"Chúng tôi cam kết loại bỏ dần sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga, trong đó có loại bỏ hoặc cấm nhập khẩu dầu từ Nga. Chúng tôi sẽ đảm bảo thực hiện động thái này một cách kịp thời và theo thứ tự”, Reuters dẫn tuyên bố sau cuộc họp trực tuyến ngày 8/5 của nhóm G7 cho hay.
“Chúng tôi sẽ làm việc cùng nhau và cùng với các đối tác để đảm bảo cung cấp nguồn năng lượng toàn cầu ổn định, bền vững và giá cả phù hợp cho người tiêu dùng", tuyên bố nêu thêm.
Ngày 8/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng các nhà lãnh đạo G7 tham gia cuộc họp trực tuyến với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky để thảo luận về cuộc xung đột tại nước này, cách hỗ trợ Ukraine và các biện pháp bổ sung chống lại Nga, bao gồm cả trong lĩnh vực năng lượng.
Cuộc họp diễn ra ngay trước lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng của Nga vào ngày 9/5.
Cuộc họp trực tuyến của G7 hôm 8/5 từ Điện Elysee, ở Paris, Pháp, hôm 8/5. Ảnh: Reuters. |
Các nhà lãnh đạo nói rằng họ sẽ cắt bỏ các lĩnh vực quan trọng mà Nga phụ thuộc nhằm củng cố sự cô lập Nga “trên tất cả lĩnh vực kinh tế của nước này”. Họ cũng thông báo sẽ “nâng tầm” chiến dịch chống lại giới tinh hoa của Nga.
Trong khi đó, Mỹ cũng công bố các biện pháp trừng phạt đối với ba đài truyền hình Nga, cấm công dân cung cấp dịch vụ kế toán và tư vấn cho người Nga, đồng thời áp đặt khoảng 2.600 hạn chế thị thực đối với quan chức Nga và Belarus.
Nước này cũng đưa giám đốc điều hành của ngân hàng quốc doanh Gazprombank là Alexy Miller và Andrey Akimov vào danh sách trừng phạt. Đây là biện pháp đầu tiên liên quan đến nhà xuất khẩu khí đốt khổng lồ của Nga vì Mỹ và các đồng minh né tránh thực hiện những bước đi làm gián đoạn nguồn năng lượng này tới châu Âu.
8 giám đốc điều hành của Sberbank - công ty nắm giữ 1/3 tài sản ngân hàng Nga - cũng có tên trong danh sách trừng phạt mới nhất của Mỹ.
Trong khi đó, AFP dẫn thông báo từ Bộ Thương mại Quốc tế cho biết Vương quốc Anh sẽ áp đặt gói trừng phạt mới nhằm vào Nga và Belarus, trong đó có thuế nhập khẩu kim loại quý và cấm xuất khẩu tới ngành sản xuất và công nghiệp nặng của Nga.
Thuế nhập khẩu, bao gồm cả bạch kim và palađi, trị giá hơn 1,7 tỷ USD, trong khi lệnh cấm xuất khẩu nhằm vào ngành sản xuất và công nghiệp nặng của Nga trị giá 308 triệu USD.
Tính đến nay, tổng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu mà Anh trừng phạt toàn bộ hoặc một phần đã lên tới hơn 4,9 tỷ USD.
Động thái trên là nỗ lực mới nhất của phương Tây nhằm gây áp lực lên Điện Kremlin vì hoạt động quân sự của Moscow tại Ukraine. Mỹ và châu Âu đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ nhất đối với Nga kể từ hôm 24/2, chủ yếu nhắm vào các ngân hàng, doanh nghiệp và cá nhân.