Khác với mong đợi của hầu hết các doanh nghiệp, việc ký kết FTA (các hiệp định thương mại tự do) không đảm bảo cho doanh nghiệp vận dụng được ưu đãi thương mại và cơ hội kinh doanh mà FTA mang lại.
Theo nghiên cứu thực hiện năm 2011, tỷ lệ vận dụng FTA của các nước ASEAN đối với xuất khẩu chỉ ở khoảng 27%, và Việt Nam là 12%. Năm 2014, một công bố của The Economist chỉ ra tỷ lệ vận dụng FTA của các nước Singapore, Malaysia, Indonesia và Việt Nam là 26%, tức là nếu có bốn doanh nghiệp xuất khẩu thì chỉ có một doanh nghiệp vận dụng FTA.
Như thế có hai khả năng, hoặc là các doanh nghiệp không có đủ khả năng để vận dụng FTA; hoặc là biên độ ưu đãi MFN (thuế áp dụng theo cơ chế tối huệ quốc)/FTA không đủ lớn để doanh nghiệp chấp nhận thực hiện thủ tục và tốn kém chi phí cho việc hưởng ưu đãi FTA.
Bất kể là khả năng nào, vai trò của cơ quan Nhà nước trong việc phổ biến nội dung của FTA và hỗ trợ cho doanh nghiệp tham gia FTA đều rất quan trọng, và càng quan trọng hơn khi Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - sân chơi càng lớn, cơ hội càng nhiều, thách thức cũng sẽ không đơn giản.
Tỷ lệ vận dụng FTA trong việc xuất khẩu hàng hóa ở Việt Nam chỉ khoảng 26%, tức là nếu có bốn doanh nghiệp xuất khẩu thì chỉ có một doanh nghiệp vận dụng FTA. |
Hiệu ứng “bát mì” của quy tắc xuất xứ
Tự do hóa thương mại của FTA không tự động diễn ra, việc cắt giảm thuế còn phụ thuộc một số điều kiện, trong đó, quan trọng nhất là quy tắc xuất xứ. Cần phải phân biệt quy tắc xuất xứ và quy tắc xuất xứ ưu đãi.
Tất nhiên, khi đã tham gia FTA, Chính phủ và doanh nghiệp chắc chắn hướng đến quy tắc xuất xứ ưu đãi. Vấn đề là doanh nghiệp có đáp ứng được các điều kiện xuất xứ để được hưởng ưu đãi?
Hơn một thập kỷ qua, trong phạm vi ASEAN, các FTA mà Việt Nam tham gia hầu như đều sử dụng tiêu chí là phải có tối thiểu 40% hàm lượng giá trị khu vực thì hàng hóa mới được hưởng ưu đãi. Vấn đề là các quy định pháp lý về phương pháp tính toán để xác định hàm lượng này trong ASEAN là không rõ ràng và dẫn đến việc các nước tùy ý sử dụng các phương pháp khác biệt để tính hàm lượng xuất xứ khi ký kết FTA song phương.
Điều này làm cho các FTA, đặc biệt là các bộ quy tắc xuất xứ của các FTA chồng chéo lên nhau, và đang được giới chuyên môn gọi là hiệu ứng “bát mì” trong áp dụng.
Đó là chưa kể đến thực trạng phức tạp của các quy định cấp C/O chứng nhận xuất xứ và thủ tục thông quan đang gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình vận dụng FTA để xuất nhập khẩu hàng hóa.
Dù việc làm hài hòa các bộ quy tắc xuất xứ đã được đưa vào chương trình thảo luận của hầu hết các cuộc họp trong khuôn khổ ASEAN, nhưng cho đến nay, tính thực tế của giải pháp hài hòa vẫn chưa đạt được. Các FTA dù áp dụng các tiêu chí xác định hàm lượng xuất xứ giống nhau, cũng vẫn có sự khác biệt trong phương pháp tính toán hàm lượng xuất xứ.
Ví dụ điển hình là FTA Việt Nam với Nhật Bản và Hàn Quốc đều có chung tiêu chí là 40% hàm lượng xuất xứ sẽ được hưởng ưu đãi như quy định của ASEAN, nhưng phương pháp tính toán cụ thể hàm lượng này lại có điểm khác biệt.
TPP đã đưa đến một hy vọng mới cho các quốc gia thành viên về việc giảm thiểu hiệu ứng “bát mì”. Theo bản tóm tắt của TPP được công bố, 12 quốc gia thành viên đã thống nhất được bộ quy tắc xuất xứ chung về xác định hàm lượng xuất xứ.
Theo đó, TPP sử dụng các phương pháp cải cách mới nhất là quy định xuất xứ đối với sản phẩm cụ thể và chấp nhận việc “cộng gộp” đối với nguyên liệu đầu vào để tính hàm lượng xuất xứ. Vấn đề đặt ra tiếp theo là các thủ tục và giấy tờ chứng minh cho xuất xứ có được cải cách để doanh nghiệp dễ dàng vận dụng TPP không?
FTA và bài toán chi phí của doanh nghiệp
Nếu mỗi FTA có quy định riêng về cách tính toán hàm lượng xuất xứ, doanh nghiệp sẽ phải hiểu và đáp ứng được các điều kiện của từng FTA nếu muốn hưởng ưu đãi. Điều này không hề đơn giản.
