Thịt ngoại lấn sân thịt nội
Thịt đông lạnh nhập khẩu không còn là “của hiếm” trên thị trường. Người tiêu dùng có thể vào bất kỳ siêu thị nào trên địa bàn TP là mua được các loại thịt đông lạnh ngoại như bò Úc, bò Mỹ, gà Hàn Quốc, gà Mỹ, gà Brazil… Điều đáng nói, gà đông lạnh nhập khẩu thường nhập riêng từng bộ phận như chân, cánh, đùi… nên người mua rất dễ lựa chọn để chế biến món ăn tùy thích. Cũng bởi vậy, lượng thịt gà đông lạnh nhập khẩu bán ra thậm chí còn cao hơn lượng gà trong nước.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm 2015, Việt Nam đã nhập gần 54 triệu USD thịt gà các loại. Trong đó, thịt gà Mỹ nhập khẩu chiếm tới 65% giá trị nhập khẩu (khoảng 34,8 triệu USD). Và giá trung bình của gà Mỹ cũng rất rẻ so với các sản phẩm cùng loại của các nước khác.
Cụ thể, cánh gà đông lạnh của Mỹ chỉ có 1 USD/kg, đùi gà Mỹ cũng chỉ có 0,9 USD/kg. Thịt gà đông lạnh Hàn Quốc nhập khẩu cũng có giá tương đối thấp, giá đùi gà là 40.000-42.000 đồng/kg, cánh gà 70.000 đồng/kg, chân gà 50.000 đồng/kg.
Gà dai Hàn Quốc cũng được bày bán nhiều ở các siêu thị. |
Trong khi thịt gia cầm ngoại ồ ạt tràn vào Việt Nam thì chăn nuôi trong nước dù năm 2015 được nhận định là năm ít dịch bệnh nhưng cũng không tiến triển hơn mọi năm. Khảo sát cho thấy, giá gà tại các trang trại phía Bắc ở mức 22.000-25.000 đồng/kg, phía Nam 21.000-22.000 đồng/kg, thấp hơn 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Cũng bởi vậy mà quy mô chăn nuôi của năm 2015 gần như không mở rộng.
Gà ngoại giá rẻ vì đâu?
Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho hay, giá thịt gà Mỹ nhập khẩu về Việt Nam giảm thời gian qua do nhiều nguyên nhân. Trước hết là do giá chăn nuôi của họ giảm vì hầu hết nguồn nguyên liệu chăn nuôi như ngô, đậu nành đều giảm rất mạnh. Trong khi người Mỹ cũng chỉ ăn ức gà (có giá rất cao) còn đùi và cánh gần như không ăn, chỉ được xem là phụ phẩm, nên giá bán rất rẻ.
Dù vậy, việc giá gà nhập khẩu về đến Việt Nam bán ra chưa đến 1 USD/kg đùi gà cũng đặt ra nhiều nghi vấn. Trong đó, không loại trừ việc nhập khẩu có gian lận thương mại, tức nhà nhập khẩu mua hàng gần hết hạn sử dụng với giá rẻ rồi thay đổi nhãn mác bán cho người tiêu dùng.
Một nguyên nhân nữa là từ cuối năm 2014 đến nay, ở Mỹ xảy ra dịch cúm gia cầm nghiêm trọng, hàng loạt nước đã tạm dừng nhập khẩu gà Mỹ. Do bị ngừng mua hàng, các công ty Mỹ sẽ tìm cách đẩy hàng tồn kho với giá rất rẻ. Phải đến đầu tháng 5/2015 Việt Nam mới tạm dừng nhập khẩu gia cầm và các sản phẩm gia cầm từ Mỹ. Nhưng các lô hàng đã ký từ trước đó thì vẫn tiếp tục được vận chuyển về.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, trung bình mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu khoảng 80.000 tấn thịt gà đông lạnh các loại và 6 tháng qua đã nhập khoảng 40.000 tấn.
Đề cập đến liệu các nhà nhập khẩu có nhập thịt đông lạnh cận “đát” về bán giá rẻ, ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng: “Các lô hàng nhập khẩu về đều được kiểm tra, kiểm soát bởi lực lượng thú y, hải quan, đặc biệt đối với những lô hàng thực phẩm đông lạnh hạn sử dụng ngắn thì được kiểm soát chặt chẽ hơn”.
Dù cơ quan chức năng khẳng định, đã kiểm soát tốt, kiểm soát chặt việc nhập khẩu thịt đông lạnh từ các nước, nhưng với mức giá rẻ bất ngờ cùng sự yếu kém về hàng rào kỹ thuật như hiện nay, nhiều đối tượng vẫn lợi dụng kẽ hở để tuồn những lô hàng thực phẩm “bẩn” về nước tiêu thụ. Bằng chứng là lực lượng chức năng đã bắt nhiều lô chân gà đông lạnh Trung Quốc, không rõ nguồn gốc trên thị