã bước sang một trang mới. Đó là Jose Francisco Mamede, huấn luyện viên đội trẻ, ông chỉ nói: "Chắc chắn rồi, hai đứa có thể đá cùng cả đội vào trận tới".
Không giấy tờ, không hợp đồng, nói chung là chẳng có gì cả. Đội bóng không phải nơi kiếm tiền bằng sức lao động của tụi nhỏ - đơn giản họ chỉ muốn mang những điều tích cực hơn tới cho cuộc đời chúng. Cho lũ nhóc thức ăn, giữ chúng tránh xa khỏi đường phố đầy rẫy cám dỗ. Vậy thôi. Penequeninos không phải đội bóng danh tiếng, nên dễ hiểu tại sao bạn chưa từng nghe về họ. Nhưng tin tôi đi, thứ bóng đá họ chơi ở đây thật sự phi thường.
Thi thoảng, bọn nhóc chúng tôi phải ngồi xe bus cả giờ đồng hồ chỉ để đổi lấy một bữa ăn miễn phí kèm thêm chút canasta basica - một loại thức ăn đóng hộp huấn luyện viên sẽ phát cho chúng tôi để đem về cho gia đình. Nó có cơm, đậu và cả bánh mì nữa - thế là quá đủ để sống một tháng trời.
Tôi còn nhớ huấn luyện viên Mamede hồi ấy có một con xe Volkswagen Beetle đời cổ - có lẽ từ những năm 70 thì phải. Ông thường chở lũ nhóc chúng tôi vòng vòng trên con xe đó, mà vì bọn tôi đứa nào cũng còi cọc nên có khi cả 9, 10 đứa đều lọt trong xe. Đó còn chưa kể giày, bóng, hộp thức ăn và đủ thứ linh tinh khác nữa.
Các bạn thấy không, những gì câu lạc bộ dành cho bọn nhóc chúng tôi thật phi thường.
Ở Brazil, chúng tôi gọi những người giống Mamede với cái tên "Người hùng".
Đó thực sự xứng đáng với mọi thứ ông đã làm cho bọn nhóc chúng tôi. Mamede và cả những vị huấn luyện khác... họ đã cho chúng tôi cơ hội thay đổi cuộc đời.
Cuộc sống vốn không công bằng
Với tôi, bóng đá là tất cả. Tình yêu dành cho bóng đá là lẽ sống của cuộc đời này. Pequeninos chỉ tập 2 lần mỗi tuần nên những hôm không ở đây, tôi sẽ chơi bóng trên những con phố ở Peri. Thỉnh thoảng, có những trận đấu kéo dài tới nửa đêm - sau đó, lũ chúng tôi sẽ ngồi lại trên đường, rôm rả về những cô nàng và vài câu chuyện phiếm cho tới rạng sáng hôm sau.
Ở nhà, công việc cũng không quá nhiều. Cha đã bỏ đi ngay khi tôi vừa ra đời nên mẹ đã phải một mình nuôi sống tôi cùng những đứa em. Bà đi dọn vệ sinh trong thành tới tối muộn, về nhà, mẹ cùng anh em chúng tôi lại chia nhau nằm trên chiếc giường nhỏ.
Nhiều đứa trẻ khác đắm mình trong những video game. Còn tôi, tôi chìm trong trái bóng và những mơ tưởng. Hồi còn nhỏ, chúng tôi có những giải đấu mà mỗi con phố sẽ là một đội. Phần thưởng lớn lắm, hẳn một thùng soda đã đời. Trời, nhớ lại đó giống như một cuộc chiến giành báu vật vậy. Không đùa đâu nhé, thùng soda với bọn trẻ chúng tôi cũng quý ngang chiếc cúp Copa Libertadores đấy.
Cho tới giờ, tôi vẫn chưa quên cái hương vị tuyệt vời của những lon soda ấy, mùi soda trộn với dư vị của kẻ thắng trận, nó đặc biệt hơn hết thảy mọi thứ tôi từng nếm. Champagne sao, không, nó ngon phải gấp 10 lần những chai champagne đắt đỏ các bạn ạ. Mười lần đấy!
Năm lên 13 tuổi, có một trận đấu mà tới giờ tôi còn nhớ mãi. Đó là khi Pequeninos đăng ký tham dự một giải đấu tầm cỡ tại Sao Paulo. Chúng tôi xuất sắc vượt qua vòng bảng với nhiều tên tuổi lớn, có những trận, bọn tôi nã vào lưới đối thủ 12, 13 bàn liền.
Tới trận chung kết, Pequeninos phải đối đầu với Portuguesa Desportos - một đội bóng chuyên nghiệp tiếng tăm. Lý do duy nhất họ tham dự giải đấu này là để tìm kiếm những tài năng trẻ ở các câu lạc bộ nhỏ hơn. Đá với Portuguesa sao? Tôi cứ ngỡ mình đang mơ màng trong bộ phim nào đó chứ chẳng phải sự thật. Chúng tôi chỉ là một đội bóng tí hon, ăn tập tạm bợ bên ngoài sân nhà tù. Còn họ là một đội chuyên nghiệp với áo đấu xịn và đủ thứ hào nhoáng khác. Nhưng cũng chẳng vì thế mà chúng tôi phải nao núng, "Nào, các chàng trai - chúng ta sẽ đè bẹp họ. Pequeninos sẽ giành chiến thắng".
