Sáng 12/10, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc cử tri quận 1 (TP HCM) để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII. Nhiều vấn đề lớn của đất nước được cử tri đề cập, trong đó có tình trạng tham nhũng và công tác cán bộ.
Đề cập đến những định hướng về tiêu chuẩn cán bộ cấp cao của BCH Trung ương mà Hội nghị Trung ương 11 đã đề ra, cử tri Huỳnh Văn Riều nói, rất hoan nghênh và tâm đắc khi Trung ương quyết tâm không để lọt vào BCH Trung ương những người xu nịnh, chạy chọt, tư tưởng cục bộ, bè phái, lợi ích nhóm.
Chủ tịch nước tiếp xúc cử tri quận 1, TP HCM. |
Tuy nhiên, cử tri này cho rằng hiện nay có một số cán bộ ở cấp Trung ương và địa phương bị dư luận dị nghị giàu lên rất nhanh. Ông đề nghị các đại biểu Quốc hội cho biết về vấn đề này.
Còn cử tri Nguyễn Trung Dũng cho rằng, mọi thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay xấu. Do đó, Trung ương phải đặc biệt quan tâm đến công tác này.
Vấn đề tham nhũng cũng được nhiều cử tri quan tâm. Ông Phạm Bá Lữ nói, mới đây Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã thống nhất đưa 8 vụ án trọng điểm ra xét xử trước đại hội XII của Đảng. Tuy nhiên cử tri này băn khoăn vì nhiều vụ án tham nhũng lớn chưa được đưa ra xét xử.
Nhiều cử tri đề nghị Bộ luật Hình sự sửa đổi không nên bỏ án tử hình đối với các tội danh tham nhũng. “Với án tham nhũng cần phải xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Không nên bỏ án tử hình đối với tội danh này”, cử tri Nguyễn Trung Dũng nói.
Trước các ý kiến này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, tiêu chí cán bộ cấp cao đã được BCH Trung ương thông qua và đang trong quá trình tuyển chọn, giới thiệu của các cấp các ngành về nhân sự . “Hiến pháp đã nói, đại biểu không phải chỉ của giai cấp mà của cả dân tộc, nên cử tri có đủ quyền hạn để đóng góp ý kiến vào vấn đề nhân sự”, Chủ tịch nước nói.
Chủ tịch nước gợi ý người dân có thể gửi thư về Tiểu ban Nhân sự Trung ương, Bộ Chính trị để góp ý cho những trường hợp nhân sự quy hoạch nếu phát hiện nhân sự đó có vấn đề vi phạm định hướng tiêu chuẩn cán bộ cấp cao của BCH Trung ương.
Tuy nhiên, Chủ tịch nước cũng lưu ý đây là vấn đề hệ trọng của một con người, khi cử tri phát hiện, nghe, biết chắc chắn thì hãy phản ánh.
Chủ tịch nước cho biết, thời gian qua các cấp các ngành đã thực hiện phòng, chống tham nhũng cũng rất ráo riết, đốc thúc rất nhiều và có kết quả. Độ nghiêm minh được tăng cường hơn nhưng so với mục tiêu, yêu cầu vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra, nên cần tiếp tục phấn đấu nhiều hơn nữa.
“Mong cử tri tiếp tục tham gia giám sát ở nơi công tác, cư trú hoặc biết được thông tin nào thì gặp chúng tôi phản ánh để thúc đẩy mục tiêu này mỗi ngày một tốt hơn”, ông Trương Tấn Sang nói.
Bên cạnh vấn đề nhân sự và công tác chống tham nhũng, cử tri cũng quan tâm đến Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). "Chúng ta ký kết hiệp định này đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển, nhưng đó cũng là thách thức rất lớn", cử tri Tăng Kim Tây phát biểu.
Về vấn đề này, theo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, hội nhập quốc tế là mục tiêu của Việt Nam trong nhiều năm qua nên chúng ta đã mất 5 năm đàm phán để ký kết hiệp định TPP.
"Tuy nhiên, mình vào nhà người ta được thì ta cũng mở cửa nhà mình cho họ vào. Do đó, để giành thắng lợi không gì khác hơn là chúng ta phải xây dựng nền kinh tế mang tính cạnh tranh cao, chất lượng hiệu quả. Không phải ký TPP là Việt Nam biến thành rồng ngay được.
TPP không phải là chiếc đũa thần kỳ. Đây là cơ hội để Việt Nam phát triển mạnh nền kinh tế, nhưng cũng rất nhiều thách thức cho doanh nghiệp", Chủ tịch nước nhấn mạnh.