Châu Phi gần như là một vùng đất hoang sơ đối với thương mại điện tử. Cấu trúc thị trường chưa hình thành, những điều kiện thuận lợi cho giao dịch trực tuyến cũng chưa hội tụ đủ. Jack Ma đã có những sáng kiến đầu tiên để xây dựng thị trường công nghệ ở khu vực này.
Tháng 8/2018, giải thưởng thường niên trị giá 10 triệu USD có tên Giải thưởng Netpreneur đã được Jack Ma phát động. Mỗi năm, 10 người vào chung kết sẽ nhận được khoảng tài trợ 1 triệu USD/người từ Jack Ma Foundation nhằm phát triển kế hoạch kinh doanh, đồng thời được sự tư vấn từ các nhà quản lý doanh nghiệp Trung Quốc.
Thị trường thương mại điện tử tại châu Phi đang ở giai đoạn sơ khai. Ảnh: Abacusnews. |
"Cũng là một doanh nhân, tôi hiểu sự giúp đỡ ở giai đoạn đầu có tầm quan trọng lớn", Jack Ma phát biểu trong sự kiện ra mắt tại Johannesburg (Nam Phi). "Giải thưởng này thể hiện sự ủng hộ của chúng tôi đối với thế hệ doanh nhân trẻ trên khắp châu Phi, những người đang mở đường cho một tương lai tốt đẹp hơn và làm thay đổi tích cực cộng đồng của họ".
Hai tháng sau, ông chủ Alibaba ghé thăm Rwanda, một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Phi, ký một loạt thỏa thuận nhằm thúc đẩy thương mại xuyên quốc gia và hạ tầng kỹ thuật số. Alibaba cũng đưa Rwanda vào bản đồ thương mại điện tử toàn cầu của mình, giúp các doanh nghiệp nhỏ phát triển kinh doanh trong những lĩnh vực phụ trợ.
Tuy nhiên, thị trường thương mại điện tử vừa chớm nở của châu Phi đang tồn tại nhiều thách thức, tác động xấu đến gã khổng lồ trong lĩnh vực thương mại điện tử Trung Quốc. So với những thành công tại quê nhà, Alibaba mới đặt một gót chân ở đây.
Thăm dò phản ứng thị trường
Tại châu Phi, Alibaba đang áp dụng chính sách đã từng thành công ở các thị trường mới nổi như Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ. Họ tận dụng tối đa khoảng trống mà đối thủ từ Mỹ chưa vươn tới.
"Alibaba là một công ty rất thông minh. Họ không cố gắng đầu tư ồ ạt ở nhiều nơi cùng lúc, Ashley Dudarenok, một chuyên gia tư vấn quảng cáo trực tuyến tại Trung Quốc nhận xét. Ông cho rằng họ nhìn thấy điều kiện tương đồng của những quốc gia này và Trung Quốc trước đây và biết làm thế nào để thích ứng với cơ sở hạ tầng kém phát triển.
JackMa đã ký một loạt thỏa thuận hỗ trợ phát triển thương mại điện tử tại Rwanda. Ảnh: Alizilla. |
Hiện tại những doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào một vài quốc gia châu Phi, những thị trường lớn nhất hoặc những nơi nhỏ nhưng có sự phát triển đặc biệt.
Alibaba và Tencent có xu hướng tập trung vào Nam Phi, Nigeria, Morocco và Kenya. Việc mở rộng sang những quốc gia nhỏ có tốc độ phát triển nhanh thường gặp nhiều khó khăn.
Giống như những lĩnh vực mới phát triển khác, các nhà đầu tư Trung Quốc không thể tự mình giải quyết các khó khăn tại đây. Mã bưu chính không tồn tại ở nhiều khu vực của châu Phi, tỷ lệ sử dụng tài khoản ngân hàng thấp, niềm tin đối với giao dịch qua Internet chưa được tạo dựng và thói quen mua hàng, thanh toán qua mạng chưa hình thành.
Tiềm năng to lớn
Thương mại điện tử là một thị trường sơ khai nhưng đang phát triển rất nhanh tại châu Phi. Theo hãng nghiên cứu thị trường Statista, ngành công nghiệp này đạt giá trị 16,5 tỷ USD trong năm 2017 và dự kiến đến 2022 tăng lên 29 tỷ USD khi smartphone, Internet phổ biến hơn và thu nhập bình quân đầu người tiếp tục tăng lên.
Đến 2025, khi 1/2 dân số châu Phi đã được tiếp cận Internet, giá trị thị trường thương mại điện tử có thể tăng lên 75 tỷ USD theo đánh giá của McKinsey.
Kết quả này là "trái ngọt" đối với Alibaba. Trong năm 2017, giá trị giao dịch thông qua AliExpress tại châu Phi đã tăng gấp 4 lần nhờ vào sự bùng nổ mạnh mẽ của thị trường Nam Phi và Kenya.
SimbaPay đã hỗ trợ thanh toán thông qua WeChat. Ảnh: SimbaPay. |
Nếu châu Phi phát triển các hệ thống thanh toán di động, sẽ thúc đẩy các đơn vị bán hàng trực tuyến của Trung Quốc. Một trong những nhà cung cấp dịch vụ lớn nhất châu Phi, SimbaPay của Kenya, đã ra mắt dịch vụ thanh toán trên WeChat Messenger, cho phép chuyển tiền giá rẻ các thương nhân ở Châu Phi và Trung Quốc.
Ngoài ra, các nền tảng thương mại điện tử tại chỗ như Kilimall hay Jumia của Nigeria đang hoạt động ở một số quốc gia và được rót vốn thông qua thị trường chứng khóa bởi các quỹ đầu tư Trung Quốc.
Bước đi cần thiết lúc này là điều chỉnh dịch vụ phù hợp với từng thị trường. Một lục địa đa quốc gia, ngôn ngữ, sắc tộc và văn hóa như châu Phi cũng là rào cản đối với các tập đoàn nước ngoài.
Tuy nhiên, người Trung Quốc đã thành công tại nơi này với thị trường di động. Hơn 1/3 thị phần điện thoại tại đây thuộc về ba thương hiệu Tecno, Infinix và itel của Transsion, nhà sản xuất có trụ sở tại Thâm Quyến. Huawei cũng có vị trí thứ 3 tại lục địa đen.
Thị trường châu Phi tồn tại nhiều thách thức nhưng cũng mang đến cơ hội cho các tập đoàn Trung Quốc vốn đã có kinh nghiệm tương tự tại quê nhà. Một khi thương mại điện tử tại nơi này phát triển, những tên tuổi đi tiên phong như Alibaba và Tencent sẽ được đền đáp xứng đáng.