Ngay trước trận đấu, một cơn bão ập đến. Đêm hôm đó, mưa xối xả - mọi thứ thực sự rất tệ. Khi vừa tỉnh dậy, chúng tôi đã tính chuyện xin hoãn trận đấu lại nhưng nghe thật vô vọng.
Giờ bóng lăn, sân đấu trông như một bãi bùn lõm bõm. Điên rồ! Chạy mấy bước, bọn chúng tôi lại ngã sõng soài. Không một ai có thể đứng vững nổi. Nhưng nhìn sang bên kia, các cầu thủ Portuguesa vẫn chơi như thể chẳng có chuyện gì xảy ra.
Khác biệt ở chỗ họ có những đôi giày xịn, còn bọn tôi chỉ đi những đôi rẻ tiền. Cuộc đời mà, đôi khi bạn phải chấp nhận với những bất công thôi. Nhưng điều đó không có nghĩa chúng tôi bỏ cuộc, cả đội vẫn sống chết đá tới cùng. Dù vậy, 4-2 nghiêng về Portuguesa vẫn là kết quả chung cuộc. Suốt từng ấy năm, tôi vẫn chẳng thể nào quên được khoảnh khắc họ bước lên bục nhận giải.
Bóng đá là cả cuộc sống của tôi. Và cuộc sống ấy, không có chỗ cho sự công bằng. Nhưng bạn vẫn phải chấp nhận và tự tìm cho mình lối đi riêng.
Nghĩ lại, trận thua đó là một bài học quý vào đúng thời điểm quan trọng. Bởi những năm sau đó, mọi thứ thực sự rất khó khăn. Ở Brazil, nếu bạn muốn trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, từ năm 12, 13 tuổi bạn đã phải chắc suất trong học viện của những đội bóng lớn. Tuy nhiên, vì một vài lý do, mọi thứ với tôi không suôn sẻ cho lắm.
Cú ngã đầu đời cho Gabriel Jesus cái nhìn thực tế hơn về cuộc sống bất công. |
Sao Paulo đồng ý cho tôi thử việc và họ thực sự ấn tượng với tài năng của tôi. Nhưng sau cùng, họ nói rằng không thể sắp xếp cho tôi một chỗ trong ký túc xá của đội. Mà câu lạc bộ thì cách quá xa nơi tôi ở. Vậy nên muốn chơi bóng, tôi sẽ phải bắt xe bus đi mỗi ngày, mà như vậy cũng đồng nghĩa với việc chuyện học hành trên trường coi như vứt đi. Mẹ nghe xong sẽ thế nào nhỉ... hahahaha.
Dĩ nhiên, không bao giờ bà chấp nhận cái viễn cảnh ấy xảy ra. Với mẹ tôi, trường học là tất cả.
Nhưng mẹ cũng là người đưa tôi chạm tới giấc mơ ấy. Ở Brazil, đến một tầm tuổi nào đấy lũ trẻ sẽ phải ra đường kiếm tiền trợ giúp gia đình. Không bóng đá, không học hành gì cả, chỉ có đi làm mà thôi. Vậy nên, nhiều giấc mộng đã bị bóp chết khi nó còn chưa bắt đầu.
Nhưng mẹ tôi thì khác, bà đặt trọn niềm tin vào tôi. Dù thế nào thì mẹ vẫn tin rằng tôi có thể làm được. Bà cho phép tôi bước đi trên con đường mình chọn, dù cho nó có gập ghềnh chông gai.
Mẹ - người hùng cho ước mơ phi thường
Năm 13 tuổi, tôi bắt đầu chơi bóng cùng những anh lớn ở Varzea. Để tôi giải thích kỹ hơn cho các bạn hiểu.
Bóng đá ở Varzea cũng tương tự như bóng rổ đường phố ở Mỹ hoặc các giải bóng đá bán chuyên tại châu Âu. Bạn sẽ phải chơi trên những sân bóng bẩn thỉu với những gã "khổng lồ". Sự khác biệt về thể chất gần như không thể khỏa lấp. Tôi cũng chứng kiến không ít anh bạn xấu số đổ gục trên những sân bóng này rồi.
Và cũng có một câu chuyện tôi chẳng thể quên được...
Hôm ấy, chúng tôi có trận đấu quan trọng với một đội bóng lớn. Họ luôn nằm trong top những đội bóng ở Varzea nhưng vì một số lý do khó nói, họ đã không tham dự giải đấu trong vài năm gần đây.
