Khi nhắc tới các ngôi sao nữ tiêu biểu của Hollywood, người yêu điện ảnh thường liên tưởng ngay đến những gương mặt cân đối, yêu kiều, cuốn hút khán giả ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Đại diện cho vẻ đẹp hết sức điện ảnh đó có thể là những tên tuổi đã qua đời và được xếp vào hàng huyền thoại như Ingrid Bergman, có thể là các ngôi sao gạo cội nhưng vẫn đang tỏa sáng trên màn ảnh như Helen Mirren, hay cũng có thể là Viola Davis - gương mặt tiêu biểu cho giới diễn viên da màu vốn đang ngày một có chỗ đứng vững chắc hơn trong nền điện ảnh nước Mỹ.
Không chỉ xinh đẹp, Bergman, Mirren, và Davis còn nhận sự tôn trọng tuyệt đối ở Hollywood với tài năng diễn xuất đã được kiểm chứng bằng danh xưng “Ba đỉnh cao diễn xuất” (Triple Crown of Acting).
Danh hiệu tuy không chính thức nhưng hết sức cao quý ấy vốn để chỉ những ai đã giành chiến thắng tại cả ba giải thưởng diễn xuất danh giá nhất dành cho giới diễn viên điện ảnh, sân khấu, và truyền hình: đó là Oscar, Tony, và Emmy.
Nếu làm phép quy nạp từ ba cái tên kể trên, hay từ những nữ ngôi sao khác từng giành “Ba đỉnh cao” như Anne Bancroft hay Jessica Lange, hẳn nhiều người cho rằng để giành lấy danh hiệu đó, các minh tinh không chỉ cần tài năng vượt trội, mà còn phải sở hữu vẻ đẹp trời phú.
Frances McDormand nằm trong số các diễn viên đã đạt đến "Ba đỉnh cao diễn xuất". |
Song, suy luận đó thực tế chưa chính xác, bởi có một nữ diễn viên cũng chạm đến “Ba đỉnh cao”, nhưng suốt cả sự nghiệp chưa bao giờ được ca ngợi về vẻ đẹp bên ngoài. Đó là Frances “Fran” McDormand - cái tên từng 5 lần nhận đề cử diễn xuất tại Oscar, và có hai lần giành chiến thắng với Fargo (1996) và Three Billboards Outside Ebbing, Missouri (2017).
Mối lương duyên với anh em nhà Coen
Frances McDormand thực tế sở hữu vẻ ngoài tương đối khắc khổ, hoàn toàn tương phản với nét đẹp Hollywood của đại đa số minh tinh trên màn ảnh. Nét khắc khổ đó phần nào nói lên xuất thân không hề dễ dàng của nữ diễn viên 60 tuổi.
Bà bị cho đi làm con nuôi khi chỉ mới một tuổi rưỡi, trải qua tuổi thơ ấu rong ruổi khắp những thị trấn nhỏ miền Trung nước Mỹ cùng gia đình người cha nuôi vốn là một mục sư Tin Lành.
Nhưng cuộc sống nhiều xáo trộn không hề làm Frances McDormand nản chí hay mất đi tình yêu với sự nghiệp diễn xuất - một nghề nghiệp đòi hỏi sự tập trung, nỗ lực hết mình, và cả một chút may mắn.
Hai phẩm chất đầu tiên là "sự tập trung" và "nỗ lực" được McDormand nhanh chóng thể hiện. Ở tuổi 25, bà kịp tốt nghiệp trường kịch nghệ Yale danh tiếng. Chỉ hai năm sau, yếu tố cần thiết thứ ba cho một diễn viên - sự may mắn - cũng tìm đến Frances McDormand khi bà được lựa chọn cho vai nữ chính trong Blood Simple (1984). Đó là bộ phim đầu tay của hai anh em đạo diễn khi ấy cũng đang mới bước chân vào làng điện ảnh nước Mỹ - Joel và Ethan Coen.
Blood Simple đã mở ra sự nghiệp đầy vẻ vang của Frances McDormand, đồng thời giúp chị tìm thấy người bạn đời đáng tin cậy. |
Tuy không phải là thành công vang dội về mặt thương mại, nhưng Blood Simple giúp hai anh em nhà Coen sở hữu bàn đạp vững chắc cho sự nghiệp đầy vinh quang sau này. Với riêng McDormand, bà không chỉ sở hữu vai diễn để chứng tỏ tài năng diễn xuất, mà còn tìm thấy cho bản thân người bạn đời cho tới tận ngày hôm nay - Joel Coen.
