Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

G7 ra Tuyên bố chung phản đối Trung Quốc xây đảo ở Biển Đông

G7 đã bế mạc sau hai ngày làm việc tại lâu đài Elmau, miền nam nước Đức, với Tuyên bố chung đề cập tới nhiều vấn đề khu vực và thế giới.

Các đại diện cấp cao G7 tại cuộc gặp. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Các đại diện cấp cao G7 tại cuộc gặp. Ảnh: AFP/TTXVN

Phóng viên TTXVN đưa tin từ Trung tâm Báo chí quốc tế G7 cho biết, tuyên bố dài 23 trang của G7 nhấn mạnh quyết tâm hợp tác chặt chẽ trên cơ sở những giá trị và nguyên tắc chung nhằm giải quyết các thách thức về chính trị và kinh tế quốc tế.

G7 cũng cam kết tôn trọng các giá trị về tự do dân chủ, quy định luật pháp, duy trì tự do, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ cũng như thúc đẩy hòa bình và an ninh trên thế giới.

Về tình hình kinh tế, tuyên bố của G7 khẳng định quyết tâm giải quyết các thách thức, tiếp tục các nỗ lực nhằm thúc đẩy và đạt được tăng trưởng thông qua khuyến khích giáo dục, cải tiến, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, ủng hộ đầu tư cá nhân.

Các nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh quyết tâm xây dựng một hệ thống thuế quan quốc tế công bằng và hiện đại; coi thương mại và đầu tư là động lực then chốt cho tăng trưởng, kiến tạo việc làm và phát triển bền vững, duy trì các thị trường mở và phản đối mọi hình thức bảo hộ mậu dịch.

G7 cũng cam kết củng cố hệ thống thương mại đa phương trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Các nhà lãnh đạo cũng hoan nghênh và kêu gọi nhanh chóng kết thúc các cuộc đàm phán thương mại quan trọng đang được tiến hành, trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) và Hiệp định Đối tác kinh tế (EPA) giữa EU-Nhật Bản nhằm đạt được các thỏa thuận tham vọng và toàn diện, có lợi cho các bên.

Các hiệp định như EPA EU-Nhật Bản và TTIP sẽ được thúc đẩy để nhanh chóng kết thúc đàm phán nhằm đạt được thỏa thuận trên nguyên tắc trước cuối năm nay.

Về chính sách an ninh và đối ngoại, G7 tuyên bố thực hiện các chính sách trên cơ sở các giá trị và nguyên tắc chung, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do, hòa bình và toàn vẹn lãnh thổ.

Liên quan cuộc khủng hoảng Ukraine, các nước khẳng định ủng hộ các nỗ lực nhằm đạt được một giải pháp ngoại giao thông qua nhóm "Bộ tứ Normandy" (gồm Nga, Ukraine, Pháp và Đức về cuộc khủng hoảng tại Ukraine) và nhóm làm việc 3 bên (gồm Nga, Ukraine và Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu - OSCE).

G7 cũng kêu gọi các bên thực thi gói biện pháp đã đạt được, trong đó có Thoả thuận Minsk đạt được ngày 12/2 vừa qua nhằm tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng Ukraine.

Liên quan vấn đề an ninh hàng hải, Tuyên bố chung của G7 nhấn mạnh cần duy trì trật tự hàng hải theo luật pháp quốc tế cũng như bảo đảm an ninh hàng hải quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Các nhà lãnh đạo G7 bày tỏ quan ngại trước những diễn biến căng thẳng trên Biển Đông và Biển Hoa Đông, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết xung đột một cách hòa bình cũng như bảo đảm tự do hàng hải và khai thác kinh tế biển một cách hợp pháp.

G7 cũng cương quyết phản đối việc sử dụng các biện pháp đe dọa, cưỡng ép, sử dụng vũ lực hoặc hành động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng biển, như việc mở rộng các đảo nhân tạo quy mô lớn thời gian gần đây ở Biển Đông.

Tuyên bố của G7 cũng hoan nghênh và ủng hộ các nỗ lực nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran, kêu gọi Tehran hợp tác không hạn chế với các chuyên gia Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).

Về tình hình Libya, G7 bày tỏ quan ngại sâu sắc về mối đe dọa khủng bố ngày càng gia tăng cũng như việc phổ biến vũ khí, đe doạ sự bất ổn dài hạn ở nước này.

Các nhà lãnh đạo cũng kêu gọi các bên xung đột ở Trung Đông hợp tác với cộng đồng quốc tế nhằm đạt được giải pháp hai nhà nước cùng chung sống trong an ninh và hòa bình.

Cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố và tài trợ cho khủng bố cũng là chủ đề được nêu trong Tuyên bố chung G7. Theo đó, các nhà lãnh đạo G7 kêu gọi ưu tiên cho nỗ lực chống chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan, việc tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố cũng như cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Trong tuyên bố, G7 cũng khẳng định cam kết tiếp tục ủng hộ các đối tác châu Phi, Afghanistan, tái thiết ở Nepal; quyết tâm bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, củng cố hệ thống y tế thông qua các chương trình song phương và các cấu trúc đa phương.

Bên cạnh đó, tuyên bố G7 cũng tái khẳng định cam kết đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, nâng cao sự tham gia của nữ giới trong lĩnh vực kinh tế.

Về chủ đề biến đổi khí hậu, năng lượng và môi trường, G7 khẳng định quyết tâm hành động để bảo vệ khí hậu Trái Đất, trong đó cam kết mục tiêu giữ nhiệt độ Trái Đất tăng không quá 2 độ C so với giai đoạn tiền công nghiệp. Đây được xem là tiền đề thuận lợi để Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu, sẽ diễn ra tại Paris (Pháp) vào cuối năm nay, đạt được một thỏa thuận mang tính ràng buộc toàn cầu về chống biến đổi khí hậu.

Hội nghị G-7 bàn đề tài 'nóng' từ Ukraine đến Biển Đông

Hôm 7/6, hội nghị G-7 bắt đầu diễn ra tại khu nghỉ dưỡng cao cấp ở thị trấn Garmisch-Partenkirchen tại phía nam nước Đức.

http://www.vietnamplus.vn/g7-ra-tuyen-bo-chung-phan-doi-trung-quoc-xay-dao-o-bien-dong/326872.vnp

Theo Vietnam+

Bạn có thể quan tâm