Đây là năm đầu tiên họ trở lại giải đấu và họ sẽ phải đá với chúng tôi để giành tấm vé dự một giải lớn hơn. Tôi vẫn nhớ y nguyên ánh mắt họ nhìn tôi khi ấy: "Cho thằng oắt này đá sao? Chúng mày có nghiêm túc không đấy?".
Dĩ nhiên, không ai đùa với ông anh đâu.
Vài phút sau tiếng còi khai cuộc, tôi đi bóng qua người hậu vệ giỏi nhất bên phía đội bạn và ghi bàn. Cả đội họ lập tức quay ra nhìn tôi kiểu, thằng nhãi ranh, bọn tao sẽ cho mày sống không bằng chết.
Mỗi lần sau đó tôi chạm bóng, cảm tưởng như họ muốn lao vào đánh tôi luôn chứ không thiết tha gì bóng bánh nữa. Lũ này điên thật rồi. Có một thằng to như trâu mộng bên đấy dí sát tai tôi đe dọa: "Tin tao đi, mày còn dám qua người tao một lần nữa, chân mày sẽ gãy đôi đấy".
Ờ, tôi nhận bóng... và biến gã thành thằng hề trên sân với cú ngã dập mông.
Giờ thì cả đội chúng nó nhìn tôi như thể kẻ thù truyền kiếp sắp lao vào giết nhau vậy.
Nhưng... Phải nói sao nhỉ? Cứ mỗi khi có bóng, tôi như trở thành một con người khác. Câu chuyện tiếp theo là một đường kiến tạo đẹp mắt của tôi cho đồng đội ghi bàn.
Đám đông gào thét như sắp phát điên lên.
Trận đấu kết thúc với tỷ số 2-2 và chúng tôi giành chiến thắng chung cuộc trên chấm phạt đền. Đội bạn cáu bẩn thấy rõ. Khi trọng tài vừa thổi còi, thằng cục súc kia lao ngay tới chỗ tôi: "Tao đã nói rồi, mày cứ sẵn sàng nằm viện đi. Còn gặp nhau nhiều đấy".
Dĩ nhiên, gã không nói đùa. Tôi khi ấy có lẽ đã không dám đi về nếu các đồng đội không đứng ra bảo vệ tôi. Họ hộ tống tôi tới bãi gửi xe nên tôi mới về nhà lành lặn được.
Nhưng câu chuyện chưa kết thúc đâu. Giáng sinh năm ngoái, tôi trở về thăm nhà và phải tạt qua ngân hàng làm chút thủ tục giấy tờ. Vậy nên tôi vòng xe vào bãi đỗ, cơ mà nhìn gã soát vé sao quen quen thế nhỉ...
Mà không phải sao quen quen đâu, cái ánh mắt gã nhìn tôi rõ ràng chúng tôi đã gặp nhau ở đâu rồi. Anh ta cầm vé xe của tôi trên tay. Nhưng vẫn cứ nhìn chằm chằm như thế.
Và rồi, "Này, thằng ranh!". Tôi quay lại nhìn anh ta kiểu, hử, nói cái gì vậy?
Anh ta đáp: "Nhớ thằng này không? Sau trận đấu ở Varzea, tôi vẫn chưa bẻ gãy chân cậu đâu nhỉ?".
Má ơi, con phải làm gì lúc này đây. Sợ lắm rồi, nhưng tôi vẫn phải nói cứng: "Ngon thì nhào vô, anh bạn. Tôi biết anh chỉ đùa thôi mà".
- Không, không, anh bạn nhỏ ạ. Lúc ấy tôi đã định bẻ gãy chân cậu thật đấy. Nhưng giờ cậu đang chơi cho đội bóng tôi yêu nên tôi cũng yêu cậu luôn rồi! Thật không thể tin nổi! Cậu nghĩ sao bây giờ tôi nỡ bẻ gãy chân cậu chứ?
Tài năng không đồng nghĩa với việc bạn sẽ chạm được đến giấc mơ. |
Chúng tôi nhìn nhau rồi phá ra cười. Sau đó, tôi chụp cùng anh ta một bức ảnh rồi ra về.
Cuộc đời tôi, có thể nói đã biến từ nước lã thành rượu vang hảo hạng. Năm năm trôi qua, từ cậu bé chơi bóng ở Varzea kiếm cơm qua ngày, tôi đã gia nhập một trong những câu lạc bộ lớn nhất Brazil. Suốt thời gian ấy, những người đồng đội của tôi giờ ai cũng đã bước đi trên con đường của mình. Người lái xe bus, người bán hàng ở siêu thị hay đủ thứ nghề khác. Không phải họ thiếu tài năng hay lười biếng, đôi khi trong đời, bạn cần được thần may mắn mỉm cười. Ai cũng phải làm ăn để kiếm sống, vậy nên, giấc mơ đôi khi là điều bạn cần từ bỏ.
Vậy mới nói, nếu không có sự động viên từ mẹ, tôi sẽ chẳng bao giờ được như hôm nay.
Còn nữa