“Chúng tôi sẽ sớm triển khai dịch vụ taxi robot ở Thượng Hải. Người dùng có thể thuê xe tự lái thông qua ứng dụng Didi”, Tiger Qie, Phó chủ tịch kiêm Giám đốc Công nghệ của Didi nói với CNBC.
Ông Qie tiết lộ Didi hiện chỉ có thể đáp ứng 65% yêu cầu của người sử dụng, nhưng việc ra mắt xe ôtô không người lái có thể thu hẹp khoảng cách giữa cung và cầu.
Dù vậy, phó chủ tịch Didi nhấn mạnh phương tiện tự lái không đồng nghĩa với việc dịch vụ gọi xe có người lái sẽ sớm bị dẹp bỏ. “Các phương tiện tự lái và xe có người lái sẽ cùng được triển khai”, ông Qie giải thích.
Tiger Qie lạc quan về triển vọng của hãng gọi xe Didi. Ảnh: CNBC. |
Didi - được mệnh danh là "Uber của Trung Quốc" - phát triển thần tốc kể từ khi được thành lập vào năm 2012. Nền tảng này hiện được 550 triệu người sử dụng. Công ty đã tiếp quản hoạt động kinh doanh của Uber tại Trung Quốc vào năm 2016 và giờ bắt đầu mở rộng ra Australia và Mexico.
Ông Qie cho biết công ty cũng ra mắt tại Costa Rica vào ngày 19/11.
Nhưng cũng giống như Uber, Didi đối mặt với sự phản đối của các công ty taxi truyền thống và vướng vào rắc rối pháp lý sau khi một nữ hành khách bị tài xế cưỡng hiếp và sát hại hồi năm ngoái.
Công ty sau đó đã đình chỉ dịch vụ đi chung Hitch rồi lại tái khởi động với quy định về giờ gây tranh cãi. Hiện hành khách nữ sử dụng Hitch chỉ có thể đi xe trong khoảng thời gian từ 5 giờ sáng đến 8 giờ tối.
Cũng giống như Uber, Didi vẫn đang thua lỗ nặng nề. Năm 2018, công ty này lỗ tới 1,6 tỷ USD.
Tại Mỹ, Uber và Lyft lao đao vì giá cổ phiếu sụt giảm lần lượt 36% và 43% sau khi phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) vào năm nay.