Có một sự thật khắc nghiệt ở Hollywood mà các nữ diễn viên thường xuyên phải đối mặt, đó là việc họ dễ dàng được trao cơ hội tỏa sáng khi còn rất trẻ, để rồi phải chứng kiến sự nghiệp dần lụi tàn theo bề dày tuổi đời và tuổi nghề.
Những sự nghiệp như sao băng rực sáng, một lần rồi lịm tắt của các nữ diễn viên phần đông là xinh đẹp ấy, đơn giản xảy ra bởi các nhà sản xuất, đạo diễn cần tới vẻ đẹp thanh xuân rực rỡ và phong cách diễn xuất ngây thơ, trong trẻo để thu hút khán giả.
Còn khi nét xuân đã chẳng còn, trong con mắt của giới làm phim Hollywood vốn đa phần là nam giới, các nữ diễn viên ấy chỉ còn là những nhân vật phụ đang bước dần về phía cuối hoàng hôn của đại lộ danh vọng Hollywood.
Nhưng Frances McDormand lại là một trường hợp hoàn toàn "cá biệt".
“Gừng càng già càng cay”
Không hiểu có phải vì bị đánh giá là “kém xinh” ngay từ lúc còn trẻ, hay vì sự hỗ trợ nhiệt thành của anh em nhà Coen, mà Frances McDormand lại có đến ba thập niên diễn xuất khá đặc biệt. Bà chỉ thực sự được công chúng biết tới khi đã bỏ lại sau lưng tuổi thanh xuân, nhưng kể từ đó luôn giữ vững chỗ đứng nhất định kể cả khi đã bước sang tuổi lục thập.
Theo chính lời giải thích của McDormand, bà có sự nghiệp lâu bền đến như vậy là bởi các nhà làm phim Hollywood vẫn cần các nữ diễn viên thể hiện kiểu nhân vật “bình thường”, giúp “làm nền” cho những minh tinh xinh đẹp hoặc các ngôi sao thủ vai anh hùng, luôn đứng ở vị trí trung tâm trong các tác phẩm điện ảnh.
Quả thực, có tới ba trong số năm lần nhận đề cử giải Oscar của Frances McDormand là dành cho các vai phụ: Mississippi Burning (1989), Almost Famous (2001), và North Country (2006).
Fargo (1996) giúp Frances McDormand giành tượng vàng Oscar đầu tiên trong sự nghiệp. |
Ngay cả vai diễn trong Fargo (1996) vốn được anh em nhà Coen “đo ni đóng giày” cho McDormand và sau đó giúp bà nhận tượng vàng Oscar đầu tiên trong sự nghiệp ở hạng mục Nữ diễn viên chính, minh tinh thực tế không có nhiều đất diễn như các đồng nghiệp phái mạnh như William H. Macy và Steve Buscemi.
Không có nhiều đất diễn, lại chẳng được đánh giá cao về ngoại hình, “vũ khí” duy nhất mà McDormand nắm trong tay là khả năng hóa thân vào các nhân vật “bình thường” để đem lại cho họ chiều sâu về tâm trạng, về tính cách vượt ra ngoài khuôn khổ kịch bản.
Ví dụ điển hình cho một nhân vật “kiểu McDormand” chính là nhân vật viên cảnh sát Marge Gunderson trong Fargo. Không cần tới những phân đoạn kịch tính, chẳng cần sử dụng cách diễn thậm xưng nhiều lời thoại, Marge chất phác nhưng thông minh hết mực của Frances McDormand vẫn khiến khán giả cảm thấy ấm lòng giữa bối cảnh giá lạnh và các nhân vật nam mưu ma chước quỷ. Bởi công chúng có thể tìm thấy giá trị nhân văn từ tấm lòng tận tụy hết mực vì công việc, vì con người của Marge.
