Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Frédéric Beigbeder: Chúng ta thường bị cuốn hút bởi bi kịch

Tác giả cuốn "Oona & Salinger" có những chia sẻ rất sâu sắc về tác phẩm mới nhất của anh trên tờ Huffingtonpost.

Là nhà văn người Pháp được yêu thích qua các tác phẩm như Cửa sổ trên tháp đôi. Tình yêu kéo dài ba năm, Kẻ ích kỷ lãng mạn..., Frédéric Beigbeder luôn thể hiện tinh thần phóng khoáng, độc đáo, ngông nghênh nhưng cũng rất tình cảm trong ngòi bút của mình. Anh thường xuyên châm biếm về cuộc sống, thời trang, tình yêu nhưng không tạo ra cảm giác khó chịu hay giễu nhại quá đà mà luôn khiến độc giả phải mỉm cười và cảm thấy thấm thía.

Tác phẩm gần nhất của anh, Oona & Salinger, cũng là một quyển sách về đề tài tình yêu rất ăn khách và tạo được sự chú ý của hàng triệu độc giả tại châu Âu cũng như toàn thế giới.

Tác phẩm Oona & Salinger.

- "Oona & Salinger" là tác phẩm bán tiểu thuyết về chuyện tình giữa nhà văn nổi tiếng J.D. Salinger và cô gái Oona O’Neil  xuyên suốt vài thập kỷ. Anh định vị quyển sách này của mình thuộc thể loại nào, tình yêu đơn thuần hay quyển sách về tuổi trẻ?

- Tôi muốn viết về một câu chuyện tình đơn thuần, nhưng ban đầu tôi cũng không chắc nó sẽ thành công. Tôi đã thử viết quyển này vài lần trước đó nhưng hoàn toàn thất bại.

- Điều gì đã khiến anh thất bại?

- Tôi rất ngưỡng mộ nhà văn Salinger, tác giả của Bắt trẻ đồng xanh. Khi phát hiện ông ấy có một cuộc tình cùng Oona O’Neill, con gái của nhà văn nổi tiếng Eugene O’Neill, tôi ngay lập tức muốn tìm hiểu sâu hơn về câu chuyện này.

Họ yêu nhau khi còn trẻ, xinh đẹp, thông minh và đầy đam mê, đó là những yếu tố giúp tạo nên một câu chuyện tình hấp dẫn. Bên cạnh đó, họ còn sống trong một môi trường khá sung túc nên thường xuyên lui tới những tụ điểm giải trí thời thường, gặp gỡ những con người sang trọng.

Thế nên, tôi nghĩ quyển sách khi viết ra sẽ có gì đó tương tự với tác phẩm Gatsby vĩ đại của Fitzgerald. Nhưng khi càng tìm hiểu sâu về cuộc tình này, tôi lại thấy nó bi kịch và đau đớn hơn mình nghĩ.

- Có phải là vì Salinger đã để Oona ở lại nước Mỹ để tham gia Thế chiến II, còn Oona lại kết hôn cùng danh hài Charlie Chaplin vào năm 1943?

- Đúng vậy. Vì thế nó không còn đơn thuần là câu chuyện tình yêu nữa mà còn có cả sự tàn khốc của chiến tranh và cái cách mà nó thay đổi con người.

- Khi Salinger đến châu Âu, cuộc sống của cả hai rõ ràng đã rẽ theo hai hướng khác nhau. Nhưng sau đó, ở phần cuối tác phẩm, anh mang họ trở lại bên nhau, tại sao?

- Phần đầu của tác phẩm là câu chuyện về tuổi trẻ và tình yêu vô tư, trong khi phần cuối lại xoáy sâu về số phận của hai con người trong những chương cuối cuộc đời của họ. Tôi luôn thấy có sự xúc động khi bạn gặp lại một người thân quen sau một thời gian dài cùng những kỷ niệm mà bạn trải qua cùng nhau. Trong đó có sự nhung nhớ và khác khoải mà tôi cho là vô cùng thu hút. Thế nên tôi đã hư cấu câu chuyện và đưa sự kiện họ gặp nhau vào đó. Ngoài đời thực, tôi không biết liệu họ có bao giờ gặp lại nhau không.

Phong cách phóng khoáng, tự do của Frédéric Beigbeder được thể hiện trong chính những tác phẩm của anh.

- Hướng cuộc sống theo cách mình muốn. Đó có phải là điều anh muốn làm khi trở thành một nhà văn?

- Điều đó đúng với nhiều quyển sách khác của tôi, nhưng với quyển này thì khác một chút. Kỳ thực, tôi chỉ muốn trở thành Salinger, Oona, Truman Capote, Ernest Hemingway và nhiều nhân vật khác trong quyển sách này (chứ không phải là chính mình). Đôi khi cũng rất thú vị khi dành một vài giây để tưởng tượng việc bản thân trở thành người mà bạn ngưỡng mộ.

- Vậy giữa việc viết sách hoàn toàn hư cấu và viết sách dựa trên cuộc đời một người, cái nào khó hơn?

- Khi viết sách dựa trên câu chuyện của ai đó, bạn sẽ bị giới hạn về nhiều thứ. Tuy nhiên, điều thú vị là bạn có thể đào sâu quá khứ của họ để tìm kiếm dữ liệu của riêng mình. Và việc đặt bản thân bạn vào họ cùng mang lại cảm giác thích thú hơn. Đó là điều mà bạn không thể làm với các nhân vật hư cấu.

- Vậy anh thích làm Salinger hay Oona hơn?

- Oona, dĩ nhiên rồi, sẽ thú vị hơn nhiều. Khi đó, rất nhiều chàng trai sẽ phát điên lên vì bạn, bạn sẽ tiếng mà không cần phải làm gì cả. Thật là tuyệt vời.

- Điều thu hút ở quyển sách này chính là việc hai nhân vật chính chỉ ở bên nhau một thời gian ngắn, nhưng sau đó họ vẫn lien lạc qua thư suốt nhiều năm. Trong sách, anh có trích một câu của Emily Dickinson cho rằng tình yêu đích thực gần như không thể nào có được. Anh có đồng ý với quan điểm đó?

- Có, tôi tin vào điều này. Nó có phần hơi khoa trương và dữ dội, nhưng đúng là thật. Bạn có thể đọc lại tác phẩm kinh điển Nỗi đau của chàng Werther của Goethe để thấy tình yêu đầu tiên hay tình yêu thứ 15 cũng đều mang lại những cảm xúc ngang nhau, và quan trọng là nó chẳng bao giờ trọn vẹn hay thành hiện thực. Điều kỳ lạ là chúng ta luôn thích được hạnh phúc, nhưng lại cảm thấy bị cuốn hút bởi nỗi đau và sự tan vỡ. Chúng ta thường có xu hướng ngưỡng mộ những bi kịch.

- Trong cuộc sống, anh có một người nào mình mong mỏi chờ đợi như Salinger từng mong mỏi Oona?

- Trong thần thoại Hy Lạp, người ta có 9 nàng thơ. Tôi có hai: vợ tôi và Oona. Một ở bên cạnh và một không thể nắm bắt. Đó là sự kết hợp hoàn hảo.

Tuyết Tùng

Bạn có thể quan tâm