Hãy hình dung để tính được hàm lượng xuất xứ là 35% hay 40%, doanh nghiệp đều phải thiết lập và vận hành hệ thống đồng bộ từ khâu nhập khẩu nguyên liệu, sản xuất, gia công, kiểm định cho đến xuất hàng thành phẩm. Nói cách khác là doanh nghiệp phải có hệ thống quy định pháp lý nội bộ đồng nhất cho tất cả các khâu, đặc biệt là kế toán và kiểm soát.
Hệ thống này phải cung cấp được thông tin chi phí, cập nhật các thay đổi mã số hàng hóa (kể cả cho nguyên vật liệu), nhóm thuế cho các nguyên liệu, phân loại hệ thống đầu vào có xuất xứ và không có xuất xứ, các chi phí gia công gián tiếp và trực tiếp và các dữ liệu liên quan để tính toán hàm lượng xuất xứ của hàng hóa.
Đáng nói là phí tổn phát sinh khi vận hành một hệ thống như thế không hề nhỏ; và sẽ là một khoản đáng kể khi doanh nghiệp xuất khẩu đồng thời đến các quốc gia mà FTA có quy định khác nhau về cách tính xuất xứ.
Ví dụ, nếu doanh nghiệp đồng thời xuất khẩu đến Ấn Độ và Nhật Bản, doanh nghiệp sẽ phải vận hành các hệ thống song song với nhau để quản lý và tính toán hàm lượng xuất xứ; và chi phí này có thể lớn hơn các lợi ích mà doanh nghiệp đạt được ưu đãi từ FTA.
Xuất siêu và nhập siêu
Mặc dù các FTA đã được ký kết và đi vào thực hiện từ năm 2002, Việt Nam gần như vẫn liên tiếp nhập siêu cho đến năm 2011. Từ 2012-2014, chúng ta có ba năm liên tiếp xuất siêu, nhưng phần lớn đến từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và hàng hóa gia công, lắp ráp từ nguyên liệu nhập khẩu. Từ đầu năm 2015 đến nay, tình hình nhập siêu đã quay lại.
Thực trạng này cho thấy việc phát triển của ngành công nghiệp sản xuất hàng hóa của Việt Nam không bền vững, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa mang lại giá trị gia tăng vẫn chưa cao.
Trong khuôn khổ FTA nói chung và TPP nói riêng, nghịch lý là sản phẩm của ngành nào được ưu đãi nhiều nhất thì ngành đó có thể gặp nhiều rủi ro nhất.
Ví dụ điển hình là các sản phẩm chăn nuôi, một trong những dòng hàng hóa đứng đầu trong danh sách được cắt giảm thuế của TPP. Hiện nay, hầu như nguyên liệu đầu vào của ngành chăn nuôi Việt Nam, từ giống, thức ăn... đều phải nhập khẩu, nên người sản xuất không thể kiểm soát chất lượng sản phẩm đầu vào và đầu ra.
Bên cạnh đó, việc sử dụng chất cấm, chất kháng sinh tùy tiện; tình trạng sản xuất manh mún, không có mô hình trang trại tập trung sản xuất xuất khẩu cũng là một điểm yếu. Nếu không thể khắc phục, các hạn chế này sẽ làm cho ngành chăn nuôi Việt Nam là ngành trước tiên điêu đứng khi TPP được phê chuẩn và thực hiện.
Nguy cơ rõ ràng nhất là trong khi hàng nông sản của Việt Nam chưa xuất khẩu được vào thị trường của các quốc gia thành viên khác thì sản phẩm của nước bạn đã chiếm lĩnh thị trường nội địa, chẳng hạn thịt bò Australia, bò Mỹ, thịt heo, gà và trái cây các loại. Lo lắng về việc thị trường Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ có thể xảy ra vào một ngày không xa.
Chúng ta không nên quên rằng đến cuối năm nay, năm 2015, khi Cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành theo lộ trình cam kết, một AEC với hàng hóa của Thái Lan cũng đã đủ làm cho việc tiêu thụ hàng Việt Nam tại chính thị trường Việt Nam chịu nhiều thách thức. Kỳ vọng vào một nền kinh tế xuất siêu có vẻ sẽ khó đạt được nếu hàng hóa của Việt Nam không thể đáp ứng được các tiêu chí nhất định của FTA.
Việc vận dụng FTA ngỡ như là trong tầm tay, nhưng thực chất lại rất xa vời với các doanh nghiệp nhỏ và vừa - loại hình doanh nghiệp chiếm số đông ở Việt Nam. Dù tham gia TPP hay bất kỳ một FTA nào, doanh nghiệp đều phải đối mặt với vấn đề là vận dụng được bao nhiêu ưu đãi và cơ hội mà FTA mang đến.
Có hai yếu tố cần phải nhanh chóng thực hiện để giúp đỡ doanh nghiệp Việt Nam đối đầu thử thách. Một là cần phải có chương trình đào tạo chuyên sâu về FTA để có được nguồn nhân lực hiểu biết rõ về hội nhập và các điều kiện có liên quan. Với nguồn nhân lực này, các doanh nghiệp mới có thể xây dựng và vận hành được hệ thống quản lý nội bộ phù hợp.
Hai là Chính phủ cần thực hiện và hỗ trợ cập nhật, phổ biến kiến thức, xây dựng biểu mẫu, hướng dẫn thành lập hệ thống quản trị nội bộ cho doanh nghiệp để doanh nghiệp tiếp cận, hiểu rõ và vận dụng được FTA. Sân chơi FTA không hề đơn giản nếu doanh nghiệp Việt Nam không được định hướng và trang bị đầy đủ kiến thức để hoạch định phương án kinh doanh và hội nhập.