Almost Famous cũng đánh dấu một vai diễn đáng nhớ khác của minh tinh. |
Cũng nhờ vào tài năng của Frances McDormand mà bà mẹ xót con Elaine Miller từ chỗ là nhân vật một chiều và lạc lõng trong sự trẻ trung, giàu chất âm nhạc của Almost Famous đã trở thành chỗ tựa vững chắc về mặt tinh thần cho nhân vật chính của bộ phim là William Miller (Patrick Fugit), và cho cả chính khán giả khi họ cảm thấy chới với bởi những giấc mơ nghệ thuật chẳng bao giờ thành hiện thực.
Một khi tài năng đã được khẳng định qua những vai phụ “bình thường” và đến cái tuổi mà vẻ đẹp bên ngoài không còn là yếu tố quan trọng nữa, sự nghiệp điện ảnh của Frances McDormand cứ thế cất cánh với North Country (2006) hay Burn After Reading (2009), thậm chí khi bà chẳng bao giờ bận tâm tới việc quảng bá cho hình ảnh bản thân hay gần như lảng tránh các cuộc phỏng vấn với báo chí.
Biểu tượng mới xứng đáng của Hollywood
Nếu như trên sân khấu kịch nghệ, McDormand từ lâu trở nên nổi tiếng qua các vai nữ trung tâm như Stella Kowalski ở vở diễn kinh điển A Streetcar Named Desire, thì với màn ảnh truyền hình và điện ảnh, bà cũng dần được tin tưởng giao cho các vai chính nặng ký như Olive Kitteridge của loạt phim truyền hình cùng tên trên HBO, hay vai bà mẹ mất con Mildred Hayes trong tác phẩm hình sự Three Billboards Outside Ebbing, Missouri của đạo diễn Martin McDonagh.
Chính vai diễn Olive Kitteridge đã đem lại cho Frances McDormand giải thưởng Emmy quan trọng, giúp bà chinh phục cột mốc cuối cùng của “Ba đỉnh cao diễn xuất”. Còn hình ảnh bà mẹ tuyệt vọng đi tìm công lý Mildred Hayes qua sự thể hiện của McDormand đơn giản là đã “thổi bay” khán giả vì tình mẫu tử và chiều sâu tâm hồn mà khó nhân vật nào có thể sánh nổi trong năm 2017.
Ở cả hai vai diễn, Frances McDormand tái khẳng định rằng tài năng diễn xuất của bà mang sức nặng lớn hơn bất cứ vẻ xinh đẹp bề ngoài nào trong việc chinh phục khán giả. Và tượng vàng Oscar thứ hai trong sự nghiệp vào buổi tối 4/3 tại hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc cho McDormand là điều hoàn toàn xứng đáng.
Frances McDormand rạng rỡ với tượng vàng Oscar thứ hai trên tay nhờ bộ phim Three Billboards Outside Ebbing, Missouri. |
Sau một năm đầy biến động vì vô số vụ bê bối tình dục mà nạn nhân đa phần là các nữ diễn viên trẻ mới vào nghề, giới làm phim Hollywood đang loay hoay tìm kiếm hướng đi mới, bình đẳng hơn, trong sạch hơn, và nữ giới không còn là những “bình hoa di động” được giao vai chỉ vì họ xinh đẹp.
Ở khúc quanh ấy, có lẽ Frances McDormand với sự nghiệp lâu dài và thành công sẽ là tấm gương phản chiếu tốt nhất dành cho các nữ diễn viên trẻ, và cho cả những nhà làm phim Hollywood.
Với các diễn viên, đó là vì họ hoàn toàn có thể cảm thấy tự tin rằng một khi sở hữu tài năng thực sự và nỗ lực hết mình, cơ hội trở thành “McDormand tiếp theo” sẽ đến, và bản thân sẽ tìm thấy vai diễn phù hợp dù đã đi qua năm tháng thanh xuân của tuổi trẻ.
Còn với các nhà làm phim Hollywood, đó là vì họ sẽ thấy không phải nét đẹp hời hợt, mà chính chiều sâu tâm hồn của các nhân vật nhờ vào diễn xuất tinh tế của các nữ diễn viên thực lực như McDormand mới là yếu tố chắc chắn, giúp cho các tác phẩm của họ trở nên thành công.
Vậy thì lẽ gì mà ngành công nghiệp điện ảnh của Mỹ và toàn thế giới lại không tôn vinh Frances McDormand, như hình ảnh tiêu biểu cho một Hollywood mới, tốt đẹp và chân thực hơn?