Hệ sinh thái AI “made-by-Vietnam” của FPT không chỉ đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số đang diễn ra trên toàn cầu, mà còn tạo cơ hội cho tài năng công nghệ tham gia hành trình kiến tạo tương lai.
FPT liên tục phát triển năng lực AI tại Nhật Bản
Tháng 9, FPT thành lập Trung tâm Tích hợp Dữ liệu và AI (FPT Data & AI Integration) tại Nhật Bản. Trung tâm hướng đến mục tiêu hợp nhất năng lực sẵn có trong hệ sinh thái FPT về dữ liệu và AI, đồng thời hỗ trợ nhân sự dự án nâng cao năng lực triển khai dịch vụ, đáp ứng nhu cầu phát triển mảng công nghệ trị giá hàng tỷ USD tại thị trường Nhật Bản.
“Trung tâm được thành lập để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng hệ sinh thái AI tại Nhật Bản, dựa trên nền tảng năng lực nghiên cứu phát triển AI cùng khả năng kết nối sâu rộng với các tổ chức hàng đầu trong lĩnh vực AI của FPT”, ông Đào Thanh Bình - Giám đốc điều hành của FPT Data & AI Integration, Tập đoàn FPT - chia sẻ.
Trong mạng lưới đối tác công nghệ toàn cầu của FPT có NVIDIA - tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực GPU Cloud (điện toán đám mây tích hợp bộ xử lý đồ họa hiệu năng cao). Trong tháng 11, FPT ra mắt nhà máy AI (AI Factory) tại Việt Nam và Nhật Bản, công bố hệ sinh thái AI, bắt tay cùng các tập đoàn công nghệ toàn cầu như NVIDIA, SCSK, ASUS, Hewlett Packard Enterprise, VAST Data, DDN Storage để thúc đẩy phát triển và vận hành các nhà máy AI, góp phần phát triển AI có chủ quyền tại 2 quốc gia.
Các lãnh đạo FPT và đối tác trong lễ ra mắt nhà máy AI của FPT tại Nhật Bản. |
Tại thị trường Nhật, FPT tập trung phát triển sản phẩm AI “made-by-Vietnam” như chatbot AI Chat, ứng dụng đào tạo AI Mentor, ứng dụng cải tiến dịch vụ khách hàng AI Engage, ứng dụng nhận diện chữ viết kết hợp AI (AI-OCR), các ứng dụng hình ảnh Vision AI... Các sản phẩm này được mảng xuất khẩu phần mềm của FPT tại Nhật Bản phân tích nhu cầu thị trường đối với AI để đưa ra định hướng tùy chỉnh sản phẩm. Việc này nhằm phát huy tối đa sức mạnh vốn có về phát triển phần mềm, mạng lưới khách hàng và đối tác rộng lớn của FPT tại Nhật Bản cũng như trên toàn thế giới.
Dự kiến đầu năm 2025, FPT cung cấp dịch vụ điện toán đám mây dựa trên GPU thế hệ mới nhất NVIDIA H200. Dịch vụ được thiết kế nhằm tăng tốc phát triển và ứng dụng các mô hình như AI tạo sinh, giúp thúc đẩy ứng dụng AI tạo sinh. Không chỉ góp phần phát triển công nghệ của Nhật Bản, dịch vụ còn được kỳ vọng giải quyết thách thức về già hóa dân số và nhu cầu chuyển đổi số trong các ngành công nghiệp của Nhật Bản.
Nhật Bản là thị trường hàng đầu về chuyển đổi số, đặc biệt là dữ liệu và AI. Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản dự báo thị trường hệ thống AI của nước này đạt quy mô 7,3 tỷ USD vào năm 2027. Đầu tư vào AI, tối ưu thế mạnh của FPT tại Nhật Bản gồm năng lực cung cấp dịch vụ chuyển đổi hệ thống, cung cấp các giải pháp tiên tiến tích hợp AI, FPT đang tiến gần đến mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD tại thị trường này vào năm 2027.
Chiêu mộ nhân tài AI, chinh phục thị trường “tỷ đô”
Thị trường công nghệ thông tin (CNTT) tại Nhật Bản dự kiến đạt quy mô khoảng 941 tỷ USD vào năm 2032, với tốc độ tăng trưởng trung bình 8,6% mỗi năm từ 2022 đến 2032. Tuy nhiên, theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI), quốc gia này sẽ thiếu hụt khoảng 789.000 nhân lực CNTT vào năm 2030.
Hiện tại, các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 6-7% thị phần trong nhu cầu ủy thác phát triển phần mềm của Nhật Bản - thị trường có giá trị hơn 30 tỷ USD mỗi năm. Sự gia tăng nhu cầu áp dụng AI để giải quyết vấn đề trong các lĩnh vực đời sống đang mở ra cơ hội lớn cho các công ty CNTT Việt Nam. Đặc biệt với lĩnh vực liên quan đến trí tuệ nhân tạo, các doanh nghiệp và nhân lực CNTT Việt Nam có thể tham gia sâu hơn vào thị trường tiềm năng này.
Hợp tác những đối tác hàng đầu, mạnh tay đầu tư cơ sở hạ tầng, đặt mục tiêu chiêu mộ hàng trăm chuyên gia AI và hàng nghìn kỹ sư CNTT các lĩnh vực khác, FPT đang thể hiện rõ quyết tâm chinh phục thị trường Nhật Bản.
“Chúng tôi kỳ vọng thu hút hàng trăm nhân tài tham gia vào các dự án tích hợp AI và dữ liệu tại Nhật Bản, cùng nhau định hình tương lai của AI, đồng thời dùng công nghệ để kiến tạo giá trị bền vững cho xã hội”, ông Đào Thanh Bình khẳng định.
Từng làm việc tại công ty lớn ở Nhật Bản, với kinh nghiệm chuyên sâu trong lĩnh vực khoa học máy tính, ông Bình nhận định cơ hội việc làm trong lĩnh vực AI và dữ liệu là rất lớn.
Trên hành trình khẳng định trí tuệ Việt Nam tại Nhật Bản, FPT mong muốn cùng tài năng công nghệ đồng hành để nghiên cứu, phát triển, ứng dụng AI sâu rộng vào cuộc sống, kinh doanh và xã hội Nhật Bản nói riêng cũng thị trường toàn cầu nói chung. Tại Nhật Bản, các chuyên gia Việt Nam gia nhập FPT được làm việc trong “Top 100 nơi làm việc tốt nhất tại Nhật Bản” và được tạo điều kiện để phát triển năng lực.